Nhảy việc để tìm kiếm sự đổi mới nhưng thất bại, tôi nhận ra: Người tài thì luôn biết cách tự tỏa sáng

Lưu Ly, Theo Doanh nghiệp & tiếp thị 08:32 24/12/2020

Nếu bạn muốn nâng cao sự kiên nhẫn, hãy xem sự kiên nhẫn là một cuộc hành trình thú vị mà bạn đang trải qua để tìm ra những gì muốn làm trong cuộc sống.

Tôi cũng từng có suy nghĩ như nhiều người, cho rằng: Việc làm toàn thời gian sẽ gò ép bản thân vào những nguyên tắc cứng nhắc, cũng như không thể tự do làm những điều mà mình yêu thích.

Nhiều người có quan niệm rằng, muốn theo đuổi đam mê thành công, bạn phải từ bỏ công việc văn phòng giờ hành chính để khởi nghiệp, làm việc cho chính mình. Lý do là vì bạn sẽ không có cách nào đạt được sự hạnh phúc trong công việc nếu đi làm thuê cho người khác.

3 năm trước, tôi từng là một nhân viên văn phòng, làm việc 9 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Tại thời điểm đó, quan niệm trên là đúng với tôi. Tôi cảm thấy chán nản công việc, không thể tìm thấy hứng thú và lâm vào tình trạng căng thẳng triền miên. Tôi tìm cách nhảy việc để tìm lại cảm giác hứng thú, mới mẻ khi làm việc. Nhưng trong quá trình đó, tôi nhận ra rằng, cứ sau một thời gian nhất định, vòng xoáy chán nản, mệt mỏi với công việc lại lặp lại. Tôi cần phải tìm ra nút thắt để giải quyết.

Sau khi tìm kiếm và thử nhiều công việc để tìm ra hướng đi phù hợp cho bản thân, tôi quyết định thử kiên trì một lần và nỗ lực học hỏi, tìm kiếm những điều mới mẻ trong công việc của chính mình. Sau 3 năm, tôi vẫn là một nhân viên làm việc 9 giờ/ngày, 5 ngày/tuần nhưng tôi đã thực sự tìm được công việc mà tôi yêu thích. Tôi là bằng chứng để bạn thấy rằng, niềm vui, động lực trong công việc thực ra đều do chính bản thân bạn tạo ra.

Qua những trải nghiệm của bản thân, tôi sẽ giúp bạn yêu mến công việc toàn thời gian của mình với 5 lời khuyên dưới đây.

1. Đừng để sự “mới lạ” cuốn bạn vào vòng xoáy vô tận của sự bất ổn định trong công việc

Nhảy việc để tìm kiếm sự đổi mới nhưng thất bại, tôi nhận ra: Người tài thì luôn biết cách tự tỏa sáng - Ảnh 1.

Khoa học đã chỉ ra não bộ của chúng ta luôn thích sự mới lạ. Họ cho thấy lượng dopamine của não thường tăng cao khi được nhìn thấy điều hấp dẫn, thú vị, mới mẻ. Điều này tương tự đối với một công việc mới, bạn thường cảm thấy mình sẽ có được nhiều người bạn mới, nhiệm vụ mới, triển vọng mới,… Tuy nhiên, đừng để sự “mới lạ” cuốn bạn vào vòng xoáy vô tận của sự bất ổn định trong công việc. Nếu chỉ vì sự mới lạ nhất thời mà bạn tiếp tục thay đổi công việc một cách liên tục, những thông tin mới sẽ làm não bạn quá tải, không ổn định, gây ra hiện tượng stress.

Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về sự nghiệp, bạn cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng về mục đích và lợi ích mà công việc mình đang có cũng như công việc mới mang lại. Bạn nên dành ra 3 tháng để cân nhắc trước khi chuyển công việc mới. Tuy nhiên, nếu bạn vừa vào công ty thì hãy dành 5 tháng để suy nghĩ xem vị trí công việc của mình có phù hợp không. Đó là thời gian đủ để bộ não của bạn không bị tác động bởi dopamine liên tục và để bạn có được cái nhìn hợp lý, đúng đắn về những gì bạn đang làm hàng ngày.

2. Hiểu về giá trị bản thân

Điều khá điển hình cho bất kỳ thế hệ trẻ nào khi bắt đầu một công việc là tìm ra mục đích và giá trị của bản thân trong công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được công việc phù hợp với mục đích của mình và đó là lý do khiến rất nhiều người cảm thấy lạc lõng trong sự nghiệp của họ.

Qua đó, bạn hãy xác định mục đích của mình từ sớm để tìm kiếm một vị trí công việc đáp ứng với nhu cầu khi còn ở ghế nhà trường. Khi xác định rõ ràng mục đích là gì thì bạn sẽ dễ dàng tăng giá trị của bản thân trong công việc sau này. Ví dụ: Mục đích của bạn là vào làm trong một công ty Nhật Bản, bạn cần học tiếng Nhật thật tốt cũng như cố gắng có các chứng chỉ tiếng Nhật ở mức cao nhất để đạt được vị trí cao trong công việc.

Ngoài ra, khi vào làm trong công ty, bạn hãy tiếp tục nâng cao bản thân mình bằng các khóa học kỹ năng mềm, học thêm các kiến thức liên quan đến công việc,… để hỗ trợ cho công ty một cách tốt nhất. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện chính mình mà còn giúp cho cộng đồng, xã hội được nâng cao từng ngày.

3. Thử nghiệm với các giả định về sự nghiệp của bạn

Nhảy việc để tìm kiếm sự đổi mới nhưng thất bại, tôi nhận ra: Người tài thì luôn biết cách tự tỏa sáng - Ảnh 2.

Bạn có thể suy nghĩ về những công việc mà bạn mong muốn. Khi bạn đã viết xong tất cả những điều ấy, hãy bắt đầu thử nghiệm từng ngày để xem khả năng của bạn có phù hợp để thực hiện và giúp bạn thăng cấp trong công việc hay không. Một thử nghiệm tốt sẽ bao gồm:

1. Sự rõ ràng trong tư duy và kế hoạch hoạt động: Bạn cần phải viết các nhiệm vụ, công việc của mình hàng ngày thật chi tiết để có thể có các hoạt động hoàn thành nó.

2. Tiêu chí đánh giá công việc: Bạn có thể tự vạch ra các tiêu chí đánh giá chất lượng công việc theo thang điểm 10 và đánh giá hàng ngày cho các hoạt động.

3. Xem xét dữ liệu và kết luận các kết quả đạt được: Sau khi hoàn thành 2-3 tháng, bạn cần xem xét những việc mình đã làm và xem những mục tiêu bạn đã đạt được.

Vì vậy, hãy thử nghiệm để tìm ra sự thật, sự phù hợp của bạn với công việc.

4. Kiên nhẫn là người bạn tốt của cuộc sống

Bạn hãy học cách rèn luyện tính kiên nhẫn sâu sắc. Bạn sẽ mất một thời gian để thử nghiệm các nghề nghiệp khác nhau, nâng cao nhận thức về bản thân và tìm ra công việc yêu thích. Sẽ có nước mắt, có cả hạnh phúc, điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn để chứng kiến sự trưởng thành của mình sau những lần đó.

Anonymous từng nói: “Hãy cúi đầu trong 5 năm đầu của công việc” như cách để thể hiện sự kiên nhẫn của bạn trong công việc. Bạn phải vật lộn rất nhiều để có đủ kiên nhẫn nhằm tìm được công việc mình yêu thích cũng như cố gắng về mọi mặt để mọi nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn.

Chỉ khi kiên nhẫn, bạn mới có thể đạt được mục đích cuối cùng của bản thân với những thành tựu rực rỡ. Chính vì vậy, nếu bạn muốn nâng cao sự kiên nhẫn của mình, hãy xem sự kiên nhẫn là một cuộc hành trình thú vị mà bạn đang trải qua để tìm ra những gì bản thân muốn làm trong cuộc sống. Không quan trọng là mất bao lâu, miễn là bạn hoàn thành được những điều bạn mong muốn là đã vượt qua chính mình và đạt được thành công.

5. Thiết lập thang chấm điểm cho sự nỗ lực thực tế của bản thân

Nhảy việc để tìm kiếm sự đổi mới nhưng thất bại, tôi nhận ra: Người tài thì luôn biết cách tự tỏa sáng - Ảnh 3.

Một số người nói rằng họ rất yêu công việc của họ và họ thực sự sống hết mình vì công việc đó. Họ rất thích cảm giác thoải mái khi đi làm, hào hứng với lịch làm việc dày đặc cũng như tận hưởng những thành quả họ có được. Chính vì điều này mà ngày qua ngày, họ nỗ lực 100% bằng hành động, lời nói của mình trong công việc.

Đương nhiên, cuộc sống sẽ có nhiều điều không theo suy nghĩ của bạn. Sẽ có những ngày bạn cảm thấy không muốn đứng dậy, ý nghĩ bỏ cuộc chợt hiện lên trong tâm trí. Tuy nhiên, đối với những ai thực sự nỗ lực và yêu thích công việc của mình, họ sẽ coi đó chỉ là một ngày không may mắn mà thôi. Nó giống như việc, để cảm thấy 10/10 điểm về hạnh phúc trong suốt cuộc đời là điều rất khó khăn. Dù bạn có làm công việc gì đi chăng nữa thì 10/10 rất có thể là không thể.

Vì vậy, bạn đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân rằng phải thật hoàn hảo mà hãy tính điểm dựa trên sự nỗ lực của chính mình so với hôm qua, tháng trước, năm trước để cảm thấy tự tin hơn trong công việc.

*Theo chia sẻ của Eve Arnold - blogger chuyên viết về phát triển bản thân tại Medium