Tiêu Tết 40 triệu, riêng tiền lì xì đã tốn 11 triệu nhưng nhìn danh sách này chẳng chê được điểm gì

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 08:44 14/12/2024
Chia sẻ

Sắp Tết rồi, câu chuyện tiêu Tết thế nào, sắm Tết ra sao trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm.

Mới đây, trong 1 cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô vợ đã kể về các khoản chi trong dịp Tết của gia đình. Kể từ khi lấy chồng, phải lo việc "đối nội, đối ngoại", cô cho biết hàng năm, vợ chồng cô đều chi khoảng 40 triệu cho dịp Tết, trong đó đã bao gồm tất cả các khoản cần thiết như tiền biếu ông bà 2 bên, mua sắm quần áo, thực phẩm, cũng như tiền lì xì.

Cụ thể, các khoản tiền tiêu Tết của gia đình này như sau:

Tiêu Tết 40 triệu, riêng tiền lì xì đã tốn 11 triệu nhưng nhìn danh sách này chẳng chê được điểm gì- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- Biếu ông bà nội, ngoại: 10 triệu (mỗi bên 5 triệu)

- Thực phẩm mua cho 2 bên nội, ngoại: 6 triệu

- Quần áo Tết cho bố mẹ và con: 3 triệu

- Lì xì: 11 triệu. Cô cho biết với bố mẹ, và các cháu trong nhà, vợ chồng cô đều lì xì 1 triệu/ người. Con của cô cũng sẽ được lì xì lại nên khoản này, cô không tính chi li.

- Mua sắm trong nhà mình: 5 triệu

- Du xuân đi lại: 3 triệu.

"Tết năm ngoái vừa khai xuân mình đi khám sức khoẻ thì mấy chỉ số mỡ máu, đường huyết có phần tăng cao (trước đó mấy tháng hoàn toàn bình thường). Mình phải cắt giảm ăn tinh bột, đường… dần dần mới trở lại bình thường. Chứng tỏ việc ăn uống trong Tết phải hết sức lưu ý. Bánh kẹo cũng không sắm nữa, đường công nghiệp không tốt cho sức khoẻ, có thể mua ít hạt vỏ cứng, trái cây thay thế. Rau quả cũng không mua nhiều vì để tủ lâu ăn cũng không ngon.

Tinh thần ăn uống đơn giản hơn để đảm bảo sức khoẻ sau tết nhà mình cũng được quán triệt ở cả bên nội và bên ngoại từ năm ngoái. Bố mẹ chồng mình cũng bị dư cân, mỡ máu, đường cao… cả năm có ngày tết, con cháu về quây quần nấu ít món thì ái ngại, mà nấu nhiều thì thừa, xong bữa con cháu giải tán (nhà mình anh em ở Hà Nội hết, tết đến ông bà ăn uống rồi ai về nhà nấy, không ở chung với ông bà) là ông bà phải ăn mãi đồ ăn vẫn không hết. Chiều 30, sáng mùng 1, mùng 3 hoá vàng… ăn dồn bữa nhiều quá. Từ năm ngoái cả nhà quán triệt tinh thần nấu ít hơn là mẹ chồng mình ủng hộ ngay" - Cô chia sẻ.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người ủng hộ cách chi tiêu, cũng như tinh thần tối giản chuyện ăn uống, vừa để đảm bảo sức khỏe, vừa để tiết kiệm mà cô nhấn mạnh.

Tiêu Tết 40 triệu, riêng tiền lì xì đã tốn 11 triệu nhưng nhìn danh sách này chẳng chê được điểm gì- Ảnh 2.

Nhiều người đồng tình với quan điểm tiêu Tết, tinh thần đón Tết của cô vợ này

Tiêu Tết muốn tiết kiệm, cần lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm thế nào?

Để chủ động hơn trong việc chuẩn bị tiền tiêu Tết nói riêng, và trong vấn đề tài chính nói chung, bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.

1 - Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt

Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể:

- Tiền đi lại (cả 2 chiều)

- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)

- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)

- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)

Tiêu Tết 40 triệu, riêng tiền lì xì đã tốn 11 triệu nhưng nhìn danh sách này chẳng chê được điểm gì- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục "Tiền chăm sóc bản thân" chẳng hạn.

Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.

2 - Không tiêu hết thưởng Tết

Nếu đã có sự chuẩn bị, tiết kiệm tiền tiêu Tết từ trước, khoản tiền thưởng Tết có lẽ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cả cái Tết của bạn. Lúc này, đừng vung tay tiêu sạch tiền thưởng Tết. Thay vào đó, hãy tiết kiệm chính số tiền thưởng Tết ấy, để dành làm ngân sách tiêu Tết cho Tết sang năm, hoặc không, cũng coi như là một khoản tiền phòng thân.

Nghĩ một cách tích cực, thưởng Tết chính là phần thưởng cho cả 1 năm chúng ta đã nỗ lực làm việc, vậy mà lại tiêu hết sạch trong vòng vài ngày, vài tuần, chẳng phải là cũng có phần lãng phí hay sao?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày