Phận đời chua chát của những "ô sin" làm việc xa xứ: Ngày ngủ không quá 4 tiếng, đến nhà vệ sinh cũng không được dùng

Diệp Lục, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 14:21 13/02/2022

Đằng sau những thành phố hiện đại sôi động lại là những số phận "ô sin" bất hạnh, hứng chịu cuộc sống đầy đau đớn và tủi nhục như thời Trung cổ.

Người giúp việc hay nhiều nơi còn gọi là "ô sin" hiện là lực lượng lao động phổ biến hiện nay ở châu Á. Tại các nước phương Tây, những gia đình giàu có hoặc trung lưu thường sử dụng các thiết bị công nghệ có sẵn trên thị trường tiêu dùng để phục vụ cho công việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa. Tuy nhiên, tại một số nước ở châu Á, họ lại có xu hướng thuê người giúp việc với nhiều ưu điểm: Giá rẻ, làm được nhiều việc nhà hơn.

Mặc dù vậy, tình trạng ngược đãi ô sin, coi họ như nô lệ thời hiện đại đang diễn ra với tình trạng đáng báo động. Trong khi đó, vì miếng cơm manh áo, vì phải nuôi sống cả gia đình, nhiều người vẫn sẵn sàng dấn thân vào con đường ô sin đầy may rủi này.

Thực trạng đáng buồn

Thông thường có hai hình thức thuê lao động giúp việc hiện nay là bán thời gian và toàn thời gian. Hiện nay, việc thuê ô sin sẽ thông qua người môi giới và các kênh tuyển dụng. Phần lớn các lao động giúp việc ở một số nước châu Á hiện nay đến từ tầng lớp lao động nghèo, chủ yếu là phụ nữ thuộc các vùng nông thôn, nơi điều kiện sống vẫn còn thiếu thốn đủ đường.

Theo số liệu thống kê từ Phụ nữ Liên Hợp Quốc, giúp việc gia đình là nghề phổ biến của phụ nữ nhập cư với tỷ lệ chiếm tới 83% lao động giúp việc trên toàn thế giới. Châu Á sở hữu phần lớn lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu, chiếm 40,8% trong tổng số 52,6 triệu người giúp việc.

Phận đời chua chát của những ô sin làm việc xa xứ: Ngày ngủ không quá 4 tiếng, đến nhà vệ sinh cũng không được dùng - Ảnh 1.

Người làm nghề giúp việc hiện nay chủ yếu là phụ nữ

Mặc dù vậy, trang SCMP đưa tin, có một thực trạng đáng buồn là các trường hợp lạm dụng người giúp việc trong những năm gần đây đang xảy ra ở các thành phố hiện đại, giàu có ở châu Á, thay vì Trung Đông như trước đây.

Phụ nữ từ những nơi kém phát triển ra nước ngoài làm giúp việc phải đối mặt với tình trạng lạm dụng và phân biệt chủng tộc, họ bị đối xử không khác gì một nô lệ. Tất cả họ đang phải vật lộn với việc thiếu sự bảo vệ của pháp luật và các kênh hữu dụng khác. Tình trạng này đang phổ biến ở Singapore, Malaysia và Hồng Kông.

Ở Malaysia, người giúp việc vẫn bị coi là "người hầu" và ít nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Không giống như những người lao động khác, ô sin không có chế độ hưởng ngày nghỉ phép hoặc giờ làm việc theo quy định thông thường.

Ở Singapore, người giúp việc không có quyền lợi dành cho phụ nữ mang thai. Nếu họ bị phát hiện có bầu sẽ ngay lập tức bị trục xuất. Nếu muốn tiếp tục làm việc, họ buộc phải phá thai. Việc phải lựa chọn giữa kế sinh nhai và mang thai là điều vi phạm các quyền cơ bản của con người cũng như cơ thể của họ.

"Điều này có nghĩa là họ muốn chúng tôi độc thân đến hết đời phải không? Họ không chỉ bóc lột sức lao động mà còn khoét sạch tận cùng xương tủy của những người phụ nữ làm nghề giúp việc", Lestari, một người làm ô sin cho biết.

Địa ngục trần gian

Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi các ô sin bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần trong một thời gian dài mà không được bảo vệ, can thiệp. Adelina Lisao, một giúp việc 21 tuổi đến từ Indonesia đã qua đời vào tháng 2/2019 vì suy đa tạng. Cô đã bị gia đình nhà chủ tra tấn dã man trong hơn 1 tháng, bị ép phải ngủ bên ngoài cùng với chó cưng của chủ nhân.

Susi, một ô sin 30 tuổi người Indonesia, đã chia sẻ về khoảng thời gian gần 1 năm sống trong địa ngục vì bị chủ bạo hành dã man.

"Lần đầu tiên bà chủ đánh tôi là vào ngày trả lương. Bà chủ bắt tôi ký tên vào một tờ giấy viết rằng, bà ta đã trả đủ lương cho tôi. Tôi băn khoăn hỏi lại thì bà chủ đánh tôi. Tôi chỉ được phép ngủ 4 tiếng mỗi ngày. Bà chủ cũng chỉ cho phép tôi sử dụng nhà vệ sinh 3 lần/ngày và không cho tôi nghỉ ngày nào", Susi, tên thật là Tutik Lestari Ningish chia sẻ.

Phận đời chua chát của những ô sin làm việc xa xứ: Ngày ngủ không quá 4 tiếng, đến nhà vệ sinh cũng không được dùng - Ảnh 2.

Susi đã từng trải qua chuỗi ngày địa ngục khi làm giúp việc

Bà chủ của cô là Law Wan-tung, người Hồng Kông đã giam lỏng, đe dọa và hành hung nữ giúp việc sau khi được một văn phòng tư vấn việc làm giới thiệu. Chủ của Susi thậm chí còn đe dọa giết cả nhà cô để ngăn ô sin chạy trốn.

"Bà ấy đe dọa: Nếu mày dám hé răng tố cáo hoặc cố bỏ trốn, tao sẽ giết mày và cả nhà mày. Tao nói là sẽ làm. Tôi đã rất sợ hãi. Tôi cố chịu đòn, chỉ cầu mong bà ta không đánh chết tôi. Tôi còn phải nuôi con trai nhỏ", Susi chia sẻ và cho biết thêm rằng, cô chỉ may mắn trốn thoát sau gần một năm bị hành hạ.

Một nạn nhân khác cũng bị chủ bạo hành khi làm việc ở Malaysia tên là Sumasri, người Indonesia đã tiết lộ những mảng sẹo rất lớn trên lưng của cô do bị chủ dội nước sôi trong một bức ảnh được trưng bày trong một cuộc triển lãm nhằm phơi bày nỗi đau của phận ô sin bị bạo hành.

Phận đời chua chát của những ô sin làm việc xa xứ: Ngày ngủ không quá 4 tiếng, đến nhà vệ sinh cũng không được dùng - Ảnh 3.

Sritak, một ô sin bị bạo hành khi làm việc ở Đài Loan vẫn còn nguyên những vết sẹo trên cơ thể

Suay Ing, 31 tuổi, người Myanmar đi giúp việc cho một gia đình tại thành phố Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan từ lúc 9 tuổi với mức lương ít ỏi 10 USD (khoảng 226.000 đồng) mỗi tháng. Cô thường bị chủ đánh đập, cắt bớt lương và thậm chí là bỏ đói trong suốt những năm làm việc ở đây.

Moe Moe Than, 32 tuổi, một người giúp việc người Myanmar không bao giờ có thể tưởng tượng rằng cô phải sống trong cảnh tù đày khi đến Singapore làm ô sin vào năm 2012. Hơn 10 tháng cô làm giúp việc ở đây, Moe Moe Than bị cấm sử dụng nhà vệ sinh, buộc phải ăn bãi nôn của chính mình và bị đe dọa mỗi ngày.

Jane Allas, người Philippines, đã báo cáo chính quyền địa phương khi cô bị chủ nhân người Hồng Kông sa thải chỉ vì cô được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Allas cho biết trong suốt 15 tháng làm giúp việc, cô phải ngủ dưới sàn nhà lạnh lẽo và không được ăn uống đầy đủ.

Tương lai nào cho những phận đời ô sin?

Tổng thư ký Liên đoàn Người giúp việc quốc tế, có trụ sở tại Hồng Kông, bà Elizabeth Tang cho biết, nhiều người châu Á có thói quen thuê người giúp việc từ những nhóm dân tộc thiểu số hoặc người bản xứ có địa vị thấp, nhà nghèo và tin rằng họ đang dang tay giúp đỡ những người này.

"Các ông bà chủ có xu hướng nghĩ rằng: Cô ta rất nghèo. Nếu tôi không cho cô làm việc trong nhà tôi, cô có thể sẽ chết, cô sẽ không có gì để ăn. Những quan điểm như vậy đã bắt rễ rất sâu trong nhận thức của nhiều người", bà Tang nhận định.

Ngoài ra, bà Tang cũng thừa nhận rằng, nhiều ô sin châu Á phải sống như nô lệ trong nhà chủ, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người giúp việc buộc phải chịu đựng trong im lặng khi bị lạm dụng với các quy định lao động bất hợp lý vì họ phải chịu áp lực gửi tiền về nhà nuôi sống gia đình, trả nợ tiền môi giới và chi phí kiện tụng cũng rất cao. Họ cũng không đặt quá nhiều niềm tin vào tòa án công lý với nỗi hoang mang, mặc cảm là người từ nơi khác đến, có địa vị thấp kém.

Phận đời chua chát của những ô sin làm việc xa xứ: Ngày ngủ không quá 4 tiếng, đến nhà vệ sinh cũng không được dùng - Ảnh 4.

Những người làm nghề giúp việc xa xứ không được hưởng sự bảo vệ đúng mực

Ở Malaysia và Singapore, các nhóm bảo vệ những người lao động nhập cư còn rất ít và chủ yếu hoạt động còn sơ khai. Home, một tổ chức xã hội hỗ trợ người di cư cho biết trong vòng 1 năm, họ nhận được khoảng 900 đơn khiếu nại từ những người giúp việc gia đình. Hầu hết chúng liên quan đến việc bị ép làm việc quá nhiều, bị lạm dụng thể chất và tinh thần, tiền lương không được đảm bảo và không được ăn uống đầy đủ.

Singapore hiện nay đã thay đổi một số điều luật, đưa ra mức phạt mới cao hơn dành cho các trường hợp liên quan đến người giúp việc bị ngược đãi, bạo hành. So với Singapore hay Malaysia, lao động giúp việc ở Hồng Kông được hưởng sự bảo vệ của pháp luật cao hơn, bao gồm mức lương tối thiểu và ngày nghỉ bắt buộc hàng tuần. Tuy nhiên hình phạt dành cho các chủ nhân lạm dụng, bạo hành người giúp việc vẫn còn quá nhẹ nhàng, không đủ tính răn đe.

Có thể nói rằng, vẫn có quá nhiều bất cập trong chính sách bảo vệ những người giúp việc xa xứ. Bất đồng ngôn ngữ, lối sống, sự chênh lệch địa vị, tiền bạc đã khiến những mảnh đời ô sin vẫn cắn răng chịu đựng sống trong địa ngục. Nếu như cả chủ nhân và người giúp việc không thay đổi tư tưởng lối mòn đã ăn sâu bám rễ vào trong con người họ thì rất khó có thể thay đổi được thực trạng đáng buồn về nghề giúp việc hiện nay ở một số nước châu Á.

Nguồn: Tổng hợp

https://afamily.vn/phan-doi-chua-chat-cua-nhung-o-sin-lam-viec-xa-xu-ngay-ngu-khong-qua-4-tieng-den-nha-ve-sinh-cung-khong-duoc-dung-20220213080941609.chn