Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một bà mẹ 3 con về cách phân bổ tiền ăn hàng tháng, khiến nhiều người phải nể. Hiện tại, vợ chồng cô có 3 người con (bé đầu học lớp 6, bé thứ 2 được 18 tháng tuổi và bé út 2 tháng), gia đình chỉ có 1 nguồn thu nhập từ chồng.
"Nhà đông con, thu nhập thấp" - theo cô chia sẻ, nên khoản tiền ăn uống cũng phải vun vén hết sức khéo léo. Để tiền ăn không vượt ngân sách, cô đặt hạn mức tiền ăn cho 1 tuần là 1 triệu đồng, mỗi tuần chỉ đi chợ 1 lần.
"Mỗi tuần nhà mình sẽ chi 1 triệu cho tiền thức ăn, rau củ quả. Thực đơn tuần này nhà mình gồm:
- 1kg thịt bò tảng: 165k
- 1,8kg thịt lơn: 200k
- 1,5kg mực: 120k
- 1,3kg tôm vàng biển: 100k
- 20 quả trứng gà: 50k
- 1,4kg cá biển: 100k
- 1kg ngao nhỏ: 10k
- Đậu phụ: 10k
Tổng hết: 735k.
Ngoài ra, đồ ăn sáng cũng như đồ ăn vặt cho con, mình đều tự làm" - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải tấm tắc khen cách quản lý khoản tiền ăn của cô quá khéo.
Như chia sẻ của cô vợ trong bài viết phía trên, việc đi chợ theo tuần không chỉ giúp cô tiết kiệm thời gian, mà còn dễ quản lý khoản tiền ăn hơn hẳn. Nếu cũng đang có dự định thử phương pháp tiết kiệm này, bạn cần tuân thủ 3 điều dưới đây, thì việc đi chợ theo tuần mới không phản tác dụng.
1 - Tính định lượng cụ thể cho từng bữa ăn
Việc này có thể hơi tốn thời gian và công sức trong 1-2 tuần đầu, nhưng đổi lại, nó giúp bạn không mua quá nhiều thực phẩm, từ đó không bỏ phí đồ ăn.
Ví dụ: Mỗi bữa, bạn cần ăn 200gr thịt, 300gr rau. Một ngày 3 bữa như vậy, số lượng thịt và rau cần cho 1 ngày lần lượt là 600gr và 900gr. Từ đó suy ra, số lượng thịt và rau cần cho 1 tuần lần lượt là 4,2kg và 6,3kg.
2 - Lên danh sách thực phẩm cần mua
Sau khi đã tính toán được định lượng các thực phẩm cần chuẩn bị cho 1 tuần, bạn hãy lên danh sách chi tiết những thực phẩm cần mua trước khi đi chợ. Ví dụ với 4,2kg thịt cho 1 tuần, bạn có thể chia ra 1kg thịt heo, 2 kg thịt bò và 1,2kg thịt gà,... Tùy vào nhu cầu và sở thích ăn uống của bản thân và gia đình mà việc lựa chọn các loại thực phẩm để mua sẽ khác nhau.
Điều quan trọng nhất chính là phải tính toán kỹ lưỡng và mua đủ chứ không mua thừa, tránh gây lãng phí.
Sau khi mua đúng mức định lượng đã tính toán, bạn chỉ cần sơ chế và chia nhỏ thịt, rau củ theo nhu cầu ăn của từng bữa rồi cấp đông. Đến khi cần nấu thì lấy đúng khẩu phần của 1 bữa ra rã đông và chế biến. Bữa ăn vừa đủ chất, vừa đủ lượng. Không thừa, không gây lãng phí và cũng không tốn kém.
3 - Mùa nào, thức nấy
Nếu bạn chưa biết: "Mùa nào, thức nấy" là một trong những bí quyết tiết kiệm của người Nhật Bản. Việc này hàm ý khuyên bạn không nên ăn rau củ, trái cây trái mùa vì rau củ, trái cây trái mùa có thể không an toàn vì quá trình nuôi trồng có thể phải sử dụng hóa chất.
Việt Nam vốn là "thiên đường nhiệt đới". Hè có vải, nhãn, bơ, mít, sầu riêng,... Đông có hồng, lựu, cam cao phong,... Chuối, bưởi, ổi, lê, dưa hấu,... thì quanh năm đều có. Nếu kinh tế chưa dư dả, cứ mùa nào thức nấy cũng có khối lựa chọn để đa dạng hóa trải nghiệm ăn uống, đâu cứ phải kiwi, nho Mỹ,... mới được, đúng không?