Chen Zhao, chủ một studio thư pháp (ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bắt đầu học môn nghệ thuật truyền thống từ 5 tuổi. Khi lớn lên, Chen càng trở nên say mê với loại hình nghệ thuật này, cha mẹ anh thường bảo rằng anh không nên trông chờ vào nghề thư pháp để kiếm sống, Changjiang Daily đưa tin.
Chen cho biết, anh đã tranh cãi với bố mẹ về việc chọn trường đại học và ngành học để đăng ký sau khi tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Trung Quốc, còn gọi là "cao khảo". Trong khi bố mẹ hy vọng anh sẽ học chuyên ngành kinh doanh, Chen vẫn kiên quyết theo đuổi ước mơ học thư pháp của mình.
Chen đã theo học chuyên ngành thư pháp tại Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc. Sau khi tốt nghiệp năm 2016, anh đã mở một studio dạy thư pháp thay vì làm việc tại một xưởng may quần áo do cha mẹ thành lập. Học viện của Chen đã tuyển sinh những học viên đầu tiên sau 2 tháng mở cửa.
Chen trả nợ giúp bố mẹ 72 tỷ đồng bằng cách dạy thư pháp. (Ảnh: Weibo)
Trong số đó, một học sinh tiểu học thuận tay trái trở thành thử thách lớn đối với anh. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực kiên trì, cậu bé không những viết được chữ thư pháp đẹp mà còn góp phần giúp studio ngày càng phát triển, thu hút thêm nhiều học viên.
Năm 2017, Chen làm việc tại một học viện thư pháp Trung Quốc ở Pháp theo lời mời của một người bạn. Tuy nhiên, anh phải trở về Trung Quốc vào cuối năm vì nhà máy của gia đình đóng cửa do quản lý kém.
Bố mẹ anh nợ tổng cộng 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 71 tỷ đồng). Bố anh cũng lâm bệnh nặng vào thời điểm đó. Để giúp đỡ cha mẹ, Chen tập trung vào công việc kinh doanh thư pháp, tăng gấp đôi quy mô phòng làm việc và tăng học phí. Chẳng bao lâu, anh đã tuyển được hơn 300 học viên.
Anh có 7 nhân viên, tất cả đều hỗ trợ các dịch vụ trong khi anh giảng dạy. “Tôi đã cố gắng thuê một số giáo viên, nhưng cả phụ huynh và học sinh đều không công nhận khả năng giảng dạy của họ”, Chen nói.
Chen chăm chỉ giảng dạy một số học sinh nhỏ tuổi trong phòng dạy học. (Ảnh: Weibo)
Chen bị mê hoặc bởi loại hình nghệ thuật này từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Weibo)
Anh thường dạy từ 8h sáng đến 21h tối mỗi ngày, nghỉ 1 giờ vào buổi trưa. Chen cũng bán các sản phẩm văn hóa liên quan đến thư pháp trực tuyến và điều hành một phòng trà.
"Khi chúng tôi tụ họp với nhau, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy Chen trông kiệt sức như vậy. Chúng tôi cố gắng thuyết phục anh ấy đừng vật lộn nhiều như vậy", một người bạn của Chen chia sẻ với truyền thông.
Đến tháng 9 năm ngoái, Chen đã trả hết nợ cho cha mẹ mình. Chen cho biết: “Điều khiến tôi cảm thấy vui hơn là bố mẹ tôi ủng hộ việc kinh doanh thư pháp của tôi, thừa nhận rằng nghệ thuật này có thể kiếm ra tiền. Tôi không có lý do gì để không làm việc chăm chỉ bây giờ”.