Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế

Hiếu Đan, Theo Pháp luật và Bạn đọc 10:08 24/10/2020

Thời gian gần đây, bộ sách Tiếng Việt 1 của Cánh Diều bị nhiều phụ huynh tập trung "soi" lỗi, tuy nhiên bên cạnh đó một bộ sách khác cũng đang bị chỉ ra nhiều sạn, vượt quá sức tiếp thu của học sinh lớp 1.

Hơn một tháng nhiều "lùm xùm", mới đây, những vấn đề xoay quanh bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đã tạm thời lắng xuống với quyết định chỉnh sửa các nội dung không phù hợp để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15/11. Đồng thời, sẽ lấy ý kiến góp ý rộng rãi trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Sau bộ Cánh Diều, mới đây, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam cũng bị nhận xét là khá nặng, nhiều bài đọc có nội dung thiếu thực tế, đặc biệt, bộ sách này còn bị nói vi phạm lỗi rất nặng là thiếu tôn trọng bản quyền tác giả.

Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế - Ảnh 1.

Sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Chương trình nặng, nhiều bài học có nội dung thiếu thực tế

Khi 5 bộ sách Tiếng Việt cùng bắt đầu triển khai dạy và học, nhiều giáo viên và phụ huynh đánh giá, nhịp độ sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khá nhanh, chỉ một tháng đầu, học sinh phải hoàn thành bảng chữ cái.

Một giáo viên cho rằng, bộ sách gần như thiết kế cho học sinh phải biết chữ trước, các em chưa biết chữ rất khó theo kịp chương trình. Nhiều bài học, học sinh phải học từ 3 đến 4 âm vần. Chẳng hạn ở bài 47 trang 106, có 4 âm là oc, ôc, uc, ưc; Bài 58 trang 128 ba âm là ach, êch, ich; Bài 76 trang 165, học sinh phải học 1 lúc 4 âm khó là oan, oăn, oát, oắt; Bài 77 trang 162, ba âm học cùng lúc là oai, uê, uy. Dưới mỗi bài học chữ hay vần mới, học sinh cũng phải đọc các câu khá dài.

Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế - Ảnh 2.

Nhiều bài học, học sinh phải học từ 3 đến 4 âm vần

Ngoài ra cũng trong sách này có nhiều bài tập yêu cầu trẻ em ghép chữ. Ví dụ bài 82 trang 176 yêu cầu trẻ tìm 1 lúc 5 từ cùng vần với số đã cho sẵn (ví dụ: Số Một-bột-hột-sốt-tốt), bài 81 trang 174 yêu cầu trẻ vừa ghép chữ để tìm tên con vật, vừa thêm dấu thanh. Những bài tập này được nhiều giáo viên đánh giá là không phù hợp, quá sức với học sinh lớp 1.

Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế - Ảnh 3.

Bài 81 trang 174 yêu cầu trẻ vừa ghép chữ để tìm tên con vật, vừa thêm dấu thanh

Một số nội dung cũng được đánh giá khó hiểu so với trình độ học sinh lớp 1. Chẳng hạn, bài đọc số 60 trang 132: "Hà rất thích con gà bà cho. Sáng sáng, Hà dậy sớm chờ gà gáy o o. Vậy mà mãi nó chẳng gáy. Một hôm, Hà tỉnh giấc nghe gà cục ta cục tác. Giờ Hà đã rõ vì sao con gà chẳng gáy". Nhiều phụ huynh nhận xét bài tập đọc này nếu không được giải thích kĩ thì học sinh lớp 1 sẽ không hiểu được cuối cùng vì sao con gà chẳng gáy. Văn bản này cũng bị đánh giá lặp từ quá nhiều.

Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế - Ảnh 4.

Bài tập đọc này nếu không được giải thích kĩ thì học sinh lớp 1 sẽ không hiểu được cuối cùng vì sao con gà chẳng gáy

Ngoài ra, trong cuốn sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam còn có chi tiết được cho là thiếu thực tế.

Bài tập đọc số 66, trang 145 viết: "Ông mặt trời nhô lên từ biển. Mặt biển nhuộm một màu xanh biếc". Nhiều phụ huynh cho rằng ông mặt trời nhô lên từ biển thì biển phải màu hồng chứ sao lại xanh biếc?

Sau Cánh Diều, thêm một bộ sách Tiếng Việt lớp 1 bị nhận xét không tôn trọng bản quyền, kiến thức khó và nhiều bài học có chi tiết sai thực tế - Ảnh 5.

Ông mặt trời nhô lên từ biển thì biển phải màu hồng chứ sao lại xanh biếc?

Sử dụng truyện ngụ ngôn nhưng không ghi tên tác giả hay nguồn gốc tác phẩm

Cũng như sách tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều, sách tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng sử dụng ngữ liệu là nhiều câu chuyện ngụ ngôn nước ngoài được phóng tác, phỏng theo. Tuy nhiên, nếu bộ Cánh Diều có ghi nguồn tham khảo thì trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống một số bài lại không thấy ghi tên tác giả hay nguồn gốc tác phẩm. Việc này có thể khiến dư luận hiểu lầm là các câu chuyện kể trên là của nhóm tác giả biên soạn.

Ngoài một số truyện chuyển thể thành bài tập đọc có ghi nguồn như "Voi, hổ và khỉ" bài 83 trang 178 thì khi các tác giả dựa vào nội dung câu chuyện để chuyển thể sang tranh vẽ và yêu cầu học sinh kể lại lại không hề ghi hay chú thích tên tác giả.

Một số bài có thể kể đến như "Chó sói và cừu non" (La Fontaine) ở trang 63; "Con quạ thông minh" trang 43, "Cô chủ không biết quý tình bạn" trang 53, "Hai người bạn và con gấu"; "Lửa, mưa và con hổ hung hăng" trang 143...

Truyện "Rùa và Thỏ" được các tác giả phóng tác lấy tiêu đề là "Thỏ và rùa" (trang 83) và cũng không ghi tác giả, hay nguồn gốc tác phẩm.

Yêu cầu rà soát tất cả 5 bộ sách

Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá "đạt" và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho hay sau sự việc của sách Cánh Diều, Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả rà soát tất cả 5 bộ sách để xem có vấn đề cần chỉnh sửa hay không, những lỗi lớn thì phải thay đổi, những lỗi nhỏ có thể điều chỉnh trong quá trình sử dụng.