Nhà không có tivi cũng chẳng có đồ chơi, đây là cách cô bé 7 tuổi lớn lên hạnh phúc với bố mẹ mỗi ngày

Thảo Hương, Theo Trí thức trẻ 11:41 26/12/2022

Không thiết bị điện tử, không đồ chơi đắt tiền nhưng điều cô bé có là tình yêu thương và thời gian chất lượng bên bố mẹ.

Hiện nay trong các gia đình hiện đại, thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, iPad, máy tính... gần như là những món đồ không thể thiếu. Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất đam mê chúng, thậm chí có những đứa trẻ dành thời gian bên iPad nhiều hơn bên bố mẹ. Thế nhưng, trong gia đình của chị Nguyễn Quỳnh Hoa (sống tại Nhật Bản) thì mọi thứ lại hoàn toàn khác.

Con gái Tuệ Nhi của chị Hoa đã lên 8 tuổi nhưng trong gia đình không lắp tivi và cũng không có đồ chơi cho bé. Đây là điều rất hiếm trong cuộc sống hiện đại.

Muốn con trải nghiệm cuộc sống bình dị cùng những món đồ tự tay làm ra

Đó là điều mà chị Hoa muốn hướng đến cho con gái của mình. Bà mẹ trẻ mong con sẽ trải nghiệm một cuộc sống bình dị với những món đồ tự làm ra để có thể hiểu được rõ niềm vui của sự lao động, trân trọng công sức từ đôi bàn tay và trí tuệ của mình.

"Mình vẫn nhớ những món đồ chơi tự làm ngày bé như cào cào lá tre, đèn vỏ bưởi... những món đồ chơi thủ công ấy đã cho mình một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ, vì vậy mình đã hướng con đến việc tự làm đồ chơi và chơi vận động bên ngoài hơn là ngồi một chỗ xem tivi, máy tính", chị Hoa chia sẻ.

Em bé Tuệ Nhi còn nhỏ nhưng đã giúp mẹ rất nhiều việc.

Dù không có tivi nhưng gia đình chị Hoa vẫn đọc báo giấy, nghe tin tức trên đài. Hai vợ chồng đều làm công việc liên quan đến máy tính nên cũng có thể theo dõi thông tin trên mạng. Trên thực tế, bé Tuệ Nhi vẫn phải học online bằng máy tính, tuy nhiên bà mẹ trẻ vẫn có cách quản lý riêng.

"Mình cũng không phải bỏ hẳn công nghệ mà hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Con mình vẫn được xem những bộ phim hoạt hình ở rạp phim, nhưng con hướng đến đọc sách, truyện giấy nhiều hơn. Bé nhà mình tiếp xúc sách từ lúc 6 tháng tuổi, lúc đó mình mua các loại sách ảnh phát triển trí tuệ cho bé nhìn. Sau đó, mình hay đọc thơ, đồng dao, truyện cổ tích cho con nghe. Vậy là việc đọc sách cứ thế lớn lên cùng con như một người bạn", chị Hoa chia sẻ.

Điều con cần nhất là khoảng thời gian ý nghĩa bên bố mẹ

Con gái chị Hoa dù không được mẹ mua đồ chơi nhưng vẫn được ông bà, cô bác tặng búp bê, gấu bông. Và bà mẹ trẻ cũng không mua thêm bất cứ món đồ nào. Thay vào đó, chị Hoa thường bày các trò chơi vận động hay làm đồ thủ công để chơi cùng con. Con thích chơi với bố mẹ hơn nên cũng ít quan tâm đến các món đồ chơi khác. Ngay cả khi đi mua sắm, nhìn thấy đồ chơi đẹp, bé Tuệ Nhi cũng không đòi mua, không có hứng thú lắm. Thay vào đó, bé thích được mua giấy màu, bút vẽ, màu nước, các món đồ làm thủ công hơn.

"Ở nhà, con thường nhặt nhạnh các đồ bỏ đi như hộp sữa, nắp chai... sau đó chế tạo thành đồ chơi cho mình. Mình nghĩ rằng sự sáng tạo và khơi dậy một niềm yêu thích, say mê khám phá với một đứa trẻ rất quan trọng. Khi đó, thế giới của con đủ rộng để có thể tìm tòi, phát triển mà không cần phải quá phụ thuộc vào bất cứ con đường có sẵn nào đó", chị Hoa khẳng định.

Cô bé tự chế tạo ra đồ chơi của riêng mình.

Về việc hiện nay rất nhiều bố mẹ "ném" cho con chiếc điện thoại, iPad rồi ai làm việc người nấy, không có sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình, chị Hoa tâm sự: "Ai cũng có quyền lựa chọn và quyết định cách sử dụng thời gian của mình, nhưng con cái cần những khoảng thời gian có ý nghĩa cùng bố mẹ, thay vì uổng phí thời gian cho ti vi, điện thoại. Khi bạn dành thời gian cho con, bạn sẽ giúp con hiểu thêm về bạn, về phong cách sống cũng như những giá trị của bạn. Đó cũng chính là những lúc con sẽ giúp bạn nhìn nhận về bản thân mình tốt hơn.

Hãy tập trung vào con, vào những câu chuyện con đang kể, những thắc mắc con đang có và tận hưởng những khoảnh khắc của trẻ thơ. Bạn sẽ thấy, thế giới con trẻ thật dễ thương, trong trẻo và bình an. Những khoảnh khắc này còn giúp bạn giảm bớt những căng thẳng trong công việc và thấu hiểu giá trị của cuộc sống. Mình thường rủ con làm vườn, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thông qua những công việc bình thường trong gia đình, chúng mình có thể kết nối với nhau tốt hơn".