Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Diên là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, chủ yếu bởi phẩm hạnh không tốt. Ngụy Diên (177-234), tên tự là Văn Trường, là tướng quân nhà Thục Hán. Trong chiến dịch Bắc Phạt của Gia Cát Lượng (228-234) ông từng làm đến chức Tiền quân sư, Chinh Tây đại tướng quân, Giả tiết, lĩnh chức Hán Trung thái thú, Nam Trịnh hầu (chỉ đứng sau Thừa tướng Gia Cát Lượng).
Ngụy Diên được tiểu thuyết này mô tả là một tướng thường mang lòng phản trắc, phản chủ cầu vinh, đằng sau gáy có phản cốt. Vì thế, Gia Cát Lượng có thành kiến không tốt với Ngụy Diên nên thường hay đem lòng nghi ngờ lòng trung thành của ông. Ngụy Diên bị cho là chỉ có thể lợi dụng nhất thời chứ không thể tin tưởng hoàn toàn, điều này cũng dẫn đến bi kịch số phận sau này của ông.
Ngụy Diên được Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả là một tướng thường mang lòng phản trắc, phản chủ cầu vinh. (Ảnh: Sohu)
Một sự kiện nổi tiếng liên quan đến Ngụy Diên chính là việc ông gián tiếp gây ra cái chết của Gia Cát Lượng.
Khi đó, Gia Cát Lượng đêm xem thiên văn, thấy sao chủ tướng lung lay sắp lụi tàn, biết mình sắp đến đại hạn. Nhưng ông không cam tâm. Trong "Xuất Sư Biểu", ông viết rất rõ ràng: "Phải thống lĩnh ba quân, bình định Trung Nguyên, dẫu có ngu độn cũng gắng sức trừ gian diệt bạo, khôi phục nhà Hán, trở về cố đô".
Đang trong thời khắc quan trọng của chiến sự, làm sao có thể nhắm mắt xuôi tay vào lúc này? Phải biết rằng Gia Cát Lượng tinh thông kỳ môn độn giáp, sở hữu thiên cương kỳ thuật. Tuy thiên mệnh khó tránh nhưng để báo đáp ân tình ba lần ghé lều tranh của Lưu Bị, để thực hiện hoài bão cả đời phò tá nhà Hán, Gia Cát Lượng đành phải làm trái mệnh trời.
Tam Quốc chí có ghi chép, ông dùng phép bảy ngọn đèn kéo dài sự sống. Đó là đặt bảy ngọn nến ở bảy vị trí trong trận đồ thất tinh, rồi làm phép trong bốn mươi chín ngày. Nếu sau bốn mươi chín ngày, bảy ngọn nến vẫn không tắt thì có thể kéo dài tuổi thọ thêm ba năm.
Gia Cát Lượng có thành kiến không tốt với Ngụy Diên nên thường hay đem lòng nghi ngờ lòng trung thành của ông. (Ảnh: Sohu)
Gia Cát Lượng dày công chuẩn bị, vất vả lắm mới duy trì được đến ngày thứ bốn mươi chín, sắp thành công đến nơi thì Ngụy Diên, chẳng sớm chẳng muộn, lại đúng lúc này đến báo cáo quân tình. Quân sĩ không cho vào nhưng ông ta vẫn xông thẳng vào. Kết quả một cơn gió âm thổi tắt một ngọn nến, khiến phép kéo dài sự sống của Gia Cát Lượng đổ sông đổ bể. Gia Cát Lượng không hề trách cứ Ngụy Diên, mà chỉ nói với thuộc hạ rằng đó là ý trời, không phải lỗi của Ngụy Diên.
Gia Cát Lượng là người khoáng đạt, ông biết làm trái mệnh trời là điều không thể, con người không thể thắng thiên. Kỳ thực, am hiểu thiên văn địa lý như Gia Cát Lượng, trong lòng ông hẳn đã sớm rõ Thục Hán không phải đối thủ của Tào Ngụy. Tam quốc phân tranh đã là thế cục tốt nhất. Nên dựa vào địa thế hiểm trở, khó vượt qua của Thục để phòng thủ, đồng thời an dưỡng, tích lũy sức mạnh, giống như Việt Vương Câu Tiễn, chớ nên nóng vội.
Nhưng có lẽ vì biết tuổi thọ của mình sắp hết nên Gia Cát Lượng đã nóng vội, kết quả không những khiến Thục quốc kiệt quệ mà còn hao tổn hết tâm sức của bản thân. Nếu không phải sáu lần xuất quân phạt Kỳ Sơn thì có lẽ ông cũng không mất sớm như vậy.
Năm 234, Gia Cát Lượng chưa hoàn thành chí hướng đã uất hận xuống suối vàng. Tuy ra đi vội vàng nhưng ông cũng đã sắp xếp chu toàn hậu sự.
Ngụy Diên lúc sinh thời e ngại Gia Cát Lượng, sau khi Gia Cát Lượng mất, ông ta cũng không phải đối thủ. Gia Cát Lượng tính toán rằng ông ta sẽ cản trở đại quân rút lui về triều, nên trước khi lâm chung đã dặn dò Mã Đại, nói cho ông ta biết khi nào Ngụy Diên thét lên, thì nhân lúc bất ngờ mà chém chết Diên, ám hiệu là câu "Ai dám giết ta".
Khi Ngụy Diên kêu lớn "Ai dám giết ta?!", Mã Đại từ phía sau rút kiếm và nói "Ta dám giết ngươi!", rồi chặt đầu Ngụy Diên ngay dưới lưng ngựa. (Ảnh: Sohu)
Cụ thể, Ngụy Diên, sau cái chết của Gia Cát Lượng, cho mình là người có công lớn với nước Thục và xảy ra mâu thuẫn với Dương Nghi. Sự bất mãn đối với Ngụy Diên lan rộng và mọi người muốn lấy mạng ông. Ngụy Diên cùng con trai và vài người thân cận đã phải bỏ trốn về Hán Trung.
Trong lúc đó, Dương Nghi phái Mã Đại cùng quân lính truy đuổi. Khi Ngụy Diên kêu lớn "Ai dám giết ta?!", Mã Đại từ phía sau rút kiếm và nói "Ta dám giết ngươi!", rồi chặt đầu Ngụy Diên ngay dưới lưng ngựa.
Quả thật, câu "Ai dám giết ta?!" mà Ngụy Diên hét lên trước khi chết đã trở thành một câu nói nổi tiếng, được nhắc đến nhiều trong đời sống hàng ngày của người Trung Quốc. Hiện nay, không chỉ trong lịch sử mà còn trong các trò chơi trực tuyến hay môi trường giải trí, câu nói này đã trở thành câu cửa miệng của giới trẻ khi muốn thể hiện thái độ thách thức đối thủ.