Khác xa với thế hệ cha mẹ họ, những người Nhật ngoài 20 tuổi sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và mức lương cao để có sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.
Ở một quốc gia từ lâu đã coi trọng tinh thần làm việc chăm chỉ và lòng trung thành tuyệt đối với chủ lao động, ngày càng có nhiều người Nhật Bản "âm thầm nghỉ việc".
Thuật ngữ ban đầu được đặt ra ở Hoa Kỳ vào năm 2022 để chỉ những người không gắn bó và chỉ làm những công việc tối thiểu, "bỏ việc một cách lặng lẽ" đã mang một ý nghĩa hơi khác ở Nhật Bản - và có thể khiến vô số "người làm công ăn lương" phải giật mình.
Ngày càng nhiều người Nhật chọn cách đến làm việc đúng giờ và rời đi sớm nhất có thể.
Họ không tìm kiếm lời khen ngợi hay thăng chức từ cấp trên. Họ không bận tâm đến viễn cảnh được trả lương cao hơn nếu điều đó có nghĩa là làm nhiều việc hơn, trong khi tiền thưởng liên quan đến hiệu suất cũng không tạo được cảm hứng cho họ.
Theo một nghiên cứu về 3.000 nhân viên trong độ tuổi từ 20 đến 59 do Mynavi Career Research Lab, một công ty nghiên cứu việc làm có trụ sở tại Tokyo thực hiện, khoảng 45% cho biết họ chỉ làm những việc tối thiểu trong công việc của mình. Điều đáng chú ý là những nhân viên ở độ tuổi 20 có nhiều khả năng thừa nhận mình là "những người bỏ việc thầm lặng".
Trước đây, văn hoá làm việc ở Nhật Bản vô cùng khắc nghiệt khi tiêu chuẩn xã hội cho rằng phải làm việc cật lực và kiếm nhiều tiền là việc bắt buộc và hiển nhiên. Người lao động cực kỳ trung thành với chủ lao động, làm việc nhiều giờ, làm thêm giờ không công và không muốn chuyển công ty. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Tư tưởng đó đang bị đào thải mạnh mẽ.
Có nhiều lý do khiến người lao động Nhật Bản không còn cống hiến hết mình cho công ty nữa.
Những người lao động trẻ ở Nhật Bản muốn có nhiều thời gian hơn để theo đuổi những điều họ thích làm thay vì làm việc
Đối với Issei, 26 tuổi, câu trả lời rất đơn giản: Anh ấy muốn có nhiều thời gian hơn để theo đuổi những điều mình thích.
Issei cho biết: "Tôi không ghét công việc của mình và tôi biết tôi phải làm việc để trả tiền thuê nhà và các hóa đơn, nhưng tôi thích gặp gỡ bạn bè, đi du lịch hoặc đi nghe nhạc live hơn".
"Tôi biết rằng ông tôi và thậm chí cả thế hệ cha mẹ tôi đều nghĩ rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều tiền hơn, nhưng tôi không hiểu cách suy nghĩ đó", anh nói.
"Tôi nghĩ rằng tốt hơn là cân bằng giữa công việc và những việc tôi muốn làm khi không ở văn phòng và tôi tin rằng hầu hết bạn bè tôi cũng cảm thấy như vậy."
Nghiên cứu Mynavi kết luận rằng động lực chính khiến hầu hết những người thừa nhận mình đang "bỏ việc một cách lặng lẽ" là vì muốn có nhiều "thời gian cho bản thân" hơn.
Những người khác cho biết họ tin rằng lượng công việc họ bỏ ra là tương xứng với mức lương họ nhận được, họ "hài lòng" với mức độ đóng góp của mình và vẫn có được cảm giác hoàn thành công việc.
Những người khác cho biết họ chỉ làm những gì tối thiểu để đủ sống vì họ cảm thấy đóng góp của họ cho công ty không được đánh giá cao hoặc không có hứng thú thăng tiến hay phát triển sự nghiệp.
Sumie Kawakami, giảng viên khoa học xã hội tại Đại học Yamanashi Gakuin, một cố vấn nghề nghiệp được chứng nhận, cho biết: "Nhiều người trẻ đã chứng kiến cha mẹ họ hy sinh cuộc đời cho một công ty, làm thêm rất nhiều giờ và thực sự từ bỏ cuộc sống riêng tư của họ. Họ đã nhận ra rằng đó không phải là điều mình muốn".
"Trước đây, người sử dụng lao động sẽ trả lương công bằng và cung cấp các chế độ phúc lợi để mọi người gắn bó với cùng một công ty cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng giờ đây không còn như vậy nữa, các công ty đang cố gắng cắt giảm chi phí, không phải tất cả nhân viên đều có hợp đồng đầy đủ và được trả lương trong khi tiền thưởng không còn hậu hĩnh như trước nữa. Mọi người nhìn thấy điều đó và không cảm thấy có nghĩa vụ phải hy sinh bản thân vì công ty", bà nói.
Một doanh nhân ngủ trên băng ghế ở ga tàu Tokyo, năm 2015
Thái độ và tư tưởng của mọi người, nhất là người trẻ cũng đã thay đổi do những hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra. Những trải nghiệm này khiến một số người đặt lại câu hỏi về các ưu tiên của họ. Một thế hệ thanh niên mới bắt đầu "thấy khó chấp nhận khái niệm cam kết trọn đời với một công ty", Kawakami cho biết.
Izumi Tsuji, giáo sư ngành xã hội học văn hóa tại Đại học Chuo ở Tokyo, cho biết những trải nghiệm của ông với những người trẻ tuổi cũng dẫn ông đến những kết luận tương tự.
"Có sự thay đổi lớn trong thái độ đối với công việc của những người trẻ và thế hệ của tôi ở độ tuổi 50", ông nói.
"Trước đây, người lao động cực kỳ trung thành với người sử dụng lao động, làm việc nhiều giờ, làm thêm giờ không công và không muốn chuyển công ty", ông nói.
"Đổi lại, họ và gia đình họ được chu cấp cho đến khi nghỉ hưu."
Ông cho biết ngày nay, những người trẻ muốn "tập trung vào sở thích của mình, được tự do hơn và cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống".
Giáo sư Tsuji coi sự thay đổi này là một sự thay đổi đáng hoan nghênh sau nhiều thập kỷ các công ty Nhật Bản đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với người lao động.
"Đó hẳn phải là điều tốt", Tsuji nói.
"Mọi người quá trung thành với công ty của họ trong quá khứ và họ không có cuộc sống nào ngoài văn phòng. Bây giờ, nếu họ có nhiều thời gian rảnh hơn thì có thể mọi người sẽ chi nhiều tiền hơn và giúp nền kinh tế luân chuyển. Hoặc, thậm chí quan trọng hơn, họ có thể gặp gỡ một người bạn đời và có một gia đình. Điều đó rất quan trọng vì dân số đang giảm dần."
Kawakami đưa ra thêm một lý do nữa giải thích tại sao xu hướng "nghỉ việc âm thầm" lại đánh dấu sự thay đổi theo hướng tốt hơn đối với hàng triệu nhân viên Nhật Bản.
"Tôi hoan nghênh sự thay đổi này vì những thế hệ công nhân lớn tuổi hơn sẽ cống hiến 150% cho công ty của họ nhưng cái giá họ phải trả là 'karoshi'", bà nói. Đây là một thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ cái chết do làm việc quá sức.
Năm 1998, có 32.863 vụ tự tử ở Nhật Bản, nhiều vụ liên quan đến giờ làm việc quá dài và áp lực nơi làm việc. Tổng số vụ tự tử vẫn ở mức trên ngưỡng 30.000 trong 14 năm tiếp theo, nhưng đã giảm dần kể từ đó. Năm 2024, khoảng 20.320 người tự tử, con số thấp thứ hai kể từ năm 1978, khi số liệu thống kê lần đầu tiên được biên soạn.
"Những người trẻ không còn cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng một công việc khiến họ không hạnh phúc hoặc không thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân", Kawakami nói. "Kết quả là mọi người hạnh phúc hơn".
Nguồn: DW