Hàng năm, khoảng 80.000 người Nhật biến mất khỏi cuộc sống cũ, bỏ lại tất cả để bắt đầu lại. Họ được gọi là "Johatsu" - những người bốc hơi.
Bạn đã bao giờ muốn biến mất chưa? Có thể bạn đang chìm trong nợ nần, hoặc công việc độc hại đang nghiền nát bạn. Hay một cuộc hôn nhân không tình yêu. Có rất nhiều lý do khiến người ta cảm thấy thôi thúc phải biến mất, mãi mãi. Nhưng ở Nhật Bản, những người này đều có chung một cái tên đặc biệt.
"Johatsu", những người bốc hơi.
Họ chọn từ bỏ mọi thứ - cuộc sống, công việc, nhà cửa và gia đình - để có cơ hội bắt đầu lại. Đó là một màn biến mất ngoài đời thực.
Ngắt kết nối với quá khứ, những linh hồn lạc lối này có thể sống hàng thập kỷ trong bóng tối của xã hội mà không bao giờ ngoảnh lại. Kể từ giữa những năm 1990, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 80.000 Johatsu mỗi năm. Đó là một tấm gương đen tối phản chiếu áp lực vô hình mà những người này phải đối mặt để thích nghi với xã hội. Nhưng họ đi đâu? Điều gì xảy ra với những người họ bỏ lại phía sau? Và điều đó có thể dạy chúng ta điều gì về những người mất tích ở Úc?
Johatsu: Into Thin Air là một bộ phim tài liệu gần đây ghi lại hiện tượng bí ẩn này. Các nhà làm phim Andreas Hartmann và Arata Mori (Berlin, Đức) đã mất hơn sáu năm để hoàn thành dự án nhạy cảm này. Để bảo vệ sự riêng tư của Johatsu, bộ phim được phát hành với các điều kiện nghiêm ngặt: nó sẽ không bao giờ được công chiếu công khai tại Nhật Bản. Phim sẽ được chiếu tại Melbourne (Úc) vào tháng tới.
Đạo diễn Mori, sinh ra tại Nhật Bản, nói với news.com.au rằng ý tưởng về Johatsu mang tính phổ quát - bất chấp nguồn gốc văn hóa độc đáo của nó. Ông Mori chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều đã từng nghĩ đến việc biến mất khỏi cuộc sống của mình trước đây."
Tại Nhật Bản, mong muốn này có thể bắt nguồn từ những kỳ vọng xã hội quá cao. Nỗi xấu hổ khi không đáp ứng được những kỳ vọng đó - vì ly hôn, nợ nần, mất việc hoặc thi trượt - có thể giống như một vết nhơ không bao giờ được xóa sạch. Thêm vào đó là văn hóa làm việc, nơi việc nghỉ việc bị coi là đáng xấu hổ bất chấp yêu cầu làm việc nhiều giờ đến mức có thể gây chết người. Áp lực phải tuân theo các chuẩn mực như vậy mạnh mẽ đến mức việc "bốc hơi" giống như giải pháp duy nhất.
Mặc dù bỏ chạy khỏi tất cả mọi người nhưng Johatsu không làm điều đó một mình. Trên thực tế, họ tìm đến cái gọi là "người chuyển đêm". Công việc của những người chuyển đêm là đưa mọi người đến những địa điểm bí mật mới dưới bóng tối. Họ làm mọi việc một cách kín đáo.
Những người chuyển đêm có thể làm cho công việc của họ trông giống như một vụ bắt cóc. Họ làm cho ngôi nhà trông giống như đã bị trộm. Và làm cho các dấu vết giấy tờ hoặc giao dịch tài chính biến mất. Đó là cả một nền kinh tế dành cho những người không bao giờ muốn bị tìm thấy. Và trong khi johatsu có thể bị che giấu trong bí ẩn thì những người chuyển đêm không khó tìm. Với các trang web và văn phòng dễ dàng truy cập, họ hoạt động công khai.
Còn những người mà Johatsu bỏ lại phía sau thì sao? Cũng có một dịch vụ dành cho họ. Chỉ đừng mong đợi điều đó từ cảnh sát. Trừ khi một tội ác xảy ra, cảnh sát từ chối tham gia. Nhà làm phim Hartmann cho biết: "Có thể rất khó để nhận được sự hỗ trợ từ cảnh sát địa phương do luật riêng tư của Nhật Bản. Nhiều người tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thám tử tư để giúp tìm người mất tích. Điều này về cơ bản là ngược lại với một người chuyển đêm."
Nhật Bản có một lịch sử văn hóa phong phú về việc giữ thể diện. Đạo diễn Mori nói: "Nhật Bản có một lịch sử lâu dài về những người tự sát để bảo vệ danh dự của họ. Ngay cả bây giờ, bạn vẫn nghe nói về điều đó đang xảy ra. Những người này thà chết còn hơn sống trong tủi hổ."
Biến mất là một lựa chọn thay thế hấp dẫn. Mặc dù nó có thể khiến gia đình họ phải chịu đựng nỗi đau của sự bất định, nhưng ít nhất nó bảo vệ họ khỏi cái giá nặng nề của việc tự tử. Tại Nhật Bản, người thân phải chịu trách nhiệm về khoản nợ của người tự tử. Họ cũng có thể bị tính phí khổng lồ từ ban quản lý tòa nhà hoặc tàu hỏa từ nơi họ kết liễu cuộc đời.
Ông Mori chia sẻ: "Mặc dù Johatsu có thể được coi là một hình thức tự tử, nhưng thực tế chúng lại trái ngược nhau. Johatsu là hành động lựa chọn không chết mà sống."
Thật vậy, niềm tin vào một khởi đầu mới nói lên hy vọng cũng như tuyệt vọng. Nhưng đó không phải là kết thúc của câu chuyện.
Into Thin Air vẽ nên một bức tranh ảm đạm về cuộc sống bốc hơi. Một số Johatsu sống trong những chỗ ở nhỏ bé, bẩn thỉu và làm những công việc mờ ám, không chính thức. Việc mở ra trải nghiệm này bản thân nó có thể là một sự giải tỏa.
Nhà làm phim Hartmann cho hay: "Đó là cơ hội để những người này cuối cùng chia sẻ câu chuyện của họ, điều mà họ đã giữ kín trong một thời gian rất dài. Việc làm phim là một kiểu trị liệu cho họ."
Liệu pháp này có thể rất cần thiết. Bởi vì cảm giác buồn bã và hối tiếc ám ảnh Johatsu rất lâu sau khi họ bỏ lại cuộc sống phía sau. Đạo diễn Mori nhận định: "Cuộc sống thứ hai của họ tất nhiên không phải là hoàn toàn hạnh phúc, nhưng có điều gì đó tích cực về nó."
Một số Johatsu khao khát những gì họ đã mất, nhìn gia đình mình như thể từ phía sau cánh cửa kính mờ mà họ không bao giờ có thể mở. Điều đó không kém phần đau đớn so với những gì gia đình họ phải chịu đựng - một kiểu đau buồn độc đáo được gọi là 'mất mát mơ hồ'. Không biết Johatsu đi đâu, họ không bao giờ có được sự khép lại.
Và vòng luẩn quẩn đen tối này có thể lặp lại. Nhà làm phim Hartmann nói: "Chúng tôi cũng nhận thấy rằng sự biến mất trong các gia đình được lặp lại theo chu kỳ. Nhiều người thân của những người mất tích tiếp tục biến mất. Hoặc những người mất tích hóa ra có cha mẹ mất tích khi lớn lên."
Một Johatsu trong phim bị ảo giác rằng cô ấy đang bị theo dõi. Nhưng đối với những người khác, mối đe dọa - một kẻ theo dõi, gangster hoặc người yêu cũ cầm dao - là rất thực tế. Bộ phim tài liệu mở đầu bằng một cảnh căng thẳng, trong đó một người đàn ông cố chạy trốn khỏi một người bạn đời kiểm soát bị nhét vào trong xe tải của một người chuyển đêm.
Ông Hartmann cho biết: "Những người này thường chạy trốn khỏi nợ nần, bạo lực gia đình, mafia hoặc các vấn đề gia đình. Họ chỉ đơn giản là muốn bắt đầu lại ở một nơi mới, nơi không ai biết đến họ."
Nhưng Hartmann nói rằng Johatsu thường chỉ đơn giản là bị thúc đẩy bởi cảm giác xa lánh mạnh mẽ. "Đôi khi mọi người chỉ cảm thấy họ không thuộc về nơi nào cả."
Nhật Bản là nơi hoàn hảo để biến mất. Không giống như một số quốc gia, đất nước này không có cơ sở dữ liệu quốc gia về những người mất tích. Cảnh sát cũng bị cấm truy cập vào các giao dịch ATM hoặc hồ sơ tài chính mà không có lệnh.
Nhà làm phim Hartmann nói: "Giá trị to lớn của sự riêng tư khiến Nhật Bản trở thành một nơi lý tưởng để sống một cuộc sống ẩn danh."
Ý tưởng về Johatsu không xa lạ với các nền văn hóa phương Tây. Tại Mỹ, Hartmann đề cập đến một chuyên gia quản lý khủng hoảng chuyên người giúp những người nổi tiếng biến mất. Ông cũng nói rằng những người chuyển đêm của Nhật Bản hiện đang giúp mọi người di dời ra nước ngoài.
Nhưng sau tất cả, thông điệp mạnh mẽ nhất của Into Thin Air lại là không bao giờ là quá muộn để hòa giải và chúng ta có thể hy vọng. Sau gần bốn thập kỷ biến mất, một Johatsu trong phim được nhìn thấy đang kết nối lại với gia đình mình.
Ông Hartmann bày tỏ: "Câu chuyện này cho chúng ta thấy luôn có hy vọng cho sự hòa giải."
Nguồn: news.com.au