Nhiều bệnh viện ở Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19

Thu Hương, Theo Tổ Quốc 02:06 08/07/2020
Chia sẻ

Từ ngày 14/5 đến 21/6, trên toàn nước Mỹ, các bệnh viện đã ghi nhận tổng cộng 5.142 ca nhiễm bị lây chéo trong viện. Con số thực tế có thể cao hơn.

Đầu tháng 3, khi Covid-19 gõ cửa phòng cấp cứu của Bệnh viện ĐH Illinois (Chicago), các y bác sĩ ở đây cho rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Nhân viên y tế được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nhanh chóng đưa bệnh nhân đầu tiên vào phòng cách ly, và bệnh viện vẫn có thể mở cửa hoạt động bình thường. Trong thông báo ở thời điểm đó, ĐH Illinois cho biết "đã có kế hoạch phản ứng để giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra với bệnh nhân, các y bác sĩ và sinh viên".

Nhưng những kế hoạch này dễ dàng thất bại trước virus. Chỉ trong 1 tháng rưỡi, 3 nhân viên y tế (gồm 2 y tá và 1 kỹ thuật viên ở phòng vận hành) đã thiệt mạng vì Covid-19. Đến giữa tháng 6, hơn 280 nhân viên của bệnh viện đã dương tính với virus. Và thêm 1 người qua đời.

Cho đến nay vẫn không thể biết chắc mọi người bị nhiễm bệnh theo cách nào. Nhưng nhiều khả năng virus đã lây lan bên trong bệnh viện quy mô gần 500 giường này, theo Susan Bleasdale, 1 lãnh đạo của bệnh viện.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, các bệnh viện chính là nơi trú ẩn cho những người ốm yếu nhất. Nhưng trong không ít trường hợp bệnh viện lại là nơi phát tán virus. Từ ngày 14/5 đến 21/6, trên toàn nước Mỹ, các bệnh viện đã ghi nhận tổng cộng 5.142 ca nhiễm bị lây chéo trong viện. Con số thực tế có thể cao hơn.

Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, những ca bệnh này khiến bệnh viện không thể mở cửa trở lại hoàn toàn cũng như thuyết phục bệnh nhân rằng họ sẽ an toàn khi nhập viện. Trong khi đây lại là điều rất cần thiết cho hệ thống y tế công và tình hình tài chính của các bệnh viện.

Các bệnh viện vẫn đang cố gắng ngăn chặn kịch bản trở thành ổ dịch bằng nhiều cách. Họ đưa ra những quy định để cách ly bệnh nhân Covid-19, các tòa nhà được điều chỉnh lại cách bài trí để giảm khả năng phát tán virus, thành lập các đội kiểm soát dịch bệnh và tăng cường đồ bảo hộ. Tuy nhiên dường như virus đã khai thác được điểm yếu của từng lớp phòng ngự.

Nhiều bệnh viện ở Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các tòa nhà có rất ít không gian để cách ly. Quá trình kiểm soát khá khó khăn vì virus có thể ủ bệnh tới 2 tuần và lây lan một cách thầm lặng từ người không có triệu chứng. Các xét nghiệm thiếu chính xác khiến đôi lúc các bệnh viện không thể xác định bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác.

Tất cả những điều này khiến các bệnh viện phải phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị bảo hộ cá nhân – thứ đã rơi vào tình trạng khan hiếm trong thời gian qua. Ở bệnh viện ĐH Illinois, dù các bệnh nhân Covid-19 được cách ly ở khu riêng biệt với các bệnh nhân khác, các nhân viên y tế lại có thể ra vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 một cách thoải mái. Các y tá từ cả 2 khu sử dụng chung phòng thay đồ.

Từ cuối tháng 3, bác sĩ Bleasale đã nói với những người khác rằng dường như virus đang lây lan bên trong bệnh viện. Trong 1 email gửi tới các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm trên khắp nước Mỹ, bà viết: "Chúng tôi đã tiến hành bắt buộc đeo khẩu trang vì có lây nhiễm trong bệnh viện. Có những nhân viên nhiễm bệnh nhưng vẫn đi làm và chưa phát hiện đã mắc bệnh, tôi có cả bệnh nhân và nhân viên nhiễm bệnh".

Phòng kiểm soát bệnh tật của bệnh viện – vốn có nhiệm vụ tìm ra con đường truyền nhiễm và theo dấu tiếp xúc – nhanh chóng bị hạ gục bởi có nhiều nhân viên nhiễm bệnh.

Một số bệnh viện đã cố gắng theo dấu để tìm ra nguồn lây bệnh, nhưng một số cho rằng bệnh dịch đã lây lan quá rộng đến mức không cần thiết phải tìm ra nguồn. Ví dụ như ở bệnh viện ĐH Indiana, khoảng 460 trong số 35.000 nhân viên đã có kết quả xét nghiệm dương tính.

(Tham khảo: Wall Street Journal)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày