Theo báo The Paper, sự việc xảy ra vào tháng 8/2022 tại một chi nhánh ngân hàng lớn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Bà Từ, một nữ khách hàng ngoài 50 tuổi, từng là cán bộ về hưu, đã đem theo 16 triệu tệ (khoảng 56 tỷ đồng) đến gửi tiết kiệm với kỳ vọng nhận lãi suất ổn định và an toàn.
Lúc đến ngân hàng, bà Từ được một nhân viên giao dịch đón tiếp niềm nở. Sau khi biết bà muốn gửi tiết kiệm dài hạn, nhân viên này nhanh chóng giới thiệu một “sản phẩm tài chính mới với lãi suất cao hơn gấp nhiều lần so với gửi tiết kiệm thông thường”. Theo lời kể của bà Từ, nhân viên khẳng định đây là “gói gửi tiết kiệm đặc biệt” mà ngân hàng phối hợp với đối tác triển khai, vừa an toàn vừa sinh lời nhanh.
Tin tưởng vào lời giải thích và cũng vì ngại thủ tục rườm rà, bà Từ nhanh chóng ký tên vào một xấp giấy tờ mà bà tưởng là hồ sơ gửi tiết kiệm. Sau đó, bà ra ngoài ăn trưa trong khoảng 30 phút, dự định quay lại lấy biên lai chính thức.
Nhưng khi quay trở lại ngân hàng, bà choáng váng khi được thông báo rằng toàn bộ số tiền 16 triệu tệ đã được chuyển sang một “sản phẩm quản lý tài sản rủi ro cao”, không thể rút ra trong vòng 5 năm và có khả năng bị mất vốn.
Ảnh minh hoạ
Sự thật phía sau gói tiết kiệm đặc biệt
Con gái bà Từ, sau khi nghe mẹ kể lại, đã lập tức yêu cầu ngân hàng cung cấp bản sao các giấy tờ đã ký. Và từ đây, gia đình phát hiện ra rằng thứ bà ký không phải là hợp đồng gửi tiết kiệm, mà là hợp đồng mua sản phẩm đầu tư tài chính không bảo đảm được phát hành bởi một công ty chứng khoán, do ngân hàng làm đại lý phân phối.
Trong điều khoản hợp đồng có ghi rõ: “Sản phẩm này không cam kết hoàn vốn, lợi suất biến động theo thị trường. Khách hàng xác nhận đã đọc kỹ nội dung, hiểu rõ rủi ro và tự nguyện đầu tư.” Kèm theo đó là chữ ký và dấu vân tay của bà Từ.
Gia đình ngay lập tức khiếu nại lên ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện phía ngân hàng khẳng định: “Nhân viên đã giải thích đầy đủ về sản phẩm. Khách hàng đồng ý và ký tên rõ ràng. Không có dấu hiệu cưỡng ép hay gian dối.”
Đưa nhau ra tòa
Không chấp nhận bị mất trắng số tiền lớn như vậy, bà Từ đã nộp đơn kiện ngân hàng ra tòa. Trong đơn kiện, bà khẳng định mình chỉ muốn gửi tiết kiệm và bị nhân viên ngân hàng dẫn dắt, lừa dối để ký vào một hợp đồng đầu tư rủi ro mà bà không hề hiểu rõ.
Phía ngân hàng vẫn giữ lập trường: hợp đồng hợp pháp, có đủ chữ ký và xác nhận. Nhân viên chỉ “giới thiệu sản phẩm”, còn quyết định đầu tư là của khách hàng.
Sau gần một năm xét xử và tranh tụng, tòa án nhân dân quận Kim Thủy, thành phố Trịnh Châu đã tuyên bà Từ phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, đồng thời bác bỏ yêu cầu bồi thường của bà.
Toà lập luận: “Bà Từ là người trưởng thành, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bà đã ký tên xác nhận đã hiểu nội dung hợp đồng. Ngân hàng không có nghĩa vụ phải đảm bảo khách hàng đọc từng dòng hợp đồng nếu khách hàng đã ký xác nhận.”
Phán quyết này khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Trên Weibo, nhiều cư dân mạng bức xúc:
- “Chẳng lẽ một người đi gửi tiết kiệm lại tự dưng đầu tư rủi ro mà không hiểu rõ gì?”
- “Ngân hàng thì tung chiêu bán hàng, còn người gửi tiền thì thành nạn nhân mà vẫn bị buộc tội!”
- “Nếu điều này được chấp nhận, ai dám đem tiền đi gửi ngân hàng nữa?”.
Ảnh minh hoạ
Luật sư Trương Kiến Hoa, chuyên về tranh chấp tài chính tại Bắc Kinh nhận định, dù tòa án căn cứ theo hợp đồng pháp lý, nhưng trường hợp này vẫn cho thấy lỗ hổng lớn trong cách ngân hàng tư vấn sản phẩm tài chính cho người dân.
“Ngân hàng lợi dụng sự tin tưởng của người cao tuổi và sự thiếu hiểu biết về tài chính để gợi ý những sản phẩm không phù hợp. Đây là điều cần bị lên án. Việc ký tên không phải là chứng cứ duy nhất xác nhận khách hàng hiểu rõ nội dung. Nếu ngân hàng không ghi âm, quay video tư vấn rõ ràng, họ không đủ căn cứ chứng minh khách hàng đã được giải thích.”
Luật sư cũng nhấn mạnh rằng theo Điều 147 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, giao dịch dân sự có thể bị tuyên vô hiệu nếu được thực hiện dựa trên sự hiểu lầm nghiêm trọng. Đồng thời, theo các quy định tài chính hiện hành, ngân hàng phải đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng trước khi giới thiệu sản phẩm đầu tư, đặc biệt với người trên 50 tuổi.
Bài học đắt giá: Không phải cứ gửi tiền là an toàn
Vụ việc của bà Từ là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho người dân, đặc biệt là những người trung niên, cao tuổi như bố mẹ, ông bà đang sở hữu khoản tiết kiệm lớn. Trong bối cảnh ngân hàng ngày càng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, khách hàng cần cẩn trọng hơn bao giờ hết.
Nếu bạn định gửi tiết kiệm, hãy nhớ những điều sau:
- Chỉ ký khi đã đọc rõ từng điều khoản, đặc biệt phần “sản phẩm tài chính” hay “đầu tư”.
- Yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích lại nếu có thuật ngữ khó hiểu.
- Mang theo người thân có kiến thức tài chính để cùng kiểm tra.
- Ghi âm buổi giao dịch nếu thấy có dấu hiệu mập mờ
- Không nên tin tuyệt đối vào lời “cam kết miệng” của nhân viên ngân hàng.
Theo The Paper