Trong lòng luôn nghĩ đến người khác, dù bạn không khéo léo, cũng sẽ có được thiện cảm và nhân duyên tốt. Khi giao tiếp với người khác, luôn có những người khiến bạn cảm thấy thật dễ chịu. Nhưng cũng luôn có những người khiến bạn cảm thấy áp lực, không kìm được mà nhíu mày, chỉ muốn lùi lại ba bước.
Dưới đây là 7 hành vi EQ thấp trong giao tiếp, nhất định phải thay đổi.
1. Thích hơn thua
Thái Khang Vĩnh từng kể một câu chuyện trong cuốn “Nghệ thuật ăn nói” của ông:
Có một công ty tuyển được một sinh viên ưu tú, tốt nghiệp trường danh tiếng. Anh ta kiến thức uyên thâm, tài ăn nói hơn người, mỗi lần họp đều thao thao bất tuyệt, rất được sếp trọng dụng.
Nhưng quan hệ của anh ấy với đồng nghiệp lại cực kỳ tệ. Khi cần phối hợp giữa các bộ phận, nhiều đồng nghiệp thường không muốn hợp tác. Ngay trong phòng ban cũng không ai muốn làm việc chung với anh.
Không phải vì anh ấy năng lực kém, mà bởi vì miệng lưỡi quá sắc bén, luôn thích đè bẹp, hơn thua với người khác bằng lời nói.
Chỉ cần ai đưa ra ý kiến, anh ấy đều có thể phản bác đến mức đối phương không muốn nói thêm điều gì nữa.
Có kiểu người như vậy, khi giao tiếp không phải để hiểu nhau hơn, mà là để thắng thua, như thể đang tranh biện. Họ chỉ quan tâm mình có thắng không, chứ không để tâm liệu lời nói của mình có khiến người khác mất mặt, khó chịu hay không. Lâu dần, chính họ tự mất lòng người khác.
Người ta có câu: “Muốn có thêm kẻ thù thì hãy thể hiện sự ưu việt của mình hơn bạn bè, muốn có bạn bè thì hãy để họ vượt trội hơn bạn”.
Người thắng trong cuộc tranh luận, thường là người thua trong các mối quan hệ.
Ảnh minh hoạ.
2. Khoe của cải
Hành vi khoe mẽ cũng giống như thứ ánh sáng chói lóa. Chiếu sáng chính mình, nhưng có thể làm tổn thương người khác.
Trong giao tiếp, có mà không khoe mới là đỉnh cao của sự tinh tế. Giàu mà không phô trương, mới là cách ứng xử khôn ngoan nhất.
Giữa người với người, điều cần nhất là biết thu lại sự hơn thua, giấu đi ánh hào quang của bản thân.
Khi người khác đang ở trong bóng tối, đừng tỏa sáng quá mạnh mà khiến họ thêm đau lòng.
Chỉ khi đôi bên đều toả sáng, ánh sáng mới thực sự làm ấm lòng nhau.
3. Thích rao giảng đạo lý
Bạn có từng gặp kiểu người như thế này chưa? Họ thường xuyên nói những câu như thế này: “Nghe tôi là chuẩn khỏi chỉnh”, “Tôi nói vậy là vì muốn tốt cho cậu”, “Đợi đến tuổi tôi rồi, cậu sẽ hiểu.”
Họ thích đóng vai người từng trải, từ trên cao nhìn xuống, chỉ dẫn người khác phải sống như thế nào.
Những người này thường mang trong mình cái tư duy “tôi biết nhiều hơn cậu”, tự cho mình là có nhiều kinh nghiệm hơn để khuyên người khác, khiến người khác vừa ngán vừa khó chịu.
Ai cũng là người trưởng thành, không ai muốn liên tục nghe những lời rao giảng vô lý.
Muốn giữ được mối quan hệ, hãy thu lại mong muốn thích nói lời rao giảng dạy đời người khác, kẻo cuối cùng chỉ làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ.
Ảnh minh hoạ.
4. Thích xen vào chuyện đời tư của người khác
Nhiều người trẻ ngày này ngày càng xa cách với họ hàng thân thích. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không tình cảm, mà bởi vì họ không muốn bị soi mói đời tư dưới cái mác “quan tâm”.
Hãy thử tưởng tượng: Bạn háo hức trở về quê ăn Tết sau nhiều giờ chen chúc trên tàu. Vừa mới đặt lưng xuống ghế chưa ấm, hàng xóm đã xông vào “thăm hỏi”: “Con gái à, có người yêu chưa? Dì giới thiệu cho một mối nhé!”. Trong bữa cơm đoàn viên, đang ăn ngon lành thì bác họ ghé sát tai hỏi nhỏ: “Năm nay tăng lương chưa?”.
Ai cũng có không gian riêng không muốn bị động đến, càng không muốn bị phơi bày.
Không ai thích bị người khác bàn tán về chuyện yêu đương riêng tư. Cũng không ai thích bị nhắc đi nhắc lại về những chuyện cá nhân họ không muốn nhắc đến.
Điều gì người ta muốn kể, họ sẽ tự nói. Còn nếu họ đã không muốn chia sẻ, thì bạn cứ khăng khăng gặng hỏi đến cùng, chỉ khiến người khác cảm thấy khó chịu.
5. Không kiểm soát tốt cảm xúc, dễ nổi nóng
Nhiều người không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, hễ không hài lòng là nổi nóng, ăn vạ, thậm chí làm ầm ĩ như một đứa trẻ bị tước mất món đồ chơi. Họ đòi hỏi người khác phải xoay quanh mình. Điều này sẽ khiến hững người xung quanh bị kéo vào vai lúc nào cũng cần nhường nhịn, chịu đựng, lúc nào cũng phải điều chỉnh bản thân để “chiều lòng” họ.
Ảnh minh hoạ.
6. Than vãn, trách móc trở thành thói quen
“Vì sao tôi lại khổ thế này?”; “Anh ta sao lại có thể làm vậy với tôi?”; “Nếu lúc đó tôi… thì đã khác rồi…”; “Chuyện này sao có thể đổ hết cho tôi được?”..., đây có phải những câu nói gần giống với những gì bạn thường nghe từ người hay than vãn?
Lúc đầu nghe, người khác có thể thấy thương cảm mà đứng về phía bạn. Lần thứ hai, có thể sẽ cố an ủi bạn vài câu. Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, rồi lặp lại mãi, tai người nghe cũng “chai lì”, thậm chí bắt đầu thấy phiền.
Trong cuộc sống, khó khăn là điều thường thấy.Thỉnh thoảng tâm sự với người thân, bạn bè để xả stress là hoàn toàn bình thường.
Nhưng nếu thấy ai cũng than, gặp ai cũng kể khổ, thì đó không còn là giải tỏa mà đã là thói quen than vãn, là vòng xoáy cảm xúc tiêu cực không lối thoát.
Ai cũng có những gánh nặng riêng cần tự mình tiêu hóa. Người khác chịu khó ngồi nghe bạn trút bầu tâm sự, đó đã là một sự bao dung.
7. Thích xài chùa
Một người từng kể lại một câu chuyện của mình. Người giúp việc trong nhà ông thường xuyên lén lấy đồ dùng. Nhưng bà ấy không lấy những thứ có giá trị, chỉ là một củ tỏi, vài lát gừng, nửa lọ lạc rang.
Thông thường, khi phát hiện người giúp việc ăn cắp, ai cũng sẽ cho nghỉ việc ngay. Nhưng ông không làm vậy. Ông nhẹ nhàng nói với bà: “Nếu cô cần gì, có thể lấy, nhưng làm ơn nói với tôi một tiếng.”
Thế nhưng, bà vẫn không thay đổi. Cuối cùng, ông đành phải cho bà nghỉ việc.
Thật ra, xung quanh chúng ta ít nhiều đều có những người thích “xài chùa” như vậy. Nhờ bạn cùng phòng mua cơm hộ nhưng chẳng bao giờ trả tiền, đi mua đồ được thối nhầm tiền thì lặng lẽ bỏ túi, tiết kiệm thì suốt ngày nhờ bạn bè dịch miễn phí, chỉnh ảnh không công, khuân vác hộ mà chẳng bao giờ nói lời cảm ơn...
Nếu cứ làm như vậy, sớm muộn gì người khác cũng mất lòng tin với bạn.
Trong giao tiếp, điều quan trọng là phẩm cách, đạo đức, trí tuệ, sự chân thành, cách sống có tâm, biết nghĩ cho người khác, có lòng vị tha.
Một người luôn nghĩ đến người khác, cho dù họ không khéo léo, không giỏi xã giao, vẫn sẽ nhận được sự yêu quý từ những người xung quanh.
Theo Aboluowang