Người phụ nữ gửi tiết kiệm 150 tỷ, đến hạn rút tiền thì ngân hàng thông báo: Cô phải đợi 50 năm nữa

Nguyệt , Theo Đời sống & Pháp luật 21:45 14/05/2025
Chia sẻ

Câu chuyện của cô Vương là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai có ý định gửi tiết kiệm nhưng không đọc kỹ hợp đồng.

Câu chuyện gây tranh cãi này xảy ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Nhân vật chính là cô Vương, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, có thói quen chi tiêu tiết kiệm, không đầu tư mạo hiểm, chỉ tích lũy tiền từ công việc buôn bán nhỏ lẻ.

Từ năm 2005 đến 2020, cô cùng chồng dành dụm được khoảng 42 triệu nhân dân tệ (hơn 150 tỷ đồng). Không muốn tiền “nằm yên” trong nhà, cũng không thích rủi ro từ cổ phiếu hay bất động sản, vợ chồng cô quyết định gửi toàn bộ số tiền này vào ngân hàng theo lời khuyên của một nhân viên tư vấn tài chính. Người này giới thiệu một sản phẩm tiết kiệm có lãi suất cao hơn thông thường, cam kết “an toàn tuyệt đối nếu giữ đến hạn”.

Đầu năm 2025, chồng cô Vương không may bị tai biến, cần một khoản tiền lớn để điều trị lâu dài. Cô tìm đến ngân hàng để rút tiền thì nhận được thông báo: Sản phẩm cô đã mua là tiết kiệm định kỳ dài hạn 50 năm, đến năm 2075 mới được rút toàn bộ gốc và lãi.

Cô Vương gần như chết lặng. “Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã ký vào một bản hợp đồng quá sức tưởng tượng. 50 năm nữa tôi đã hơn 100 tuổi, sống được đến lúc đó để rút tiền cũng khó”, cô nghẹn ngào chia sẻ.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 150 tỷ, đến hạn rút tiền thì ngân hàng thông báo: Cô phải đợi 50 năm nữa- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cô yêu cầu ngân hàng cho tất toán sớm để lo viện phí, nhưng điều khiến cô sụp đổ hơn là nếu rút trước hạn, cô chỉ nhận được khoảng 30% số tiền đã gửi do sản phẩm quy định mức phạt cao với khách hàng rút tiền sớm. Nghĩa là hơn 100 tỷ đồng giờ chỉ còn chưa đầy 50 tỷ.

Phía ngân hàng khẳng định hợp đồng hợp pháp, mọi điều khoản đều được ghi rõ, bao gồm thời hạn 50 năm, cơ chế rút trước hạn và cách tính giá trị hoàn lại. Họ cũng cung cấp bằng chứng rằng nhân viên từng gọi điện xác nhận điều khoản với cô Vương sau khi ký kết.

Tuy nhiên, cô Vương lại nói: “Họ chỉ nói miệng rằng đây là sản phẩm tiết kiệm linh hoạt, chỉ cần giữ vài năm là có thể rút được lời. Không ai nhấn mạnh nếu rút sớm sẽ bị mất gần hết tiền như vậy. Tôi không nghĩ việc gửi tiền vào ngân hàng lại phức tạp đến thế.”

Một chuyên gia tài chính tại Thượng Hải nhận định, những năm gần đây, ngân hàng và công ty bảo hiểm Trung Quốc phát triển nhiều sản phẩm có tên gọi hấp dẫn như “kế hoạch tài chính thế hệ”, “gói tiết kiệm trọn đời”, nhưng bản chất là khóa tiền của khách hàng trong thời gian rất dài. Lãi suất nhìn có vẻ cao, nhưng bù lại thời gian gửi lên tới hàng chục năm, và thường có điều kiện rất khắt khe nếu muốn rút sớm.

Vị này cũng chia sẻ: “Không ít người dân bị hấp dẫn bởi con số lãi suất mà quên đọc kỹ điều khoản về thời hạn. Khi rút sớm, tiền hoàn lại có thể thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Đặc biệt, với các sản phẩm dài hạn, nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng, người gửi có thể rơi vào khủng hoảng khi cần tiền gấp.”

Sau vụ việc, cô Vương gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng nhưng khả năng được giải quyết là rất thấp. Cô không có bằng chứng cho thấy bị tư vấn sai. Trong khi đó, hợp đồng đã được ký hợp lệ, và thời gian hiệu lực đã kéo dài gần 5 năm.

Hiện tại, cô phải vay mượn họ hàng, cầm cố tài sản để lo viện phí cho chồng. “Tôi không dám nghĩ đến cảnh mình 103 tuổi rồi còn đứng ở quầy ngân hàng chờ rút tiền. Tôi chỉ mong mọi người đừng giống như tôi, gửi tiền mà không hiểu rõ mình đang làm gì.”

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 150 tỷ, đến hạn rút tiền thì ngân hàng thông báo: Cô phải đợi 50 năm nữa- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bài học đắt giá từ câu chuyện của cô Vương

- Không phải mọi sản phẩm ngân hàng đều là tiết kiệm truyền thống

Ngày nay, nhiều sản phẩm ngân hàng hoặc kết hợp bảo hiểm được giới thiệu dưới dạng "tiết kiệm", nhưng thực chất là các gói đầu tư hoặc kế hoạch dài hạn, ràng buộc chặt chẽ về thời gian và điều kiện rút vốn. Việc rút tiền trước kỳ hạn thường bị phạt rất nặng, gây thiệt hại không nhỏ cho người gửi.

- Đọc kỹ hợp đồng và đừng ngại hỏi lại

Nếu thấy bất kỳ điều khoản nào chưa hiểu rõ, hãy yêu cầu giải thích bằng văn bản, giữ lại mọi tin nhắn, email hoặc ghi âm tư vấn. Không bao giờ nên ký vào hợp đồng nếu bạn chưa chắc chắn 100% về các điều khoản quan trọng như thời hạn, cách tính lãi, quy định rút sớm.

- Không “bỏ hết trứng vào một giỏ”

Kể cả bạn có 100 triệu hay 100 tỷ, hãy luôn phân bổ thành nhiều phần. Một phần gửi tiết kiệm ngắn hạn, phần khác có thể đầu tư dài hạn. Cần có khoản tiền mặt linh hoạt để đề phòng rủi ro bất ngờ như bệnh tật, tai nạn, thiên tai.

- Đừng để lãi suất làm mờ lý trí

Một số sản phẩm “mời gọi” với mức lãi suất cao hơn vài phần trăm, nhưng ẩn sau đó là rủi ro rất lớn về thời gian, tính thanh khoản và quyền lợi thực tế. So với rủi ro mất trắng hoặc bị phong tỏa vốn nhiều năm, mức lãi cao hơn không đáng để đánh đổi.

Theo Toutiao


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày