Bối cảnh cây Mắt biếc (theo tên gọi trong phim), có tên thật là cây vông đồng nằm ở thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Trong thời gian qua, đây là địa điểm thu hút rất nhiều bạn trẻ, người dân cũng như du khách thập phương tới tham quan, chụp ảnh.
Ngôi Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo, ở hợp tác xã Phú Thuận, thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền nơi gắn bó với bao kỉ niệm của Ngạn, từ khi cậu chỉ là một chàng trai thiếu niên, cho đến khi làm thầy giáo.
Căn nhà nơi Hà Lan sinh sống khi lên theo học ở thành phố, đây là một ngôi nhà của một người dân (số nhà 66, phố cổ Bao Vinh, thị xã Hương Trà).
Trường Đại học Sư Phạm Huế là nơi mà Hà Lan theo học khi lên thành phố. Ngôi trường xuất hiện trong khung cảnh Ngạn đợi Hà Lan đi học về.
Đồi Thiên An (thị xã Hương Thủy) nơi Ngạn và Hạ Lan và sau này là Ngạn và Trà Long thường lui tới.
Lăng Khải Định nằm ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy là nơi Dũng chở Lan đi tham quan khi Lan lên thành phố học và quen với Dũng.
Hình ảnh cây cầu mà hằng ngày Ngạn chở bé Trà Long trên chiếc xe đạp, nằm ở Đập La Ỷ, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.
Trong lần chia sẻ với báo chí, Đạo diễn bộ phim (Mắt Biếc) Victor Vũ cho biết, có 70% cảnh quay về Huế, bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và phù hợp với nội dung của phim.
Cây cầu sắt bắc qua sông Hương là nơi Ngạn thường đi bộ.
Bạn Hoàng Huyền Trang, sinh viên trường Đại Học Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết: "Sau khi xem Mắt biếc, mình thấy những bối cảnh ở Huế rất thân thuộc, từ những cây vông đồng hay Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo đã cho mình động lực vượt hơn 100km đến đây để tham quan và trải nghiệm".
Để phát triển du lịch dựa trên những bối cảnh của bộ phim Mắt biếc, vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cùng một số doanh nghiệp lữ hành đã có buổi khảo sát một số địa điểm quay trong phim.
Các đơn vị đã có buổi khảo sát tại một số điểm quay như: cây vông đồng - cây cô đơn, HTX Phú Thuận nơi quay Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo (ở thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền); nhà số 66, ở phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà)…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch huyện Quảng Điền cho biết, nhằm quảng bá điểm đến và phục vụ tốt hơn du khách và cộng đồng, sẽ tổ chức bảo vệ cảnh quan chung, lập bãi giữ xe kết hợp phục vụ giải khát và nhà vệ sinh phía ngoài khu vực cây cô đơn; quan tâm vệ sinh môi trường ở tuyến đường vào cây cô đơn, trồng hoa đầu đường và dựng lại chiếc lán bên dưới gốc cây.
Sở Du lịch và doanh nghiệp lữ hành cũng nêu một số ý tưởng trong liên kết tour tuyến, dịch vụ, các sản phẩm làng nghề (Mây tre Bao La), sản vật nông nghiệp (mía Cẩm Tân, rau má Quảng Thọ...) cũng như các điểm khám phá khác trong phạm vi (Chùa Thiện Khánh, Phủ Bác Vọng, Di tích nhà bia Đặng Hữu Phổ) để địa phương và các doanh nghiệp lữ hành khác tham khảo và thực hiện.