Trong thời đại mà mạng xã hội là sân khấu cho mọi kiểu biểu đạt cảm xúc, không ít người đã vô tình, hoặc cố ý “bóc mẽ” EQ của mình qua những cú click share tưởng chừng vô hại. Và nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy người EQ thấp thường hay chia sẻ 5 kiểu bài đăng “linh tinh mà nói lên nhiều điều” dưới đây trên Facebook.
1. Bài người tốt thường khổ cú đánh vào lòng tự thương hại
“Người tốt thường bị lợi dụng”, “Tôi không thích đôi co, nên hay chịu thiệt”, “Đôi khi bạn tử tế với ai đó quá mức, họ sẽ nghĩ đó là điều hiển nhiên”... những câu nói mang màu sắc “trời ơi sao tôi khổ thế này” vẫn luôn là loại nội dung được share nhiều nhất ở những người có EQ thấp.
Vấn đề ở đây đương nhiên không nằm ở việc chia sẻ mà ở chỗ người EQ cao thường tự xử lý cảm xúc bên trong mình trước, chứ không trưng bày nó để mong nhận sự thương cảm. Họ biết khi nào là lúc cần nói, cần im lặng, và không biến Facebook thành nơi để than thân trách phận.
2. Bài ẩn ý mà ai cũng hiểu là đang nói ai
Không tag tên, không nhắc rõ, nhưng dòng trạng thái kiểu “Có những người sống hai mặt mà cứ nghĩ ai cũng ngu” hay “Bạn bè mà đâm sau lưng thì xin miễn” thường khiến người đọc chỉ có hai lựa chọn: hoặc lướt qua, hoặc… tự hỏi mình có làm gì phật lòng người này không.
Những bài viết “úp úp mở mở” này cho thấy một điều thay vì giao tiếp trực tiếp, người đó chọn cách thụ động, thiếu kiểm soát cảm xúc và thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Người EQ cao không dùng mạng xã hội để dằn mặt. Họ chọn đối thoại không phải đoạn status.
3. Bài nghĩ tích cực nhưng đọc xong thấy tiêu cực
“Đừng kỳ vọng ai cả, vì ai rồi cũng sẽ làm mình thất vọng”, “Cuộc sống mà, phải biết chấp nhận cô đơn”, “Tôi quen rồi, một mình cũng ổn”, nghe thì có vẻ trưởng thành, nhưng đọc kỹ lại thấy trầm cảm nhẹ.
Người EQ thấp hay nhầm lẫn giữa sự buông xuôi và lòng vị tha, giữa sự cô đơn với bản lĩnh độc lập. Và họ thường dùng những câu nói này để tạo vỏ bọc mạnh mẽ trong khi bên trong là sự hỗn độn chưa được xử lý. EQ cao không đồng nghĩa với luôn vui vẻ, nhưng là khả năng biến tổn thương thành trưởng thành, chứ không phải thành chiêu trò truyền thông cá nhân.
Trong thời đại mà mạng xã hội là sân khấu cho mọi kiểu biểu đạt cảm xúc, không ít người đã vô tình, hoặc cố ý “bóc mẽ” EQ của mình.
4. Bài chỉ trích thế hệ, quơ đũa cả nắm để thể hiện sự khác biệt
“Gen Z giờ sống ảo quá”, “Thế hệ trẻ không biết tôn trọng người lớn”, “Thời xưa chúng tôi đâu có thế này đâu”… những bài đăng này thường đến từ những người đang vật lộn để thích nghi với thay đổi.
Thay vì tìm hiểu lý do, họ phán xét.
Thay vì trò chuyện với thế hệ sau, họ share bài chỉ trích.
EQ thấp thường đi kèm với sự thiếu thấu cảm. Người EQ cao sẽ nhìn thấy sự đa dạng trong từng cá nhân, không đánh giá một thế hệ chỉ qua vài trend TikTok.
5. Bài chia sẻ để chứng minh bản thân tốt đẹp
“Câu chuyện cảm động về người mẹ nghèo…”, “Tôi vừa giúp một cụ già qua đường…”, “Ai giúp được bé này thì liên hệ tôi”... không phủ nhận có những chia sẻ tử tế thật sự. Nhưng khi tần suất xuất hiện quá nhiều, kèm theo lời lẽ đạo đức hóa, sáo rỗng, người đọc sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn chia sẻ vì lòng tốt thật, hay vì muốn được công nhận là người tốt?
Người EQ thấp không nhận ra ranh giới giữa việc lan tỏa điều tích cực và biến chính mình thành… nhân vật chính trong mọi câu chuyện. Người EQ cao biết làm điều tốt trong im lặng, biết dùng mạng xã hội để kết nối thay vì phô trương.
Tất nhiên, việc share những bài đăng như trên không đồng nghĩa 100% là bạn EQ thấp, vì ai rồi cũng có lúc yếu lòng, cần bày tỏ. Nhưng nếu đó là thói quen, là cách thể hiện cảm xúc duy nhất, và thiếu chọn lọc, thì đã đến lúc bạn nên dừng lại một chút, hỏi bản thân rằng: “Mình đang nói điều gì với thế giới qua những bài đăng này?”
Và đôi khi, EQ không nằm ở chỗ bạn viết gì mà là ở chỗ bạn chọn không viết gì cũng được. Vì người EQ cao, thường là người biết đâu là nơi để chia sẻ và đâu là lúc nên im lặng để tự chữa lành.
Tổng hợp