Người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng của mình cho người có quan hệ tình dục

An Quỳnh, Theo Công an nhân dân 20:41 28/09/2020

Sáng 28/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tóm tắt Tờ trình cho biết: Sau khi Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (sau đây viết tắt là Luật HIV 2006) được ban hành, công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được những kết quả tích cực: Tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm, số ca nhiễm phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay.

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, đến nay trên toàn quốc hiện có 212.000 người nhiễm HIV đang còn sống đã được phát hiện và 103.000 người nhiễm đã tử vong.

Người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng của mình cho người có quan hệ tình dục - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Hàng năm, gần 700.000 người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được xét nghiệm; 53.000 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế; gần 150.000 người nhiễm đang được điều trị bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, những kết quả nêu trên đã được quốc tế đánh giá cao, là thành công trong thực hiện Luật, song một số tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS cần phải được khắc phục kịp thời thì mới đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chẳng hạn, quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập; quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cần thiết để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về cong tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần được thực hiện để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và tình hình dịch tễ HIV/AIDS trong thời gian tới.

Người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng của mình cho người có quan hệ tình dục - Ảnh 2.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình tại phiên họp.

"Tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, nhóm vợ, bạn tình của người nhiễm HIV tăng nhanh, trong khi nhóm này khó nhận dạng, khó tiếp cận do kỳ thị. Do đó, cần thay đổi phương pháp tiếp cận bằng cách tìm theo dấu vết, mạng lưới của người nhiễm để tìm kiếm những người có nguy cơ cao nhất lây nhiễm HIV", ông Nguyễn Thanh Long lấy ví dụ.

Ngoài ra, việc điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con của những cặp vợ chồng nhiễm HIV đạt tỷ lệ thành công trong nhóm người được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con với 98% mang lại hiệu quả và niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình nên cần có chính sách phù hợp hơn để các đối tượng này tiếp cận dịch vụ điều trị...

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 3 điều, trong đó đáng chú ý là bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. "Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo đó, khoản 1 Điều 30 Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm; vợ, chồng và người chuẩn bị kết hôn của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Thảo luận tại phiên họp, có ý kiến đề nghị cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu quản lý nhà nước với quyền bảo mật thông tin của người nhiễm HIV và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế. Có ý kiến đại biểu băn khoăn về quy định phải đưa kết quả xét nghiệm HIV cho vợ, chồng hoặc người có quan hệ tình dục với người đó liệu có đi kèm chế tài bắt buộc hay không?

Dự thảo Luật cũng giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật; quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo yêu cầu chuyên môn...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày