Nhắc đến âm nhạc đương đại thể nghiệm, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Tôi nghĩ đến hình ảnh một nhóm nhạc cách đây nhiều năm, lựa chọn một hình ảnh gây shock cùng với lối ca hát, biểu diễn kỳ quặc. Tôi nghĩ đến những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mặt báo dạo đó. Nghĩ cả về những người nghệ sĩ khó gần và dường như vô cùng ngạo mạn trong toà lâu đài biệt lập họ tự xây nên.
Âm nhạc thể nghiệm - từ trước đến nay, vẫn luôn mang một cái hình ảnh lạnh lẽo và tiêu cực như vậy.
Nhân dịp được giới thiệu về "Cất lên im lặng" - một festival nhỏ dành riêng cho những nghệ sĩ nhạc thể nghiệm, tôi được thu xếp một buổi gặp gỡ với Kim Ngọc - người nghệ sĩ đã dành trọn cả sự nghiệp của mình để theo đuổi lãnh địa còn quá đỗi mới mẻ này, người đã khai phá và đặt những viên gạch lót đường đầu tiên cho một lối đi rộng mở hơn cho nghệ sĩ thể nghiệm Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng người nghệ sĩ có phần lạnh lùng và lập dị ấy lại từng viết những lời hát đầy thổn thức trong "Chỉ là giấc mơ" - bản hit một thời mà đến tận bây giờ, người ta vẫn nghe lại với một cảm xúc vẫn đong đầy dù qua hàng chục năm đi nữa.
Tìm hiểu về Kim Ngọc qua những bài viết từ trước đấy, tôi tự xây cho mình về chị một hình ảnh lạnh lùng, "bác học" và đinh ninh rằng, chị - cũng giống thể loại nhạc mà chị đang theo đuổi - cũng quá đỗi kiêu hãnh và tách biệt với phần đông khán giả. Tôi mang tất cả những hoài nghi chất chứa đến buổi trò chuyện ngày hôm đấy, nhưng với một tinh thần cởi mở được thảo luận và lắng nghe. Hoá ra, câu chuyện vô cùng dễ chịu và từ một con mắt có phần phán xét của một khán giả vẫn còn giữ trong mình một chút cảm xúc tiêu cực từ những ồn ào trong quá khứ - tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về âm nhạc thể nghiệm và con đường chật vật của họ để thoả sức sáng tạo, phát triển hết khả năng và đam mê của mình.
Sự thay đổi không phải vì tôi tìm ra điểm chung hay một vài bản nhạc nào đó mới mẻ và tâm đắc. Tôi chưa nghe một bản nhạc thể nghiệm nào thêm trong buổi nói chuyện đó. Thế nhưng, tôi cảm nhận sự khát khao kết nối lại với khán giả, với người nghe, mong muốn tìm kiếm một cơ hội để chuyện trò, để được thấu hiểu của người nghệ sĩ thể nghiệm - từ chính chị Kim Ngọc. Tôi hiểu rằng, đã đến lúc chúng ta - những người nghe hiện đại, cần phải dẹp bỏ những định kiến có sẵn trong lòng về một thứ âm nhạc mới mẻ, để bắt đầu có cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về nó.
Tại sao chị lại dấn thân vào một con đường khó như nhạc thể nghiệm?
Sinh ra trong một gia đình âm nhạc mà có bố mẹ đều là nhạc sĩ, tôi đã từng trải qua 15 năm học Chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Ngày đó, tôi theo học nhạc cổ điển. Một cách rất tự nhiên, tôi được tiếp xúc với âm nhạc đương đại của châu Âu/ Mỹ từ khi tôi còn học đại học ở trường Nhạc. Đến khi Việt Nam mình mở cửa, có thêm rất nhiều nhạc sĩ châu Âu và nước ngoài đã sang đây, họ mang những tư liệu và có cả những giờ giảng dạy trên trường nữa, vậy nên tôi mới bắt đầu có tìm hiểu về nền âm nhạc đương đại châu Âu vào thời điểm đấy. Sinh viên trong trường nhạc khi đó thì gần như không biết gì, chỉ có tôi và một hai người nữa thôi, mọi người đều tiếp xúc nhưng không phải ai cũng quan tâm.
Vào thời điểm đấy, tôi thấy hấp dẫn bởi ngôn ngữ của âm nhạc đương đại. Nó có cách thể hiện hoàn toàn mới, xây dựng được cả một hệ thống ngữ nghĩa, từ vựng bởi âm nhạc - như một ngôn ngữ tương đối mới. Tôi thấy ngôn ngữ này mang đến cho mình một khả năng biểu đạt có tính cá nhân cao hơn. Ví dụ như với nhạc cổ điển - nếu bạn không phải là người rất tinh tế, rất có trải nghiệm và học thức về nhạc cổ điển thì dường như bạn nghe cái nào cũng giống cái nào. Nhưng nhạc đương đại thì không, nó không giống nhau, nó rất khác biệt vì cái format của loại nhạc đấy nó cho phép mỗi một cá nhân họ lại có thể tạo ra một từ vựng âm nhạc của riêng mình.
Ngay khi biết những khái niệm về âm nhạc đương đại và thể nghiệm, tôi đã cảm thấy thích luôn. Một cách rất tự nhiên, tôi bắt đầu sáng tác và sử dụng những ngôn ngữ âm nhạc đương đại để dần xây dựng nên ngôn ngữ của riêng mình. Sau đấy, tôi có đi Đức học mấy năm, đó cũng là thời gian tôi đào sâu hơn về lý thuyết và nền tảng. Cái chữ âm nhạc thể nghiệm ở đây tôi cũng dùng khi bắt đầu tổ chức các hoạt động mang tính chất xây dựng cộng đồng, chứ không chỉ dừng lại ở những sáng tác mà còn dành cho cả nhiều người nữa.
Sau nhiều năm phát triển âm thầm, dường như âm nhạc đương đại Việt Nam vẫn chỉ tiến thêm một vài bước rất dè dặt tới công chúng. Phần vì những cuộc tranh cãi dai dẳng của chính những người trong giới?
Khi nhắc đến âm nhạc đương đại, người ta thường tranh cãi rất nhiều. Cách đây 10 năm khi tôi về nước, nghệ sĩ trong hàn lâm tự nhận mình là đương đại thì gặp ngay vấn đề với các bạn làm nhạc pop. Đương đại là đương đại, là đương thời - nhiều nghệ sĩ lại hiểu đương đại theo nghĩa đấy. Tôi nghĩ rằng mình không trách được họ, cái điểm nhìn và vị trí thực hành nghệ thuật của họ ở khu vực đấy, họ không có trải nghiệm văn hoá và trải nghiệm học thuật ở cái khu vực hàn lâm chẳng hạn. Họ thấy họ chẳng có lý do gì mà chỉ có ông mới được nhận là đương đại còn tôi thì không. Thế là tất cả cứ bị quấn vào việc cãi nhau một cách vô nghĩa. Tôi thì muốn tránh tất cả những việc đấy, quan trọng hơn là mình có muốn thì không thể nào sản xuất ra một nền âm nhạc đương đại với những định nghĩa của chính những nơi mà cái "đương đại" ấy được sinh ra.
Ở Việt Nam, tôi cố gắng tìm ra một từ chung chung nhất để tạo ra một môi trường nó có thể để người nghệ sĩ tự do nhất có thể, người nghệ sĩ có thể làm những gì mà họ muốn, họ tin chứ mình không thể fit ngay 1 thể loại và nói để họ làm theo đi, nó không đúng về tinh thần và nó rất hạn chế sáng tạo.
Nhưng nếu thể nghiệm chỉ co cụm lại ở một lĩnh vực, một mảnh đất riêng với sự khác biệt sẵn có, thì chị có sợ càng ngày thể nghiệm sẽ càng tách biệt với phần còn lại của công chúng?
Cái chữ thể nghiệm bị người ta hiểu theo cái nghĩa là quái đản, khác, dị. Không hẳn là người Việt Nam không cởi mở với âm nhạc, thứ nhất là họ không dung nạp được - thứ 2 là cái làm việc của người nghệ sĩ chưa đủ dày dặn để tạo ra một cái xu hướng gây chú ý thôi. Đó là khách quan, tiếp nữa là từ khi phát triển, nhạc đương đại đã tạo ra một bước nhảy vọt, phá bỏ đi mọi khái niệm cũ của âm nhạc cổ điển, chỉ trong 1 thế kỉ tạo nên 1 đế chế mới, một cuộc cách mạng về ngôn ngữ và thể loại âm nhạc. Thế nên không ngạc nhiên khi ở Việt Nam, người ta thấy thứ âm nhạc đấy - người ta thấy lạ, người ta thấy đó như người ngoài hành tinh. Chúng ta không có quá trình dần dần để trải nghiệm, và đi cùng sự thay đổi của giới làm nghệ thuật. Họ đang nghe Trịnh Công Sơn, tự nhiên một ngày cho họ nghe một thứ không liên quan gì cả. Trong khi người nghệ sĩ người ta có cái quá trình đấy. Ngày xưa, tôi đã từng viết những ca khúc rất là trendy. Tôi có một quá trình chuyển hoá, thay đổi, hấp thu rất dài rồi mới chuyển hướng rất từ từ rồi mới thay đổi. Như thế, mình phải hiểu là người nghe ko có quá trình đấy như mình, thế nên họ bị shock.
Về mặt giải pháp - không có giải pháp nào khác đó là nghệ sĩ thì phải làm việc, thế thôi. Và tìm thêm nhiều cơ hội hơn để có đối thoại với công chúng, với truyền thông để họ hiểu mình hơn và mình cũng cung cấp thêm một trải nghiệm văn hoá, trải nghiệm âm nhạc thì đấy là cách duy nhất có thể làm. Rồi dần dần, chắc là họ sẽ nhập được vào cái tiến trình của nghệ sĩ.
Nhưng có vẻ đấy còn là một tiến trình xa xôi, bởi khán giả hiện đại chưa có nhiều sự cởi mở và thiện cảm để họ quan tâm đến thể nghiệm một cách nghiêm túc chứ không phải tò mò?
Hai giới nghệ sĩ và người nghe thì không trách được giới nào. Với nghệ sĩ, họ là nghệ sĩ, rất khó để mình yêu cầu họ làm công việc của một saleman, một người đi bán hàng và quảng bá. Ở trong khung cảnh âm nhạc giải trí mà tôi nói, nó thuộc về một hệ thống khác - hệ thống kinh doanh. Nhưng còn hệ thống làm văn hoá nghệ thuật thì người ta phải tạo ra và nuôi dưỡng một hệ sinh thái có thể bảo vệ tính sáng tạo và độc đáo của nghệ sĩ. Có khi, cả một thế kỉ bạn chỉ có được 1 vài hạt giống thôi, nhưng đó sẽ là những hạt giống dẫn đầu và mang đến thay đổi ở diện rộng hơn sau này và tạo ra những chuyển động văn hoá.
Tại sao tôi lại mở festival, mở trung tâm Đom Đóm? Tại sao tôi muốn tạo ra một thế hệ tương lai? Tổ chức festival, concert là để gần hơn với công chúng, cho công chúng một trải nghiệm gần gũi chứ không là chỉ nghe nói về nó một cách lý thuyết và qua một số bài báo. Đa phần người nghe đều đã có sẵn định kiến trong đầu, họ nghe đi nghe lại vì tiếng lành đồn xa, tiếng ác đồn xa hơn và càng ngày càng tạo nên sự méo mó trong kết nối giữa nghệ sĩ và công chúng.
Festival này nằm trong line một tiến trình công việc, tầm nhìn của tôi tới gần hơn với công chúng. Tôi mong muốn tạo nên một mối quan hệ có tính chất hữu cơ hơn giữa nghệ sĩ và người nghe. Còn làm được rộng và hẹp đến mức nào thì cái đấy tôi không thể nói được, nó tuỳ thuộc vào nhièu thứ lắm, quá nhiều nhóm người khác nhau. Tiền bạc cũng là một vấn đề rất lớn. Ở những nước mà văn hoá phát triển, họ đều có một cơ chế bảo trợ văn hoá - vừa là phát triển con người chứ không nằm trong nhóm kinh doanh. Trong một cơ thể văn hoá có rất nhiều nhóm khác nhau, có nhóm phục vụ cho thị trường - là kinh doanh nghệ thuật. Bạn phải quan tâm đến nhu cầu của thị trường hơn là bản thân của người nghệ sĩ, tôi nghĩ là trong nhóm đó sự tự do sáng tạo vẫn có nhưng nó bị đặt xuống thứ yếu vì cần thoả hiệp với kinh doanh.
Quay lại câu chuyện khó khăn về tài chính, nó cũng làm giảm đi cái khả năng kết nối cộng đồng. Chúng tôi ko có nguồn lực mà tiền thì rất quan trọng. Tôi làm festival thì mấy năm mới làm một cái, gọi vốn mệt kinh khủng. Tôi cũng không muốn bởi phần lớn vốn đấy tôi đi tìm kiếm ở nước ngoài, mình vẫn phải mang một cái lợi ích gì đấy cho họ, còn concept của tôi thì tôi chỉ muốn phát triển ở địa phương thôi. Tôi muốn support, hỗ trợ các nghệ sĩ ở đây. Nhưng mà nếu mình cứ tiếp tục mãi mãi, mình đi xin tài trợ ở nước ngoài thì mình sẽ bị giới hạn, và nó không phải là một con đường lâu dài. Thế nên tôi cứ vẫn đang bị bế tắc mãi.
Chị có nghĩ những khó khăn này cũng đến phần nhiều từ chính sự người nghệ sĩ hay không? Đa phần nhắc đến thể nghiệm, người nghe đều e ngại bởi chính sự khép kín của họ.
Họ bị mất kết nối chứ không phải khép kín. Người nghệ sĩ không muốn khép kín như vậy, mà cũng bởi những lý do như tôi vừa nói, âm nhạc thể nghiệm như một ốc đảo giữa lòng xã hội. Kết nối ở đây không nói kết nối theo diện rộng, vì nó còn tuỳ thuộc vào sản phẩm âm nhạc nữa cơ. Kết nối ở đây theo nghĩa có chiều sâu, có sự hiểu biết lẫn nhau. Ít ra, mình cần đến với một nhóm công chúng nhất định, một cộng đồng cụ thể trong xã hội. Từ nhóm đấy mới lan toả ra nhóm khác theo hình tháp. Ở Việt Nam, thể nghiệm chưa thật sự có kết nối đúng nghĩa của nó. Thế nên tôi mới làm festival, tôi mới cố gắng cởi mở để tạo ra cảm giác sẵn sàng chia sẻ và nói chuyện, thảo luận. Đó chính là lý do năm nay chúng tôi có chương trình hội thảo.
Quan trọng nữa của festival lần này chính là cái tên: Cất lên im lặng. Khi tìm ra tên đấy tôi đã thấy rất hài lòng, bởi nó đúng quá. Sự mất kết nối bạn vừa nói, nó tạo nên một khu vực gần như là im lặng. Bởi âm nhạc thể nghiệm, so với cộng đồng/ XH về mặt chính thống mà nói là không được thừa nhận. Khi không được thừa nhận thì trên bản đồ văn hoá quốc gia đấy, nó là một khu vực im lặng, ko có tiếng nói. Cất lên im lặng - về nghĩa đen thì tôi muốn tạo ra một môi trường để cái nhóm đấy cất lên tiếng nói của mình. Tại sao ko phải là cất lên tiếng mà lại là im lặng? Tôi muốn khẳng định cái quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Nếu các anh bảo tôi là im lặng, thì tôi đang cất chính nó lên đây. Không có gì là thật sự im lặng cả, chỉ là mình có nghe đủ kỹ hay không, mình đủ quan tâm về nó thì mình sẽ nghe thấy nó. Chính điều đó thể hiện cái tự cường của nhóm nghệ sĩ này. Những người muốn cất lên tiếng nói của riêng mình, muốn tìm ra cách đi của riêng mình và muốn nói lên tiếng nói của riêng mình.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện và chúc festival "Cất lên im lặng" nhận được nhiều sự ủng hộ!