Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng

L.T, Theo Pháp luật và Bạn đọc 23:10 15/02/2022

Cũng như nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác, chị T. rời xa gia đình vì cái nghèo cứ đeo bám mãi không buông.

"Em muốn trở về, về với cha mẹ ở quê nhà, ăn rau ăn cháo sống qua ngày cũng được", đó là câu nói chất chứa quá nhiều sự thống khổ của một cô gái đang làm giúp việc ở nước ngoài. Khi đi, cô ấy mang trong mình sự hào hứng, niềm hi vọng rằng 2-3 năm nhanh thôi, khi trở về sẽ có trong tay số tiền để cất lại căn nhà cho cha mẹ, lo cho mấy đứa em ăn học, làm vốn buôn bán... Đấy, tương lai phấn khởi như thế thì nề hà gì mà không đi, ở nhà cũng chẳng khấm khá thêm được.

Đó chắc chắn không phải câu chuyện của riêng cô gái ấy khi quyết định rời xa quê hương sang Ả Rập Saudi làm giúp việc. Nó là "câu chuyện chung" của rất nhiều phụ nữ mang trong mình khát vọng đổi đời ra nước ngoài kiếm tiền. Nhưng ai cũng biết mà "kiếm được đông tiền đâu có dễ dàng". Để rồi, khi đã nếm quá nhiều cay đắng, tủi nhục ở một nơi xa lạ không có nổi một người thân, người ta chỉ muốn thốt ra một câu nghẹn đắng ở trong lòng: "Em muốn về!".

Về rồi thì sao? Còn đống nợ vay mượn khắp nơi để lo liệu khi đi, chưa trả hết được. Về rồi thì sao? Nhà cửa, con cái nheo nhóc lấy gì lo cho chúng? Thế là, lại cắn răng chịu đựng, chưa biết đến khi nào mới được hưởng cái gọi là "sum vầy, hạnh phúc".

Con thơ để lại chồng nuôi, ra đi vì nỗi cơ hàn không buông

Chị L.T.T (quê ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), là một trong nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động làm giúp việc tại Ả Rập Saudi. Chúng tôi đã liên hệ với chị T. và biết được câu chuyện hoàn cảnh của riêng chị cũng như những khó khăn mà chị gặp phải trong quãng thời gian ở nơi xứ người.

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 1.

Chị L.T.T (quê ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), là một trong nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động làm giúp việc tại Ả Rập Saudi.

Cũng như nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác, chị T. rời xa gia đình vì cái nghèo cứ đeo bám mãi không buông. Chị nói: "Ngày đó gia đình tôi nghèo quá, chẳng có đất mà làm ăn, nhà cũng chẳng có để ở. Cả gia đình phải ở trong cái lều vách nứa, trời nắng còn đỡ trời mưa đêm đang ngủ phải thức giấc vì nhà dột ướt. Đến mùa đông thì rất lạnh vì ở miền núi, nửa đêm sương mù bao phủ, gió lạnh ùa vào.

Khi đó có người đến tư vấn đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Saudi, tôi không do dự, đăng ký ngay bất chấp gia đình, bạn bè khuyên nhủ. Lúc tôi đi, đứa lớn được 5 tuổi, đứa nhỏ mới 18 tháng, còn bú mẹ".

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 2.

Vậy là, nhà cửa con cái chị T. để lại cho chồng lo liệu rồi khăn gói "đi làm kinh tế". Khi ấy, chị chưa tưởng tượng được hết nỗi cơ cực mà mình phải chịu. Chỉ nghĩ đơn giản, có tiền là được, vất vả mấy cũng có thể vượt qua, còn hơn ở nhà mà không kiếm được đồng nào lo cho các con.

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 3.

Nhưng cuộc đời đâu có ngờ, từ giây phút đặt chân xuống sân bay nước bạn là lúc chị phải mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần.

Chị kể: "Hồi đó, tôi ký hợp đồng tiền lương là 1.300 ria, tính ra chỉ được 7.000.000/tháng. Suốt 2 năm tôi làm việc ở đó, chủ không cho dùng điện thoại, chỉ được gọi về bằng điện thoại của nhà chủ, thời gian làm việc khá dài từ 5h30' sáng tới 11 giờ đêm. Công việc hàng ngày là lau chùi nhà cửa, giặt là quần áo, nấu ăn trông trẻ, làm việc không có ngày nghỉ, kể cả ốm đau cũng không được nghỉ mà vẫn phải làm việc bình thường.

Lương chủ thanh toán sòng phẳng nhưng bà chủ rất khó tính, chê bai đủ thứ, ăn uống kham khổ, có hôm tôi còn bị bà chủ giật tóc, sau khi hết hợp đồng 2 năm tôi xin về Việt Nam. May là được chủ làm thủ tục giúp từ A-Z".

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 4.

Chị T. và một người ngoại quốc khác làm giúp việc tại Ả Rập.

Trong suốt 2 năm cơ cực đó, động lực duy nhất để chị T. có thể cố gắng mỗi ngày là nghĩ về 2 đứa con thơ dại đang chờ mình ở nhà. Chị không được phép nản lòng và cũng không được phép yếu đuối. Làm việc với hơn 100% sức lực nhưng số tiền chị gửi về nhà cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Nuốt nước mắt vào trong mà cố gắng

2 năm làm việc vất vả lương gửi về cho chồng trả nợ, nuôi con ăn học, số tiền dành dụm thì anh thuê thợ san ủi đất rồi xây một căn nhà nhỏ. Khi chị T. trở về, nhà đã xây xong nhưng tiền vẫn còn nợ nhiều, chị "đánh liều" đi một lần nữa với mong muốn giải quyết dứt điểm nợ nần để cuộc sống ổn định hơn.

"Tôi quyết định đi lần nữa, để trang trải nợ nần, lần này đi cũng qua công ty, ký hợp đồng 1.600 ria (tương đương 9.600.000 đồng/tháng). Tôi sang làm cho chủ mới nhưng họ cũng không cho dùng điện thoại. Khóc lóc van xin họ cũng không cho dùng. Tôi phải mua thẻ nạp tiền vào máy của chủ để gọi về hỏi thăm các con.

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 5.
Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 6.

Lương thì hỏi mãi họ mới trả, ăn uống kham khổ, không có chỗ nghỉ ngơi thoải mái, ốm đau phải tự bỏ tiền ra mua thuốc, đồ dùng cá nhân cũng phải tự mua hết trong khi đó hợp đồng có nói chủ lo hết. Ngày tôi chỉ được ăn một bữa cơm, có hôm phải nhịn đói, thậm chí cả tuần họ không cho ăn cơm chỉ ăn bánh mì.

Công việc thì cũng như nhà trước, làm không được nghỉ ngơi, đến giờ là tròn 3 năm không được một ngày nghỉ, ốm cũng phải làm".

Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 7.
Người phụ nữ Việt 5 năm làm ô sin ở Ả Rập: Ra đi bỏ lại 2 con thơ vì nghèo khổ quá, cực đủ đường vẫn phải cắn răng chịu đựng - Ảnh 8.

Bữa ăn và chỗ ở hiện tại của chị T. ở Ả Rập.

Chị T. rõ ràng biết rằng mức lương và điều kiện làm việc như vậy là "quá bèo bọt" so với công sức chị phải bỏ ra nhưng biết làm sao khi "đã đâm lao thì phải theo lao", ai giúp cho mà tìm chủ mới hay trở về thì lấy gì trả nợ.

Chị T. cho biết, chị kém may mắn khi gặp phải nhà chủ không tốt nhưng chị được biết có nhiều người sang vẫn được đối xử tử tế, thậm chí được thưởng lương và mua sắm quần áo.

"Xa gia đình ai cũng nhớ, mong ước đến ngày trở về. Tôi cứ nghĩ mình hy sinh để cho con cái có cuộc sống tốt hơn, ở nhà cũng không làm gì ra tiền... cứ như vậy cố gắng làm", chị nói.

Tính ra, chị T. đã sống ở Ả Rập Saudi được 5 năm nên chị được nghe kể nhiều về những trường hợp khó khăn khi làm giúp việc ở đó. Chị T. kể: "Có rất nhiều chị em gặp chủ không tốt, bị quỵt lương, không cho dùng điện thoại, ép làm nhiều giờ, có người phải làm 17-19 tiếng một ngày, cơm ăn không đủ no để có sức, ốm đau không có thuốc men, chủ không cho đi viện. Có người còn bị chủ đánh, đuổi ra ngoài, không cho vào nhà, có người không chịu nổi phải bỏ trốn ra ngoài nhờ cảnh sát giúp đỡ, có người gặp khó khăn công ty cũng không giúp đỡ, không liên lạc được với công ty để cầu cứu... Cũng có một số công ty thờ ơ trước lời kêu cứu của người lao động".

Giờ đây, mong ước của chị T. là sớm được trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình, để thắp cho cha ruột nén hương bởi cha mất mà chị không được nhìn mặt ông lần cuối.

Chị T. hiểu rằng cuộc sống tha hương có muôn vàn cực khổ nhưng chị khuyên mọi người nên cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ về công ty đưa mình sang nước ngoài đồng thời trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, cơ bản để tránh rơi vào tình cảnh xấu.

Cảm ơn chị T. về những chia sẻ của chị! Chúc chị chân cứng đá mềm, sớm trở về quê hương đoàn tụ với gia đình!

https://afamily.vn/nguoi-phu-nu-viet-5-nam-lam-o-sin-o-a-rap-ra-di-bo-lai-2-con-tho-vi-ngheo-kho-qua-cuc-du-duong-van-phai-can-rang-chiu-dung-20220215175120355.chn