Vợ chồng Hà Nội không nợ - không vay - không trả góp

Vân Anh , Theo Phụ nữ số 19:19 16/05/2025
Chia sẻ

Cặp đôi đều đặn tiết kiệm được trung bình trên 25 triệu/tháng.

Lương 50 triệu, vợ chồng tháng nào cũng tiết kiệm một nửa

Kim Ngân (29 tuổi, nhân viên hành chính, TP. Hà Nội) và chồng - Đức Khải (30 tuổi, kỹ sư phần mềm) có mức lương dao động khoảng 50-55 triệu/tháng. Có những tháng, họ để dành được tới 30 triệu, và trung bình quỹ tiết kiệm không bao giờ dưới 25 triệu/tháng.

Ngân chia sẻ: “Vợ chồng mình thuê một căn chung cư mini gần công ty với giá 7 triệu/tháng. Tính ra, mỗi người đi làm chỉ mất 10-15 phút, không tốn xăng xe hay công sức chen chúc trong giờ cao điểm. Có người nói mình thuê chỗ rẻ hơn xa hơn, nhưng chúng mình chọn gần vì giá trị thời gian đôi khi còn quan trọng hơn cả vài trăm nghìn đồng tiết kiệm mỗi tháng”.

Vợ chồng Hà Nội không nợ - không vay - không trả góp- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tổng chi phí sinh hoạt của gia đình Ngân được phân bổ như sau:

- 7 triệu tiền thuê nhà.

- 2-3 triệu tiền điện nước, Internet, điện thoại.

- 6-7 triệu tiền thực phẩm, ăn uống tại nhà.

- 3 triệu chi phí phát sinh, hiếu hỉ, sửa xe, quần áo, thuốc men.

- 1 triệu để dành cho nhu cầu cá nhân.

Tổng chi tiêu của cặp đôi rơi vào 17-19 triệu/tháng, phần còn lại từ 25-30 triệu được đưa vào tiết kiệm hoặc đầu tư.

“Chúng mình không ăn uống sang chảnh, chỉ là nấu ăn ở nhà là chính, hạn chế ăn hàng quán. Quần áo thì mua đủ dùng, đồ bền dùng nhiều năm. Cái gì cũ mà còn dùng tốt thì không đổi. Đi du lịch cũng có, nhưng là du lịch kiểu tiết kiệm - săn vé máy bay giá rẻ, ở homestay bình dân, lên kế hoạch từ trước cả tháng”, Ngân nói.

Được biết, cứ đầu tháng, Ngân lại chia thu nhập của vợ chồng vào 3 tài khoản ngân hàng riêng biệt. Đó là tài khoản chi tiêu cố định (thuê nhà, điện nước, học phí của con), tàu khoản chi tiêu linh hoạt (thực phẩm, ăn uống, đi lại, mua sắm nhỏ) và tài khoản tiết kiệm (nhận lương xong là chuyển khoản vào luôn”.

“Chúng mình có thói quen ‘trả lương cho chính mình’ đầu tiên. Nghĩa là vừa nhận lương là chúng mình để dành 50-60% số còn lại mới dùng để chi tiêu. Cách này giúp mình không bị cảm giác ‘xài xả láng rồi mới tiết kiệm phần dư’ - vì như thế thì chẳng bao giờ có dư cả”.

Lời khuyên dành cho các cặp đôi trẻ

Để có tiết kiệm 50% thu nhập hàng tháng, vợ chồng Ngân đã duy trì 3 nguyên tắc suốt nhiều năm:

- Không nợ - không vay - không trả góp: “Chúng mình không mua điện thoại trả góp, không quẹt thẻ tín dụng, không vay để đi du lịch hay mua sắm đồ công nghệ. Cái gì mua được bằng tiền mặt thì mua, không thì thôi”, Ngân chia sẻ.

- Mỗi đồng chi ra đều có kế hoạch: “Đầu mỗi tháng mình ghi ra từng khoản cố định và linh hoạt. Nếu tháng nào có phát sinh lớn như đi đám cưới, mua đồ điện tử… thì tháng đó phải cắt giảm ở khoản khác cho cân đối", Ngân cho hay.

Vợ chồng Hà Nội không nợ - không vay - không trả góp- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

- Không ganh đua sống ảo: “Bạn bè có người mua nhà, đổi xe, du lịch châu Âu. Nhưng mình không bị ảnh hưởng. Mình nghĩ ai cũng có nhịp sống riêng. Mình chỉ cần ổn định tài chính theo cách của mình là đủ.”

Với những cặp đôi trẻ mới cưới, Ngân đưa ra lời khuyên: “Thứ nhất, đừng để đến khi cưới mới bàn chuyện tài chính. Mình và chồng thống nhất chia sẻ toàn bộ thu nhập từ trước khi cưới, và cả hai cùng có quyền góp ý cách tiêu xài. Khi có kế hoạch tài chính rõ ràng, vợ chồng sẽ ít cãi nhau hơn vì tiền.”

Thứ hai, đừng coi tiết kiệm là hình thức chịu đựng. Tụi mình vẫn sống đủ đầy, chỉ là không tiêu cho những thứ không cần thiết. Một ly trà sữa 60.000 đồng có thể đổi thành một bữa cơm nhà ấm cúng. Một chiếc áo 800.000 đồng không cần thiết bằng khoản đầu tư giúp mình kiếm thêm tiền.

Cuối cùng, hãy tiết kiệm không chỉ vì phải đề phòng rủi ro, mà còn vì tương lai tự do. Có tiền, bạn sẽ có quyền chọn cuộc sống mà bạn muốn, thay vì sống theo những gì hoàn cảnh buộc bạn phải làm.”

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày