Trầm cảm là một chứng bệnh rối loạn tâm trạng mà người bệnh luôn rơi vào trạng thái ủ dột, buồn bã, mất ý chí, mất hứng thú trong thời gian kéo dài. Một số nguyên nhân gây trầm cảm thường là:
- Chịu nhiều áp lực, stress, căng thẳng kéo dài được xem là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh trầm cảm.
- Gặp biến cố trong quá khứ ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó tác động lên thể lý (thực thể).
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc an thần (aminazin), thuốc gây nghiện...
- Một số ít có thể do di truyền, khi hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh serotonin thấp cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm.
Nhiều người nghĩ rằng trầm cảm chỉ như một dạng stress nặng, dần dần rồi sẽ hết. Thế nhưng, những hậu quả của bệnh trầm cảm thì quả thực rất đáng sợ.
Trầm cảm tác động rất lớn đến sức khoẻ, tinh thần, hành vi của người bệnh, điều khiển họ đi theo những hành vi tiêu cực gây tổn hại nghiêm trọng tới cơ thể, thậm chí là tính mạng. Trầm cảm nhẹ thì khiến cho người bệnh luôn trong trạng thái buồn bã, mệt mỏi, mất tập trung, không muốn làm gì... Người nặng hơn có thể có những hành vi như tự cô lập mình, không giao lưu, tiếp xúc với ai, có các hành động làm tổn hại tới bản thân và nghiêm trọng nhất là hành vi tự tử.
Theo một nghiên cứu của Mỹ, có tới 48% người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự tử. Vì thế, đây là căn bệnh không thể xem thường.
Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kì ai và ở bất kì lứa tuổi nào. Theo Tiến sĩ Sudhir Bhave, Giáo sư và Trưởng phòng khoa tâm thần tại Viện Khoa học Y khoa NKP Salve, cuộc đời mỗi người đều có 10% khả năng mắc bệnh trầm cảm ở một thời điểm nào đó. Tỷ lệ mắc căn bệnh này cũng đang ngày một gia tăng.
Một số thời điểm dễ mắc trầm cảm nhất:
- Tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi thất thường, nếu không có ai để chia sẻ thường dễ rơi vào buồn chán, tuyệt vọng...
- Sau khi sinh, tâm sinh lý không ổn định, lại gặp phải nhiều thay đổi trong cuộc sống dễ dẫn đến trầm cảm.
- Giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ thường mặc cảm về ngoại hình, hay suy nghĩ bi quan, lo lắng, trầm uất và dễ kích động...
- Các giai đoạn trong cuộc sống gặp phải biến cố khiến cho tâm lý bị sốc, rơi vào buồn bã, đau khổ hay bị stress, áp lực kéo dài... Những thời điểm này thường không ấn định ở bất kì độ tuổi nào mà phụ thuộc vào cuộc sống, môi trường sống, ví dụ như thời kì ôn thi nhiều áp lực bài vở, áp lực công việc đối với người đi làm...
Hiện nay, có thể thấy rằng, tình trạng mắc trầm cảm ở giới trẻ đang ngày một gia tăng. Những nguyên nhân chủ yếu thường do áp lực cuộc sống, học hành, công việc, chuyện tình cảm... Điều đáng nói là, những người mắc bệnh trầm cảm thường không biết rằng mình đang mắc, hay một số dù có cảm nhận được nhưng lại chỉ chịu đựng một mình mà không chia sẻ với bất kì ai. Chính điều đó đã khiến cho bệnh ngày một trầm trọng hơn, dẫn tới hậu quả khôn lường.
Theo nhà tâm lý trị liệu Anupama Gadkari, việc cần thiết nhất và cũng là một trong những cách điều trị trầm cảm hữu hiệu nhất chính là thể hiện sự trầm cảm ra cho mọi người hiểu. Người thân và bạn bè xung quanh sẽ biết cách giúp đỡ để bạn vượt qua căn bệnh này một cách hiệu quả nhất. Thế nên, những khi buồn, stress... hay có bất kì biểu hiện của trầm cảm nào cũng hãy cố gắng nói ra chứ đừng chịu đựng một mình.
Nguồn: The times of India, telegraph...