Mọi chuyện bắt đầu với Lý Vĩnh Chí (tỉnh An Huy, Trung Quốc) - một người thích nghiên cứu vé số. Anh thường dành đến 1/3 thu nhập để mua vé số. Tuy trước đó chưa từng trúng giải lớn nhưng thỉnh thoảng anh có thể trúng những giải nhỏ trị giá hàng trăm hoặc hàng nghìn tệ.
Ngày 11/12/2012, như thường lệ, Lý Vĩnh Chí tiếp tục nghiên cứu các con số xổ số mà anh muốn mua. Anh vốn dĩ muốn định tự đến quán xổ số gần nhà để mua vé, nhưng bất ngờ nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ bạn. Cuối cùng, anh gọi điện nhờ Phan - chủ tiệm xổ số, để nhờ mua giúp 86 tờ vé số mà anh đã nghiên cứu.
Do Lý Vĩnh Chí thường xuyên mua vé số số lượng lớn, cũng như ngồi lại quán bàn chuyện xổ số tại quán nên anh và anh Phan dần trở thành bạn tốt của nhau. Lý Vĩnh Chí cứ ngỡ lần mua vé số này cũng sẽ thuận lợi như mọi khi, nhưng thực tế không tốt đẹp đến vậy.
Vài ngày sau, Lý Vĩnh Chí đến quán của anh Phan, định trả anh ta tiền mua xổ số. Tuy nhiên Phan lại nói: "Xin lỗi anh, tôi quên mua cho anh 86 tờ vé số này rồi".
Lý Vĩnh Chí lập tức choáng váng. Trong ấn tượng của anh, một chủ tiệm vé số như Phan sẽ không mắc sai lầm ngớ ngẩn như vậy. Đã nhiều lần trước đây, nếu Lý Vĩnh Chí không thể trực tiếp đến quán thì sẽ nhờ Phan mua giúp vé số, sau đó mới trả tiền. Nếu biết Lý Vĩnh Chí trúng giải, Phan còn chủ động gọi điện nhắc nhở anh.
Bước ra khỏi tiệm vé số, Lý Vĩnh Chí cảm thấy không ổn. Về đến nhà, anh lên mạng tra thì phát hiện một trong 86 tờ vé số này là con số của giải thưởng độc đắc, trị giá 6 triệu nhân dân tệ (21,1 tỷ đồng). Sau đó, anh đến Trung tâm xổ số của tỉnh thì được nghe nhân viên xác nhận, tờ vé số kia quả thật đã trúng giải độc đắc. Nhưng có người đã đến lấy tiền từ giải thưởng này.
Khi Lý Vĩnh Chí hỏi nhân viên về tên người trúng thưởng, đối phương từ chối vì theo quy định, anh ta không được tiết lộ danh tính của người nhận giải. Tuy nhiên, dưới sự nài nỉ của Lý Vĩnh Chí, nhân viên chỉ đành tiết lộ với anh: Người nhận giải không có "Phan" trong tên.
Trước đó, Lý Vĩnh Chí đã nghĩ rằng Phan lừa dối anh để một mình độc chiếm giải độc đắc. Nhưng câu trả lời của nhân viên khiến nghi ngờ của anh bị đập tan. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy mọi chuyện có uẩn khúc gì đó.
Lý Vĩnh Chí không cần phải chờ đợi lâu. Thông tin một người trúng giải thưởng xổ số trị giá 6 triệu tệ nhanh chóng lan nhanh ở địa phương, và danh tính người này là một người đàn ông có tên Vương Văn Quân. Vị này chính là chú của Phan.
Lúc này Lý Vĩnh Chí mới xác nhận được sự nghi ngờ của mình: Toàn bộ vụ việc đều do Phan làm chủ. Khi thấy một trong 86 tờ vé số trúng thưởng, Phan muốn giành tiền về cho mình. Để lừa dối người khác, Phan đã nhờ chú lên nhận giải thưởng hộ.
Phán quyết của tòa gây bất ngờ
Biết được sự thật, Lý Vĩnh Chí đã ra tòa, kiện Phan và chú của anh ta Vương Văn Quân. Sau khi điều tra, tòa nhận định Vương Văn Quân đã lấy giải thưởng 6 triệu tệ. Sau khi trừ đi các loại thuế và phí khác, Vương Văn Quân nhận được khoảng 4,83 triệu tệ (17 tỷ đồng).
Trước toà, Phan nói lý của mình: "Rõ ràng tôi đã mua tờ vé số này và trong tay tôi có vé. Tôi muốn ai lên nhận giải hộ là việc của tôi. Liên quan gì đến anh ta (Lý Vĩnh Chí)? Nếu anh ta nói là mình chủ nhân của vé số thì bằng chứng ở đâu?".
Lời của Phan nói hợp tình hợp lý. Điều quan trọng nhất với Lý Vĩnh Chí là làm sao tìm được bằng chứng anh ta thực sự mua vé số. Luật sư riêng nói rằng điều duy nhất có thể giúp Lý Vĩnh Chí là cuộc điện thoại nhờ mua vé số giữa anh ta và Phan.
Lý Vĩnh Chí nhanh chóng tìm lại cuộc điện thoại này. Ghi chép trong điện thoại cho thấy: Vào khoảng 19 giờ 13 phút ngày 11/12/2012, Lý Vĩnh Chí đã gọi điện cho Phan và hai người nói chuyện trong hơn 4 phút. Cuộc gọi kết thúc vào 19 giờ 17 phút 20 giây.
Thời gian 86 tờ vé số được mua là 19 giờ 17 phút 40 giây, tức chỉ 20 giây sau khi cuộc gọi của hai bên kết thúc. Bất kỳ ai xem xong bản ghi chép cũng đều chung nhận định rằng quả thực Phan đã mua vé số giúp cho Lý Vĩnh Chí. Tuy nhiên, luật sư cho rằng bằng chứng này không thể giúp được Lý Vĩnh Chí trước tòa.
Lý Vĩnh Chí nghĩ mãi rồi tìm ra "mấu chốt" của vấn đề. Anh ta hào hứng ứng gọi cho luật sư: "Chỉ có tôi mới nghĩ ra được 86 tờ vé số trúng giải này. Phan không thể nghĩ được". Lý Vĩnh Chí đã nghiên cứu vé số hơn 10 năm. Và trước khi mua vé số, anh đã có thuật toán riêng để chọn mua chúng.
Cụ thể, trong cuộc gọi cho Phan vào ngày hôm đó, Lý Vĩnh Chí đã nêu ra 5 điều kiện để chọn vé số, chẳng hạn như chữ số đầu tiên ở mỗi tờ vé số phải là 1, những chữ số ở giữa phải tuân thủ nguyên tắc đặc biệt thế nào,... Theo lời Lý Vĩnh Chí nói ra, Phan đã dùng phần mềm cá cược để chọn ra 86 tờ vé số đáp ứng điều kiện. Sau khi Lý Vĩnh Chí trao đổi suy nghĩ của mình, luật sư cho rằng "5 điều kiện" sẽ là bằng chứng quan trọng trong vụ án.
Ngày 18/6/2013, Tòa án nhân dân trung cấp Phụ Dương đã chính thức mở phiên xét xử vụ án tranh chấp xổ số này. Cùng ngày, Lý Vĩnh Chí và Phan gặp nhau ở lối vào của tòa nhà. Trong cơn tức giận, Phan đã đá vào vợ của Lý Vĩnh Chí - người đang mang thai 3 tháng, khiến cô bị sảy thai. Ngay lập tức, vụ án xét xử đã trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tại phiên tòa lần này vẫn chưa đưa được phán quyết cuối cùng cho hai bên.
Phải đến năm 2014, vụ án mới được đưa ra xét xử trở lại. Tại tòa, để xác nhận lời khai của Lý Vĩnh Chí, thẩm phán đã yêu cầu chứng minh ngay tại chỗ xem anh có thể chọn đúng 86 tờ vé số không. Quả nhiên, sau khi áp dụng "5 điều kiện" mà anh trình bày trước đó, 86 tờ vé số đã được chọn.
Trước tình huống này, Phan nói rằng anh ta chọn 86 tờ vé số ngẫu nhiên.
Sau đó, thẩm phán đã đến thăm nhiều tiệm xổ số, mời các chuyên gia nghiên cứu xổ số vào cuộc. Họ nhận định rằng nếu chọn ngẫu nhiên thì khó có thể chọn đúng 86 tờ vé số vì máy bán vé số phát hành ngẫu nhiên, không có quy luật. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng công nhân về "5 điều kiện" mà Lý Vĩnh Chí đưa ra có thể giúp anh ta mua được tờ vé số mong muốn.
Lúc này, một nhân viên tòa án đặt ra câu hỏi: Liệu có thể xảy ra trường hợp, một người đã biết con số trúng giải độc đắc thì có thể tự suy nghĩ ra quy tắc chọn 86 tờ vé số hay không? Về vấn đề này, các chuyên gia nghiên cứu xổ số nói cho đến nay họ chưa gặp phải trường hợp nào như vậy.
Trước bằng chứng không thể chối cãi như vậy, Phan vẫn không chịu bỏ cuộc và khăng khăng nhận định Vương Văn Quân chính là người mua vé số.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy vào ngày hôm đó, Vương Văn Quân đã rời khỏi thị trấn. Hơn nữa, bằng cách truy cập cuộc gọi của Phan, cảnh sát biết được vào ngày 86 tờ vé số được mua, Phan đã không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ chú kể từ 20 giây sau khi cúp máy với Lý Vĩnh Chí.
Cuối cùng vụ việc được sáng tỏ. Tòa án nhân dân trung cấp Phụ Dương đưa ra phán quyết: Lý Vĩnh Chí đã gọi cho Phan, trình bày yêu cầu mua vé số và quy tắc chọn vé được trúng thưởng. Mối quan hệ giữa hai người là quan hệ hợp đồng uỷ thác. Do đó, Phan và chú buộc phải trả hết tiền thưởng cho Lý Vĩnh Chí. Bên cạnh đó, Phan còn bị phạt 1 năm tù vì cố ý gây thương tích khiến vợ Lý Vĩnh Chí bị sảy thai.
Sau đó, Phan và Vương Văn Quân bày tỏ ý định và tỏ thái độ không hợp tác với quyết định của toà án. Vào tháng 8/2017, một phiên toà khác được mở, đưa ra phán quyết cuối cùng với Phan. Bên cạnh hoàn trả toàn bộ tiền thưởng cho Lý Vĩnh Chí, anh ta còn bị kết án 4 năm 6 tháng tù, bị phạt thêm 50.000 tệ (176 triệu đồng) vì tội chống đối không thi hành án.
Có thể thấy, lòng tham quả thực có thể khiến nhiều người bị mờ mắt, khiến anh ta đánh mất lý trí và làm ra quyết định sai lầm. Trong phiên tòa, Lý Vĩnh Chí nhận định điều anh ta đánh mất không chỉ có 6 triệu tệ mà còn là tình bạn tưởng như tốt đẹp với Phan. Suy cho cùng, hãy nhớ rằng thứ gì vốn của bạn rồi sẽ là của bạn. Còn nếu bạn cứ cố tranh giành tài sản không phải của mình thì cuối cùng ngày nhận kết cục đắng sẽ không xa vời.
Theo Sohu