Bấy lâu nay, chúng ta thường mặc định nghĩ rằng, những chấm sậm màu, li ti trên cánh mũi của mình là mụn đầu đen. Tuy nhiên, khi nặn ra thì chúng lại rất dễ nặn và có hình dạng sợi dài chứ không phải nhân cứng của mụn đầu đen. Lúc này, bạn mới nhận ra rằng, dù đã thử tẩy da chết, bôi thuốc hay dùng miếng dán lột mụn thì những chấm sậm màu vẫn còn y nguyên trên cánh mũi và không có dấu hiệu biến mất.
Và sự thật là, những chấm sậm màu li ti mà ai cũng thấy trên mũi hoàn toàn không phải mụn đầu đen. Thực chất thì chúng là sợi bã nhờn (sebaceous filament) và hoàn toàn không gây hại nhiều như các loại mụn.
Sợi bã nhờn được hình thành nên bởi hỗn hợp vi khuẩn, lipid bã nhờn, vảy mảnh và tế bào chết xung quanh nang lông dưới hình dạng các sợi nhỏ. Sau khi ấn, nặn bằng đầu ngón tay thì bạn sẽ thấy phần sợi tiết ra có màu trắng hoặc vàng nhưng lại tự động se khít lỗ chân lông sau chu kỳ 30 ngày. Những sợi bã nhờn này được hình thành rất tự nhiên và không phải là dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ dễ nhầm lẫn chúng với mụn đầu đen. Bởi chúng xuất hiện với những chấm nhỏ li ti tập trung thành cụm lớn ở những khu vực da nhiều dầu như đầu mũi, cánh mũi, phần má gần hai bên cánh mũi, cằm, hoặc trán...
Đúng như tên gọi của mình, sợi bã nhờn có hình dạng sợi dài giúp thực hiện nhiệm vụ dẫn dầu từ tuyến dầu dưới da qua lỗ chân lông lên bề mặt da, từ đó giúp làm mềm, nuôi dưỡng và bảo vệ da tốt hơn. Nói dễ hiểu hơn thì những sợi bã nhờn này sẽ đóng vai trò làm đường vận chuyển chất dưỡng da tự nhiên, giúp làn da tự dưỡng ẩm từ bên trong.
Và cũng vì thế nên sợi bã nhờn được xem là một phần tất yếu của làn da, không thể xử lý triệt để được. Tuy nhiên, càng về già thì tuyến bã nhờn sẽ càng làm việc kém hơn, từ đó giảm hiệu quả và những sợi bã nhờn này cũng sẽ ít hình thành hơn.
Khi bã nhờn tích tụ lâu ngày hóa cứng lại sẽ thành đầu mụn chặn lỗ chân lông, sau đó bị oxy hóa bởi môi trường hàng ngày nên biến thành mụn đầu đen. Ngoài ra, loại mụn này còn được hình thành bởi những tế bào da chết đã bị thay mới quyện cùng bã nhờn. Chính từ những đầu bã nhờn này sẽ dần chuyển sang màu nâu hoặc đen do bị oxy hóa nên được gọi là mụn đầu đen.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý không tự ý cạy, hay nặn mụn đầu đen bởi khả năng cao sẽ để lại sẹo.
Nếu vẫn chưa phân biệt rõ được đâu là mụn đầu đen, đâu là sợi bã nhờn thì hãy chú ý tới một vài điểm lưu ý sau:
Với mụn đầu đen, cách tốt nhất thì bạn nên nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ da liễu hoặc đến thẳng spa để điều trị. Đừng tự ý nặn mụn bởi điều này có thể để lại sẹo, gây nhiễm trùng da và thâm rỗ nghiêm trọng hơn.
Còn đối với sợi bã nhờn, vì chúng là một phần tất yếu của làn da nên không thể xử lý triệt để được. Dù vậy, vẫn có một số cách làm giảm bớt tốc độ hình thành của chúng:
- Sử dụng miếng dán lột mũi.
- Xông hơi mặt.
- Tẩy da chết theo lịch định kỳ.
- Cung cấp đủ độ ẩm cho da bằng cách uống nước, dùng một số sản phẩm kem dưỡng ẩm...
- Sử dụng sữa rửa mặt lành tính, có thành phần dịu nhẹ để tránh làm mất cân bằng độ ẩm.
- Hạn chế dùng những sản phẩm chứa dầu cho da mặt.
Source (Nguồn): Livestrong, Byrdie