Người phụ nữ gửi tiết kiệm 200 tỷ, 30 phút sau số dư chỉ còn 0: Ngân hàng tuyên bố "Đó là lỗi của chị"

Nguyệt , Theo Đời sống & Pháp luật 19:24 27/04/2025
Chia sẻ

Người phụ nữ sốc vì tiền tích luỹ 20 năm cuộc đời mất trắng chỉ trong phút chốc.

Với niềm tin rằng gửi tiền ngân hàng là hình thức đầu tư an toàn nhất, một người phụ nữ tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời – hơn 58 triệu NDT (@~200 tỷ đồng) vào một ngân hàng địa phương. Nhưng chỉ 30 phút sau, tài khoản của chị trống rỗng. Khi tìm đến ngân hàng yêu cầu làm rõ, chị chỉ nhận được câu trả lời phũ phàng: "Đó là lỗi của chị, không phải lỗi của ngân hàng."

Cú sốc mất trắng 

Theo báo cáo từ Sina, chị Trần (tên nhân vật đã được thay đổi) là chủ một doanh nghiệp nhỏ, suốt hơn 20 năm làm ăn vất vả mới tích cóp được số tiền trên. Do đã ngoài 50 tuổi và không còn muốn lao vào các thương vụ kinh doanh rủi ro, chị quyết định gửi ngân hàng để hưởng lãi suất ổn định.

Trong quá trình tìm hiểu, một người bạn giới thiệu chị gặp một "giám đốc chi nhánh" của một ngân hàng lớn tại Thượng Hải. Người này cam kết sẽ giúp chị Trần gửi tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn thị trường khoảng 20%, kèm theo các quyền lợi đặc biệt như rút tiền linh hoạt, miễn phí nhiều dịch vụ.

Tin tưởng bạn bè và vẻ ngoài chuyên nghiệp của vị "giám đốc", chị Trần đồng ý thực hiện giao dịch tại chính chi nhánh ngân hàng đó. Dưới sự hướng dẫn của đối phương, chị đã chuyển toàn bộ 58 triệu NDT vào một tài khoản được cho là "tài khoản ưu đãi nội bộ", sau khi ký các giấy tờ và nhận được một cuốn sổ tiết kiệm trông rất hợp lệ.

Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau khi rời ngân hàng, khi chị Trần kiểm tra tài khoản qua ứng dụng di động, số dư hiển thị 0 NDT. Hoang mang, chị lập tức quay lại chi nhánh thì nhận được câu trả lời lạnh lùng: "Không có bất kỳ khoản tiền gửi nào mang tên chị."

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 200 tỷ, 30 phút sau số dư chỉ còn 0: Ngân hàng tuyên bố "Đó là lỗi của chị"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Quá trình điều tra cho thấy, người đàn ông xưng là "giám đốc chi nhánh" thực chất là một nhân viên hợp đồng đã bị sa thải cách đó vài tháng, nhưng vẫn mạo danh ngân hàng để lừa đảo. Các giấy tờ chị Trần ký cũng là giấy giả, và số tiền sau khi nộp đã được chuyển thẳng vào một tài khoản cá nhân khác, rồi nhanh chóng bị rút sạch.

Đáng chú ý, tất cả hành động lừa đảo này diễn ra ngay tại khu vực giao dịch của ngân hàng, khiến chị Trần và nhiều người khác dễ dàng tin tưởng. Bảo vệ và nhân viên ngân hàng đều không nhận ra có điểm bất thường, bởi đối tượng này trước đó từng là nhân viên nên khá quen mặt.

Khi bị bắt giữ, kẻ lừa đảo khai rằng do nợ nần chồng chất, hắn đã lên kế hoạch chi tiết để chiếm đoạt tài sản của những khách hàng nhẹ dạ.

Khi chị Trần yêu cầu ngân hàng bồi thường, phía ngân hàng kiên quyết từ chối với lý do:
"Chị đã giao tiền cho cá nhân, không phải cho ngân hàng. Giao dịch không được thực hiện qua hệ thống chính thức nên chúng tôi không chịu trách nhiệm."

Dù phản bác rằng giao dịch diễn ra ngay trong khuôn viên ngân hàng và người nhận tiền tự xưng là giám đốc chi nhánh, nhưng tòa án địa phương vẫn tuyên rằng "khách hàng phải chịu trách nhiệm xác minh danh tính nhân viên và tính hợp pháp của giao dịch."

Theo tài liệu toà án, vì khoản tiền đó chưa từng nhập vào hệ thống quản lý chính thức, nên ngân hàng không có nghĩa vụ pháp lý đối với mất mát của chị Trần.

Chị nghẹn ngào chia sẻ: "Chỉ trong 30 phút, toàn bộ thành quả 20 năm trời đổ mồ hôi nước mắt của tôi tan biến. Giá như tôi cảnh giác hơn, kiểm tra kỹ từng chi tiết, thì đã không rơi vào cảnh này."

Sự việc đã gây chấn động dư luận Trung Quốc, khiến nhiều người giật mình về mức độ dễ tổn thương khi giao dịch tài chính lớn.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 200 tỷ, 30 phút sau số dư chỉ còn 0: Ngân hàng tuyên bố "Đó là lỗi của chị"- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo:

- Khi giao dịch số tiền lớn, cần yêu cầu nhân viên ngân hàng cung cấp thẻ nhân viên, xác minh trực tiếp tại quầy chính thức.

- Chỉ thực hiện giao dịch tại khu vực giao dịch quy định, qua hệ thống ngân hàng.

- Kiểm tra tài khoản ngay sau giao dịch để đảm bảo tiền đã vào hệ thống ngân hàng.

- Không tin tưởng hoàn toàn vào bất kỳ ai tự xưng là nhân viên nếu không được xác nhận rõ ràng.

Một chuyên gia tài chính cũng nhận định: "Đối với số tiền lớn như vậy, việc thiếu quy trình kiểm tra chéo là cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, hậu quả có thể là mất trắng, như trường hợp chị Trần."

Ngoài ra, giới chuyên môn cũng kêu gọi các ngân hàng phải rà soát và siết chặt an ninh nội bộ, đảm bảo mỗi giao dịch đều minh bạch và có xác nhận nhiều lớp để bảo vệ khách hàng.

Không chỉ mất tiền, chị Trần còn phải đối mặt với áp lực tâm lý nặng nề: trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ kéo dài. "Tôi không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Bao nhiêu ước mơ về tuổi già an nhàn đều tan thành mây khói." – chị nghẹn ngào.

Câu chuyện đau lòng của chị Trần trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai vẫn cho rằng "đưa tiền vào ngân hàng là xong". Trong thế giới tài chính ngày càng phức tạp, sự cẩn trọng không bao giờ là thừa.

Theo Sina


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày