Nhân vật chính trong câu chuyện này là cô Trương, sinh ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và làm việc tại một công ty tư nhân. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình đều được chồng cô Trương trả hết. Sau khi bàn bạc với chồng, cô Trương dùng tài khoản nhận lương hàng tháng làm tài khoản quản lý tài chính, chỉ để mua các sản phẩm tài chính thông thường.
Ngày 28/12/2020, cô Trương không đi làm. Vừa tỉnh dậy, cô vô cùng lo lắng khi tài khoản ngân hàng thông báo đã được nhận 1 triệu tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng).
"Chuyện gì đang xảy ra? " - cô Trương vô cùng lo lắng. Cô nhanh chóng liên lạc với người trong công ty, hỏi xem liệu có phải ai chuyển nhầm tiền vào thẻ lương của cô hay không. Tuy nhiên, công ty xác nhận không chỉ nhân viên nội bộ mà cả khách hàng, đối tác cũng không chuyển khoản nhầm tiền cho cô Trương.
Ngay khi cô Trương đang bối rối, một cuộc điện thoại đã cắt ngang dòng suy nghĩ của cô. Đối phương là một người phụ nữ tự xưng họ Tạ và nói với cô Trương: "Tôi là giám đốc tài chính của một công ty. Tôi vừa chuyển nhầm 1 triệu tệ vào tài khoản của cô. Cô vui lòng trả lại tôi tiền".
Trước yêu cầu của cô Tạ, cô Trương vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên sau khi cân nhắc một hồi, cô Trương quyết định cầm giấy tờ tùy thân và đến ngân hàng xin giải quyết.
Sau khi đến ngân hàng, cô đã kể lại mọi việc cho nhân viên. Cô Trương đưa tin nhắn với nội dung chuyển khoản cho nhân viên, đồng thời bày tỏ hy vọng nhờ nhân hàng giúp cô hoàn trả lại 1 triệu tệ cho đối phương càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như cô Trương tưởng tượng.
Nhân viên ngân hàng cẩn thận truy tìm nguồn gốc của số tiền và xác định rằng việc chuyển tiền là do cô Tạ thực hiện thông qua số tài khoản và thông tin cá nhân. Điều này cho thấy khoản tiền 1 triệu tệ là giao dịch bình thường giữa hai người và ngân hàng không có quyền xử lý việc hoàn tiền thay cô Trương.
Tuy nhiên nhân viên đã cẩn thận nhắc cô Trương: Giao dịch này có điều bất thường. Nguyên nhân là do cô Tạ đã nói dùng tài khoản để thực hiện một giao dịch tài chính cho công ty. Tuy nhiên, nếu làm việc cho công ty thì tại sao cô Tạ lại dùng tài khoản cá nhân thay vì tài khoản của công ty để thanh toán?
Được sự đề nghị của nhân viên ngân hàng, cô Trương lập tức trình báo vụ việc lên Cơ quan Công an. Cô nói lại với cảnh sát toàn bộ câu chuyện nhưng lần này câu trả lời nhận được khiến cô rùng mình.
Cảnh sát đọc tin nhắn nhận được trên điện thoại di động của cô Trương, kết hợp với hướng dẫn của ngân hàng từ đó xác định cô Trương có thể đã gặp phải một hình thức lừa đảo mới! Viên cảnh sát giàu kinh nghiệm khuyên cô chưa nên hành động vội mà hãy đợi 24 giờ rồi mới tính tiếp.
Nguyên nhân là do trong hoạt động giao dịch của ngân hàng còn tồn tại phương thức chuyển tiền chậm trong vòng 24 giờ. Theo đó, người dùng có thể chuyển tiền bằng cách đặt thời gian hẹn. Bằng cách này, sau khi hoàn thành giao dịch, mặc dù bên kia có thể nhận được thông báo đã nhận được tiền, nhưng nếu chưa đúng giờ được hẹn, tiền sẽ không thực sự về tài khoản của bạn.
Một số kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng phương thức này. Họ liên hệ với người nhận ngay sau khi chuyển khoản để thông báo rằng số tiền đã được chuyển nhầm và yêu cầu đối phương trả lại tiền. Khi bên kia chuyển tiền lại, những kẻ lừa đảo này sẽ đến ngân hàng để hủy việc chuyển khoản. Như vậy, kẻ lừa đảo sẽ hoàn toàn lấy được tiền của bạn.
Bên cạnh hình thức trên, kẻ lừa đảo có thể lừa tiền của cô Trương bằng 1 phương thức tinh vi hơn. Cụ thể, trước đó kẻ lừa đảo có thể đã tìm thấy thông tin cá nhân của cô Trương và dùng chúng để đăng ký một khoản vay lãi suất cao từ ngân hàng.
Sau khi ngân hàng duyệt khoản vay, kẻ lừa đảo sẽ liên hệ với cô Trương thông báo chuyển khoản nhầm và yêu cầu cô trả tiền.
Lúc này, nếu cô Trương dùng thông tin cá nhân để trả lại tiền cho kẻ lừa đảo, cô không chỉ bị lừa 1 triệu tệ mà còn phải gánh một khoản vay mà kẻ lừa đảo lấy được từ ngân hàng bằng thông tin của cô. Thậm chí, cô Trương có thể vô tình bị kéo vào 1 giao dịch rửa tiền bất hợp pháp, từ đó khiến cô phải đối diện với trách nhiệm hình sự.
Trước đó, cảnh sát đã tiếp nhận một trường hợp bị lừa đảo tương tự của cô Tr ương, nên họ khuyên cô bình tĩnh, tạm thời bỏ qua yêu cầu của đối phương.
Ngày 29/12/2020, 24 giờ sau, cô Trương đăng nhập lại tài khoản ngân hàng và phát hiện số tiền 1 triệu tệ đã biến mất. Cô thở phào nhẹ nhõm vì không rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Trường hợp của cô Trương là lời nhắc nhở mọi người cẩn trọng khi bỗng nhiên nhận được số tiền lớn chuyển vào tài khoản của mình. Trong cuộc sống này không có miếng bánh nào từ trên trời rơi xuống, hay bỗng nhiên cục tiền lớn mang đến tặng bạn. Hãy cẩn trọng xác minh danh tính đối phương và tham khảo ý kiến của các bên liên quan trước khi tự chủ trương làm hành động khác theo gợi ý của người chuyển tiền.
Theo Toutiao