Những ngày qua, lùm xùm về sạn trong sách giáo khoa lớp 1 vừa mới được đưa vào sử dụng trở nên nóng hơn bao giờ hết trong các diễn đàn dành cho phụ huynh. Không ít những lỗi sai, chi tiết chưa hợp lý đã được phát hiện và chỉ ra, Bộ GD&ĐT cũng đã vào cuộc để đơn vị biên tập và xuất bản chỉnh sửa lại nội dung sao cho phù hợp để nhanh chóng đưa vào giảng dạy.
Trẻ vào lớp 1, giai đoạn đi học đầu đời, ngoài học chữ, học viết, học tính toán thì nhà trường cũng có nhiệm vụ giáo dục các em kỹ năng sống cần thiết. Do đó những môn học như Đạo đức được cải cách sao cho phù hợp với thực tiễn hơn, giúp các bé không chỉ học mà còn được trải nghiệm các hoạt động. Tuy vậy, đứng về phía quan điểm của cha mẹ, chính vì sự bảo bọc quá kỹ lưỡng đến mức không cần thiết sẽ khiến những gì các em được học trở nên vô dụng.
Mới đây, trong một hội nhóm lớn tập hợp các phụ huynh có con học lớp 1, 1 bà mẹ đăng đàn lên phản ánh nội dung có trong sách giáo khoa Đạo đức 1 bộ Cánh Diều. Theo đó, trong một bài học, các bé được yêu cầu thực hành các việc làm chăm sóc cá nhân cơ bản nhưng vị phụ huynh cho rằng điều này quá nguy hiểm.
Nguyên văn lời bà mẹ này như sau: "Không biết các mẹ có suy nghĩ giống em không. Bé học lớp 1 mà trong quyển Đạo đức bộ Cánh Diều yêu cầu các con thực hành bấm móng tay. Em nghĩ quá nguy hiểm vì trẻ lớp 1 nhiều trẻ chưa thể tự bấm móng tay được. Em cảm thấy không ổn chút nào các mẹ ạ!"
Ngay lập tức, hàng loạt vị phụ huynh khác đã bình luận vào dòng trang thái trên. Hầu hết đều cho rằng bà mẹ này đã lo cho con đến mức phi lý. Vì đây là độ tuổi để các bé tự làm các công việc cá nhân như đánh răng, rửa mặt, chải tóc, đi giày, mặc quần áo và cả việc tự bấm móng tay. Những việc làm này hết sức cơ bản mà nhiều phụ huynh đã tập cho con ngay trước khi lên cấp tiểu học. Thậm chí, nhiều gia đình mong con tự lập hơn nên đã hướng dẫn con các công việc nhà đơn giản như rửa bát, nhặt rau,...
(Ảnh minh họa)
Chị N.T.M chia sẻ: "Chị ơi, bé đã 6 tuổi rồi, nếu không cho bé tự cắt móng tay được thì phải chờ đến lúc nào mới tập được? Em nghĩ đây là điều cơ bản, có sự hướng dẫn của người lớn thì chẳng gì nguy hiểm cả!"
Chị V.T.H đồng quan điểm: "Chắc chắn khi ra yêu cầu thì cô giáo cũng phải là người hướng dẫn chứ không để các bé tự làm được. Huống chi trước khi đến lớp, ba mẹ ở nhà chỉ thêm vài lần trước thì có việc gì khó, em nghĩ cái lo của chị như "lo bò trắng răng"!"
Chị H.T.M.H cho rằng: "Đây là lúc tốt nhất để mình dạy cho bé làm mấy việc cơ bản, nếu chị nuông chiều hay bảo bọc con quá thì không hay lắm. Như con nhộng không thoát ra kén thì sao thành bướm, con mà cứ dựa vào bố mẹ hoài thì sao trưởng thành!"
Việc nuông chiều và làm giúp con các công việc nhỏ có thể tạo nên tính cách ỷ lại vào người lớn nơi con trẻ. Điều này ảnh hưởng về lâu về dài có thể đánh mất đi bản năng tự lập trong con. Biết rằng, bộ sách vừa được phát hành có nhiều chi tiết chưa hợp lý nhưng không vì thế phụ huynh dựa vào đây để "vạch lá tìm sâu" và biến những điều có lý thành vô lý.