Vừa qua, Google đã có một động thái mạnh tay, gỡ bỏ hơn 350 ứng dụng khỏi cửa hàng Play Store sau khi báo cáo từ nhóm nghiên cứu bảo mật Satori (thuộc Human Security) bóc trần một chiến dịch gian lận mang tên 'IconAds'. Thủ đoạn của chúng không mới nhưng vô cùng hiệu quả: sao chép các ứng dụng hợp pháp, sau đó đóng gói lại với những biểu tượng và tên gọi gây hiểu lầm để lừa người dùng cài đặt.
Một khi đã xâm nhập thành công, chúng sẽ âm thầm chạy ngầm, liên tục tạo ra hàng tỷ lượt yêu cầu quảng cáo ảo mỗi ngày. Bạn không hề nhìn thấy các quảng cáo này, nhưng chúng vẫn đang bào mòn tài nguyên hệ thống, chiếm dụng CPU, làm nóng máy và tiêu hao pin của bạn để mang lại lợi nhuận bất chính cho kẻ xấu.
Ảnh minh họa
Điểm nguy hiểm nhất nằm ở chỗ, khi Google gỡ một ứng dụng khỏi Play Store, hành động này chỉ ngăn người dùng mới tải về, chứ hoàn toàn không có khả năng tự động xóa chúng khỏi các thiết bị đã bị lây nhiễm. Chính lỗ hổng này đã đặt trách nhiệm bảo vệ thiết bị vào tay của chính người dùng.
Vì vậy, việc đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần làm là một cuộc "tổng rà soát" để xác định những vị khách không mời này. Hãy truy cập vào Cài đặt > Ứng dụng > Quản lý ứng dụng (hoặc Danh sách ứng dụng), đây là nơi liệt kê toàn bộ phần mềm đang tồn tại trên máy bạn. Trong quá trình rà soát này, hãy trở thành một thám tử và đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu đáng ngờ như ứng dụng không có biểu tượng, có tên gọi chung chung mà bạn không nhớ đã cài, hoặc những biểu tượng giả mạo các phần mềm hệ thống quen thuộc.
Khi đã xác định được ứng dụng khả nghi, đừng chần chừ mà hãy nhấn "Gỡ cài đặt" ngay lập tức. Để chắc chắn hơn, bạn có thể đối chiếu danh sách ứng dụng trên máy mình với "danh sách đen" do các chuyên gia bảo mật công bố tại hai địa chỉ http://tinyurl.com/appdochai1 và https://tinyurl.com/appdochai2.
Ảnh minh họa
Sau khi đã "dọn dẹp" xong thiết bị, việc xây dựng những thói quen an toàn là vô cùng cần thiết để tránh lặp lại tình huống tương tự. Hãy đảm bảo tính năng Google Play Protect luôn được bật, thường xuyên cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng để vá lại những lỗ hổng bảo mật. Quan trọng hơn cả, hãy tập thói quen kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về nhà phát triển, đọc các bài đánh giá và xem xét số lượt tải trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, dù nó có vẻ hữu ích đến đâu.