Người phụ nữ gửi tiết kiệm 18 tỷ đồng, một tuần sau quay lại thì tài khoản bằng 0, ngân hàng nói: “Đây không phải lỗi của chúng tôi”

Nguyệt , Theo Đời sống & Pháp luật 22:42 16/05/2025
Chia sẻ

Cuối cùng, số tiền tiết kiệm của người phụ nữ đã đi về đâu?

Vào cuối năm 2023, bà Dương - một phụ nữ ngoài 50 tuổi sống tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc bất ngờ trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng xã hội nước này sau khi công khai một vụ việc đầy uẩn khúc liên quan đến tiền tiết kiệm.

Sau khi bán mảnh đất tổ tiên để lại và thanh lý một căn nhà cũ, bà Dương thu về hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 17,9 tỷ đồng). Vì đây là khoản tiền dành để dưỡng già và chia cho các con sau này, bà quyết định gửi toàn bộ vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng tại một ngân hàng địa phương có tiếng, chi nhánh đường Trung Sơn.

Mọi thủ tục được thực hiện trực tiếp tại quầy. Bà Dương kể lại: “Tôi nhớ rõ nhân viên tên Tạ đã trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của tôi. Tôi còn cẩn thận hỏi đi hỏi lại mấy lần vì lo sợ gửi sai, anh ấy cam đoan tất cả đã lưu trên hệ thống.”

Sau khi gửi, bà Dương yên tâm trở về quê nghỉ ngơi. Thế nhưng 7 ngày sau, bà bất ngờ nhận được tin nhắn cảnh báo từ hệ thống ngân hàng, nội dung thông báo rằng: “Tài khoản của quý khách không còn duy trì số dư đủ để tính lãi”. Hoang mang, bà tức tốc quay lại ngân hàng kiểm tra. Kết quả khiến bà suýt ngất: Số dư tài khoản là 0.00 NDT.

Ngân hàng nói: “Sao bà không kiểm tra kỹ từ trước?”

Tại chi nhánh, bà Dương yêu cầu trích xuất toàn bộ lịch sử giao dịch. Nhân viên cho biết: Số tiền đã bị rút toàn bộ qua hình thức chuyển khoản nội bộ vào buổi tối cùng ngày bà gửi. Cụ thể, lúc 17h48 phút, ngay sau giờ giao dịch cuối ngày, một lệnh chuyển tiền trị giá 5 triệu NDT được thực hiện từ tài khoản của bà sang một tài khoản cá nhân mang tên lạ.

Khi bà Dương khẳng định mình không hề thực hiện giao dịch này, phía ngân hàng ban đầu lảng tránh, sau đó cho biết: “Tài khoản sử dụng đúng giấy tờ hợp lệ, giao dịch có dấu vân tay, có xác nhận từ người gửi. Nếu có gian lận, bà nên báo công an. Ngân hàng đã hoàn thành đúng quy trình và không có lỗi.”

Câu nói “Ngân hàng không chịu trách nhiệm” trở thành cú sốc thứ hai. Bà Dương lập tức trình báo công an và yêu cầu điều tra.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 18 tỷ đồng, một tuần sau quay lại thì tài khoản bằng 0, ngân hàng nói: “Đây không phải lỗi của chúng tôi”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sự thật được hé lộ

Chỉ sau 2 tuần điều tra, công an xác định nhân viên tên Tạ - người tiếp nhận hồ sơ gửi tiết kiệm là kẻ thao túng toàn bộ vụ việc. Lợi dụng sơ hở trong quản lý nội bộ và sự thiếu cảnh giác của khách hàng lớn tuổi, Tạ đã: Đánh tráo phần chứng từ gửi tiền bằng bản sao giả; lấy dấu vân tay khi bà Dương ký xác nhận rồi sử dụng cho giao dịch sau đó; dùng tài khoản “trung gian” để rút tiền rồi chuyển tiếp sang nhiều ví điện tử không xác định danh tính.

Tạ nhanh chóng bị bắt tạm giam, nhưng gần như toàn bộ số tiền đã bị tẩu tán, chỉ thu hồi được khoảng 400.000 NDT (gần 1,4 tỷ đồng). Đáng nói hơn, ngân hàng vẫn giữ quan điểm: “Đây là hành vi cá nhân, không đại diện cho tổ chức.”

Bà Dương bật khóc trong buổi đối chất: “Chẳng lẽ một người phụ nữ nông thôn như tôi đi gửi tiền lại phải thuê luật sư, học luật để bảo vệ mình? Tôi đặt niềm tin vào ngân hàng, không phải vào một con người cụ thể!”

Luật sư Tôn Hàm - chuyên gia pháp lý tài chính tại Bắc Kinh cho rằng, ngân hàng không thể phủi trách nhiệm, bởi theo quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ngân hàng có nghĩa vụ: bảo mật thông tin, quản lý tài khoản khách hàng và đảm bảo an toàn cho tài sản gửi vào.

Dù hành vi gian lận do cá nhân gây ra, nhưng xảy ra trong thời gian làm việc, tại trụ sở ngân hàng, với quy trình và công cụ do ngân hàng cung cấp, thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm dân sự và có nghĩa vụ bồi thường toàn phần cho khách hàng bị thiệt hại. “Nếu ngân hàng cứ nói ‘đó là lỗi cá nhân’ để thoát trách nhiệm, thì chẳng khác nào tạo điều kiện cho hành vi trục lợi xảy ra mỗi ngày", luật sư Tôn khẳng định.

Theo Zhihu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày