Bứa hay còn được gọi là măng cụt rừng là một loại cây gỗ sống nhiều ở một số khu rừng tại tỉnh Quảng Ngãi. Tầm độ cuối tháng 9 Âm lịch, khi nắng hè đã dịu, thời tiết chuyển sang thu thì cũng là lúc những quả bứa bắt đầu ướm lên màu vàng nhạt, ẩn hiện giữa tán lá xanh mướt.
Chùm bứa treo lúc lỉu trên cành đã làm biết bao đứa trẻ vùng quê háo hức, tụ tập để hái lấy. Đứa nào gan dạ thì trèo lên cây, có đứa thì kiên nhẫn dùng gậy khều những quả bám nơi cành xa... Cả bầu trời tuổi thơ gói gọn bên những quả bứa mộc mạc, đơn giản là thế nhưng lại làm người ta thấy nhung nhớ khi nghĩ về.
Quả bứa là loại trái rừng, có dạng tròn nhỏ với lớp vỏ dày bên ngoài. Phần thịt bên trong lại chia thành nhiều múi mọng nước trông rất hấp dẫn. Người cẩn thận thì sẽ dùng dao tách đôi vỏ quả rồi từ tốn thưởng thức hương vị của núi rừng đang lan tỏa dìu dịu trong cổ họng. Nhưng đối với lũ trẻ "háo ăn" thì chỉ cần dùng tay phủi sạch bụi rồi cắn bỏ lớp vỏ và "xử" ngay.
Vừa cho vào miệng, vị chua ngọt đặc trưng của từng múi bứa dần dần tan đều, tạo nên ấn tượng khó phai. Nếu ăn không quen, ban đầu bạn sẽ thấy khó chịu bởi vị chan chát của phần vỏ đọng lại nơi đầu lưỡi. Tuy nhiên, càng nhai những múi bứa mọng nước lại mang đến độ ngọt ngọt, chua thanh nhanh chóng làm dịu lại vị giác.
Đối với trẻ con, bứa chỉ là một loại quả ăn chơi nhưng người miền Trung còn tận dụng vị chua của chúng để làm gia vị trong nồi canh nấu cari hay kho cá... Ngày trước, bứa mọc dại và có thể tìm thấy nhiều ở vùng núi Trà Bồng. Đến mùa quả chín thì người dân thường hái về ăn hoặc bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, hiện nay hương vị của món ăn này đã làm say đắm thực khách và trở thành một đặc sản hấp dẫn được nhiều người săn đón.
Mộc mạc, dân dã là thế nhưng thức quả bé xinh này chất chứa biết bao kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ của người miền Trung. Để rồi mỗi khi đi xa, người ta cứ mãi vấn vương dư vị chua ngọt của núi rừng Quảng Ngãi.