Đó là đậu tương.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu khoảng 260 nghìn tấn đậu tương, với kim ngạch ước đạt 127,7 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng năm 2024, nước ta nhập khẩu đậu tương lên tới 1,85 triệu tấn, với giá trị ước đạt 953 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng, nhưng giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá đậu tương nhập khẩu bình quân trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 514,4 USD/tấn, giảm khoảng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu đậu tương đạt trên 1,59 triệu tấn, với kim ngạch trị giá gần 825,81 triệu USD.
Đáng chú ý, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, đạt 940.359 tấn, tương đương gần 469,81 triệu USD (tăng 17,2% về lượng và giảm 1,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 59% trong tổng lượng và 56,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước.
Thị trường cung cấp đậu tương lớn thứ hai cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 là Mỹ, với 514.984 tấn, tương đương với 275,58 triệu USD, chiếm 32,3% trong tổng lượng và chiếm 33,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tuy nhiên giảm 1,2% về lượng và giảm 22,55% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lớn thứ ba cung cấp đậu tương cho nước ta là Canada. Trong 9 tháng đầu năm 2024, nước ta nhập khẩu 97.710 tấn đậu tương từ thị trường này, tương đương 58,12 triệu USD, tăng 21,1% về lương, giảm 3,1% về kim ngạch. Đậu tương từ Canada chiếm 6,1% trong tổng lượng và chiếm 7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Tiếp đến, thị trường lớn thứ tư cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 là Campuchia, với 4.362 tấn , tương đương với hơn 3,16 triệu USD, tương ứng với tăng gần 863% về ượng và 799,4% về trị giá. Như vậy, đậu tương nhập khẩu từ Campuchia chiếm 0,27 % trong tổng lượng và chiếm 0,38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Theo các chuyên gia, ngô và đậu tương là 2 nguyên liệu chính được dùng chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gần 70% khối lượng cần thiết. Sở dĩ Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn ngô và đậu tương là do năng suất của hai loại hạt này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cần dùng trong nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải nhập khẩu lượng hàng lớn về để phục vụ cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiêu dùng trong nước.
Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương mỗi năm. Do giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao nên người chăn nuôi ở Việt Nam được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường đậu tương trên thế giới đã chứng kiến một loạt các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá cả, chẳng hạn từ tình hình thời tiết không ổn định đến biến động trong sản xuất và cung cấp…
Cụ thể, do tình hình thời tiết không ổn định nhưu hạn hán, lũ lụt… tại những khu vực sản xuất đậu tương quan trọng trên thế giới như Mỹ, Brazil và Argentina đang gây ra lo ngại với nguồn cung của mặt hàng này trên thị trường toàn cầu. Những yếu tố thời tiết bất lợi đã gây ra những tác động tiêu cực với quá trình trồng trọt và thu hoạch đậu tương tại các thị trường trên.
Theo các chuyên gia, sự biến động này đang tạo áp lực rất lớn tới các nhà sản xuất cũng xuất khẩu đậu tương, đồng thời đưa ra những thách thức mới trong việc quản lý rủi ro, ổn định giá cả trên thị trường đậu tương toàn cầu.
Đậu tương là loài cây lương thực quen thuộc của Việt Nam. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, vì sự lấn át về hiệu quả kinh tế cũng như sự cạnh tranh của các cây lương thực có giá trị khác trong sản xuất nên diện tích và sản lượng của của cây đậu tương ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, vì năng lực sản xuất đậu tương nội địa còn hạn chế nên việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều. Thay vào đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta cần hướng tới giải pháp để thay đổi linh hoạt nguồn cung, từ đó giảm bớt áp lực chi phí.