Người Sài Gòn có món phở bày trên mâm lạ lắm, nhưng dân tình lại hoang mang hỏi nhau: “Phở mà không đựng vào bát thì có còn là phở!?”

Nhân Mã, Theo Helino 10:55 11/08/2019

Câu hỏi này của mọi người cũng đáng để suy ngẫm lắm, "Phở mà không đựng vào bát thì có còn là Phở?"

Người Việt tự hào vì đã sản sinh ra món Phở không những được quốc tế công nhận mà còn vinh dự chiếm hẳn một chỗ to đùng trong từ điển tiếng Anh. Ngẫm ra thì cũng phải thôi, thứ quà sáng tưởng là mộc mạc, đơn sơ như Phở hóa ra lại được nấu rất cầu kỳ và tốn bao công sức của đôi bàn tay của những đầu bếp tài ba. Nước phở trong nhưng phải sánh ngon, bánh phở mềm nhưng phải dai hòa quyện với miếng thịt ngọt mềm và chút hành thơm không thể lẫn vào đâu được.

Những bát phở truyền thống luôn đủ sức níu chân bất cứ ai dù là đang vội vã nhất.

Đó là mô tả của món phở truyền thống, còn ngày nay, có khá nhiều biến tấu được giới thiệu đến công chúng mà điển hình có thể kể đến như món phở được bày biện trên mâm ở Sài Gòn dưới đây. Nếu đến quán ăn này, thực khách thay vì xì xụp tô phở nóng thì sẽ tao nhã gắp từng sợ phở nguội ăn với đồ ăn kèm và nước sốt. Quả thực, món ăn cũng gợi cho ta nhiều sự tò mò lắm thay.

Người Sài Gòn có món phở bày trên mâm lạ lắm, nhưng dân tình lại hoang mang hỏi nhau: “Phở mà không đựng vào bát thì có còn là phở!?” - Ảnh 2.

Món phở bày trên mâm vô cùng lạ lẫm giữa trung tâm Sài Gòn.

Phở mâm cô Di là những gì mà chúng ta đang nói đến. Quán nằm sâu trong một con hẻm trên đường Cống Quỳnh, Quận 1 của Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ quán có chia sẻ rằng ý tưởng của món ăn chính là xuất phát từ việc các thành viên trong gia đình dù là ăn chay hay ăn mặn thì đều có thể ngồi cùng nhau.

Để thưởng thức món phở mâm này thì thực khách cũng phải học cách ăn sao cho đúng cho ngon. Các loại "topping" như thịt gà, thịt heo, bò Úc, thịt cua đồng, đậu hủ chiên, bắp cải trộn, hành tím, rau, ngò, ớt sẽ được bày trên mâm; bánh phở như bánh phở thông thường và nước sốt để riêng. Người ăn chay có thể ăn suất riêng kèm với đậu phụ.

Linh hồn của mâm phở này chính là bí quyết chế biến nước sốt. Ở quán có 4 vị nước sốt là loại thường, chua, mặn và wasabi. Khi ăn, ta bỏ các loại topping lên chiếc bánh giòn nhỏ xinh rồi múc muỗng sốt rưới lên, rồi bỏ hết chiếc bánh vào miệng ăn trọn luôn. Trong miệng lúc đó sẽ có rất nhiều tầng vị tạo cảm giác khá lạ lẫm.

Còn có cách ăn là để bánh phở và chén để các loại topping vào rồi rưới nước sốt lên ăn cũng khá gây bất ngờ với nhiều người lần đầu thưởng thức. Bên cạnh đồ ăn kèm, trong mâm còn có rau răm và hành tây được xắt nhuyễn, ớt xắt lát và rau quế. Hương vị của phở sẽ thay đổi khi cho thêm các loại gia vị này.

Người Sài Gòn có món phở bày trên mâm lạ lắm, nhưng dân tình lại hoang mang hỏi nhau: “Phở mà không đựng vào bát thì có còn là phở!?” - Ảnh 3.

Phở này người ta gọi là phở khô đó mọi người ạ!

Đúng là rất lạ mọi người nhỉ. Bình thường người ta dù ngày nắng hay mưa, dù nóng hay lạnh vẫn thích ăn một bát phở có nước để cũng tạm gọi cho là hâm nóng cái bụng đói và lại còn nhanh tiện tuyệt đối nữa. Vậy cho nên, với món phở mâm này, điểm trừ sẽ là khó thưởng thức vào buổi sáng vì hơi cầu kỳ trong cách ăn cho nên sẽ hợp với việc nhâm nhi vào buổi tối hơn.

Các bạn trẻ đam mê cái mới đương nhiên sẽ tiếp nhận món ăn như một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, với những người yêu nét đẹp truyền thống thì lại hơi có chút e ngại với món phở mâm này. Phần đa cho rằng nếu chỉ có sợi bánh đặt trên cái mâm mà đã đã vội vàng gọi là phở thì có vẻ không đúng cho lắm.

"Cái này không thể gọi là phở được, nhìn thì có vẻ lạ nhưng giống ăn bánh ướt hơn là phở".

"Ý tưởng có lạ đấy nhưng có vẻ không hợp lắm với phở, cái này giống bánh tráng cuốn hơn ấy, phở ngon ở nước dùng chứ mấy cái món trộn này dùng với bún hợp hơn".

"Thấy giống như là thứ gì đó ăn kèm bánh phở thì đúng hơn là phở mọi người ạ".

Người Sài Gòn có món phở bày trên mâm lạ lắm, nhưng dân tình lại hoang mang hỏi nhau: “Phở mà không đựng vào bát thì có còn là phở!?” - Ảnh 4.

Bánh phở ăn kèm với thứ gì đó chứ không phải là phở sao?

Có vẻ như ai cũng đang băn khoăn nhiều về cách ăn của món phở mâm, chưa kể những thứ đi kèm với bánh cũng khác xa phở truyền thống, bởi chẳng ai ăn phở với thịt cua đồng, đậu phụ chiên hay bắp cải trộn cả, nghe nó cứ "kỳ kỳ" làm sao. Cũng có thể, chủ quán đang muốn biến tấu một chút để mang hơi thở mới cho món phở nhưng nếu như thế này thì lại hơi bị lai đi quá với các món ăn vặt khác mất rồi, còn đâu hương vị phở của bao đời nay nữa.

Đương nhiên, mỗi người sẽ có quan điểm riêng nhưng số đông lại đang có vẻ nghiêng về hướng bảo vệ giá trị truyền thống nhiều hơn. Mặc dù vậy, số người ủng hộ trải nghiệm cái mới cũng không phải là ít bởi trong quá khứ chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và thành công như việc ghép nhân bào ngư vào bánh Trung Thu hay mang phô mai vào rán trứng chẳng hạn. Cái mới bao giờ cũng cần phải có thời gian để xâm nhập thị trường cũng như mài mòn thị hiếu của người dân. Quan trọng là những người làm ra cái mới đó có đủ kiên trì để thay đổi thói quen ăn uống của mọi người hay không mà thôi.

Có nên chấp nhận cái mới để ẩm thực ngày càng phong phú hơn không?