Nếu là fan dòng phim cung đấu của Trung Quốc, chắc hẳn bạn không lạ gì nữ diễn viên Đào Hân Nhiên. Cô nàng chính là người đảm nhận vai An Lăng Dung trong bộ phim đình đám Hậu cung Chân Hoàn truyện. Thời gian trước, nữ diễn viên bất ngờ leo top tìm kiếm mạng xã hội Trung Quốc, thu hút sự chú ý lớn. Nguyên nhân là từ một chia sẻ trong chương trình truyền hình, khi nữ diễn viên hồi tưởng về tuổi thơ chịu nhiều áp lực từ chính người mẹ làm giáo viên của mình.
Câu chuyện khiến cư dân mạng đặc biệt quan tâm, bởi không ít người thấy hình bóng tuổi thơ của mình trong đó, một thời lớn lên bằng những lời mắng mỏ và những cái roi, nhân danh tình yêu thương.
Vai An Lăng Dung đầy ấn tượng của Đào Hân Nhiên
Khi được hỏi: "Hồi nhỏ có hay bị đánh không?", Đào Hân Nhiên nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng. Dù đã bao năm trôi qua, nỗi đau ấy vẫn chưa thể nguôi ngoai. Cô kể rằng mình bị mẹ đánh khá nhiều lần, nhưng hai lần khiến cô nhớ mãi.
Một là khi cô thi được 98 điểm, và hai là khi cô đứng thứ tư trong lớp, tức là rớt khỏi top 3. Cả hai lần đều bị mẹ đánh vì "không đủ tốt".
Điều khiến công chúng sốc hơn cả là lời giải thích từ chính mẹ của cô: "Lần thi 98 điểm ấy mẹ đánh con là vì mẹ nghĩ, nếu con chưa nắm chắc kiến thức, mẹ có thể dạy lại. Nhưng nếu là vì con bất cẩn thì không thể chấp nhận được, cần phải cho con một bài học để nhớ".
Không chỉ vậy, bà mẹ còn thẳng thắn thừa nhận lý do đằng sau sự nghiêm khắc: "Vì mẹ là giáo viên, con là con của giáo viên thì phải luôn đứng trong top đầu. Nếu con thua bạn bè, mẹ cảm thấy mất mặt".
An Lăng Dung khóc khi nhớ về thời thơ ấu
Những chia sẻ này khiến khán giả dần hiểu vì sao Đào Hân Nhiên lại thể hiện xuất sắc vai An Lăng Dung trong "Hậu cung Chân Hoàn truyện", một nhân vật nhạy cảm, tự ti, sống trong căng thẳng và luôn sợ mình không đủ tốt.
Nhiều người cảm thán: "Thảo nào cô ấy diễn vai đó hay đến vậy". Bởi có lẽ, chính những tổn thương trong tuổi thơ đã khắc sâu trong cảm xúc và tâm lý cô.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận rằng: việc bà mẹ có thể công khai thừa nhận sai lầm và thẳng thắn phản tỉnh trong chương trình là điều đáng quý, vượt lên nhiều bậc cha mẹ khác vẫn còn phủ nhận hoặc tránh né.
Thực tế, không chỉ riêng mẹ của Đào Hân Nhiên, mà rất nhiều bậc phụ huynh, kể cả các ngôi sao từng công khai thừa nhận việc dùng bạo lực để ép con "thành người". Người ta thường nói: "Yêu cho roi cho vọt", nhưng ranh giới giữa yêu thương và kỳ vọng vì cái tôi cá nhân đôi khi rất mong manh.
Trong xã hội đầy cạnh tranh, không ít phụ huynh xem thành tích học tập của con như một tấm danh thiếp thể hiện năng lực nuôi dạy của mình. Khi con giỏi, họ cảm thấy tự hào, thỏa mãn, thậm chí có cảm giác được xã hội công nhận. Và khi con thua kém, họ dễ rơi vào mặc cảm và thất vọng, từ đó gây áp lực lên đứa trẻ.
Sự kỳ vọng thái quá ấy không chỉ tạo ra gánh nặng tâm lý cho trẻ mà còn bóp nghẹt sự phát triển tự nhiên của chúng. Trẻ có thể cảm thấy mình không bao giờ đủ tốt, luôn phải "đạt chuẩn" mới được yêu thương. Điều này dẫn đến căng thẳng, tự ti, thậm chí là rối loạn tâm lý nếu kéo dài.
Không dừng lại ở đó, nhiều cha mẹ còn dốc toàn lực cho con học thêm, học nâng cao, tham gia lớp năng khiếu… khiến cả nhà đều mệt mỏi. Nhưng điều con cần nhất đôi khi không phải là thêm một buổi học, mà là một lời động viên và cái ôm không điều kiện.
Không phải đứa trẻ nào cũng sinh ra để tỏa sáng theo cùng một cách. Có em học giỏi, có em khéo tay, có em sống nội tâm, có em thích thể thao, nghệ thuật… Điều cha mẹ nên làm là phát hiện và tôn trọng cá tính riêng ấy, thay vì cố ép con thành một "phiên bản thành công" theo tiêu chuẩn của xã hội hay danh tiếng của chính mình.
Dạy con thành công không phải là để cha mẹ "nở mày nở mặt", mà là để con được sống đúng với chính mình, tự tin, bình an và hạnh phúc.