Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 11:11 09/05/2019

Cái tên bánh trôi không phải đặt "khơi khơi" đâu mà có ý nghĩa sâu xa cả đấy.

Bánh trôi là món bánh cổ truyền của người Việt Nam, và là một trong những thức quà có ý nghĩa đặc biệt thường được dùng trong những dịp lễ lạt, cúng kiếng. Một trong số những lễ phổ biến nhất mà không thể thiếu bánh trôi là Tết Hàn thực. Vào dịp này thì bánh trôi và bánh chay thường đi cùng nhau. Trên thực tế, có thể thấy rằng Tết Hàn thực năm nào cũng chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn người đổ xô đi mua bánh trôi bánh chay.

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 1.

Bánh trôi được làm từ bột gạo, có vỏ mỏng trắng ngần bên ngoài và nhân ngọt bên trong. Cần phân biệt loại bánh trôi miền Bắc trong Tết Hàn thực với chè trôi nước miền Nam. Bánh trôi ở miền Bắc có kích cỡ nhỏ, thường không được ăn cùng với nước và có nhân là đường phèn, còn chè trôi nước miền Nam thì có kích cỡ to, nhân đậu, ăn cùng nước đường sên với gừng. Bánh trôi miền Bắc có màu trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi gạo nếp cùng tinh dầu chuối. 

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 2.

Nhiều người nghĩ rằng bánh trôi lấy cái tên này từ công đoạn luộc bánh trong quá trình chế biến. Giống như bài thơ Bánh Trôi Nước nổi tiếng của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương có câu "bảy nổi ba chìm với nước non", chỉ những chiếc bánh khi chín sẽ trôi nổi lênh đênh trong nồi nước luộc. Điều này có thể đúng, tuy nhiên đó cũng không phải lý do duy nhất bánh trôi có tên như hiện nay.

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 3.

Cái tên bánh trôi thực ra chẳng đơn giản đâu.

Theo như tài liệu từ quyển Ẩm Thực Việt Nam và Thế Giới của tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo, món bánh trôi ta thường ăn trong tiết Hàn thực được truyền cảm hứng từ tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam ta. Truyền thuyết kể rằng vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ là tiên, hai người sinh được một chiếc bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Những người con này sau được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ, nên mới hay có từ gọi "đồng bào", ý chỉ quan hệ gắn kết của mỗi con người Việt Nam. Và những chiếc bánh trôi này, theo tiến sĩ Diệu Thảo, chính là món bánh biểu hiện truyền thống đáng quý ấy.

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 4.

Nhiều người nói tết Hàn thực của người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc và bánh trôi cũng thế, tuy nhiên theo nhiều tài liệu, tết Hàn thực của người Việt cũng như những món ăn trong dịp này thật ra rất khác với phong tục bên Trung Quốc và mang đặc trưng rất riêng. Theo An Nam Chí Lược, vào năm 1292, chính vua Trần Nhân Tông còn khẳng định rằng Hàn thực là "phong tục An Nam theo cổ nhân" trước sứ giả nhà Nguyên. Ý nói rằng, Hàn thực là phong tục của người Việt xưa, là dịp người Việt thờ cúng và nhớ về tổ tiên, cội nguồn, chứ không phải thờ một vị tướng quân theo quan niệm người Trung Quốc. Cụ thể, tết Hàn thực ở Trung Quốc kiêng nấu nướng và dùng lửa, riêng người Việt vẫn nấu nướng bình thường.

Tết Hàn thực đã thế, nhiều tài liệu cũng cho rằng bánh trôi thực ra cũng mang nguồn gốc từ người Việt: quyển Ẩm Thực Việt Nam và Thế Giới trang 117 có nhắc đến mối liên hệ giữa những viên bánh trôi trắng tròn cùng hình ảnh trăm quả trứng trong tích Con Rồng Cháu Tiên. Những chiếc bánh này sau đó còn được dâng lên cúng tổ tiên nhằm gợi lại chuyện xưa. Tiến Sĩ Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng Khoa Văn hoá Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng cho hay rằng người Việt thường dùng bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên. Hai món bánh này vốn thanh, là món ăn nguội, mang tính mát nên phù hợp ăn vào những ngày nóng nực (bắt đầu từ sau tháng 3 là mùa hè về), chính vì thế mà tết Hàn thực còn gọi là tết bánh trôi, bánh chay.

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 5.

Ngoài ra, chữ "trôi" trong bánh cũng có nguồn gốc hẳn hòi, chứ không để "chơi". Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo viết trong sách rằng: theo hội lệ của đền thờ Hai Bà Trưng làng Hát Môn (tỉnh Hà Tây cũ), cứ đến ngày hội mồng tám tháng ba âm lịch là người dân nơi đây lại làm nhiều bánh trôi hay còn gọi là bánh tù tì, sau đó xếp chúng trong những chiếc đĩa tre dán giấy hình hoa sen, mỗi đĩa 49 viên liền nhau. Thành ngữ "liền tù tì" được cho là từ đây mà ra. Được biết, sau khi bánh cúng xong, sẽ được thả trôi theo dòng sông Hát Giang về mạn biển. Đây là do tương truyền, trước lúc gieo mình xuống sông, Hai Bà Trưng còn ghé vào một quán ven đường của một bà lão ăn một đĩa bánh trôi. Chính vì thế mà người dân Hát Môn vẫn thường có nguyên tắc là đi bất kì đâu mà được mời bánh trôi thì cũng không ăn, đây là để tỏ lòng kính trọng với Hai Bà Trưng: chưa phải lễ, hai Bà chưa hưởng thì họ không ăn. 

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 6.

Tục rước bánh trôi ở làng Hát Môn.

Có thể thấy, chính vì tục thả bánh trôi theo dòng nước để tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng dân tộc mà những chiếc bánh này được gọi là bánh trôi như ngày nay.

Nguồn gốc sâu dày của cái tên bánh trôi và cả một bầu trời lịch sử hào hùng của dân tộc phía sau nó - Ảnh 7.