Người đàn ông phát hiện thẻ bị rút mất 140 triệu ở ATM một tỉnh khác, không một thông báo, ngân hàng từ chối bồi thường: Phán quyết của toà thay đổi sau 2 lần xét xử

Thanh Anh, Theo markettimes.vn 10:10 02/02/2025
Chia sẻ

Ngân hàng từ chối bồi thường vì cho rằng, sau khi tiền bị rút đi, 12 giờ sau khách hàng mới đến báo cáo vụ việc, khẳng định rằng khách hàng đã rút tiền ở tỉnh khác rồi mới quay lại địa phương báo cảnh sát.

Một người người đàn ông tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã bị đánh cắp tiền từ thẻ ngân hàng ở tỉnh Sơn Đông, trong khi điện thoại không nhận được bất kỳ thông báo tin nhắn biến động số dư nào. Người đàn ông đã đến ngân hàng để yêu cầu giải thích, nhưng ngân hàng lại nói rằng: Sau khi tiền bị rút đi, đã qua 12 giờ trước khi họ báo cáo vụ việc, rõ ràng là vợ chồng anh đã rút tiền ở Sơn Đông rồi mới quay lại Thượng Hải để báo cảnh sát. Người đàn ông tức giận và kiện ra tòa. Vụ án đã trải qua hai lần xét xử và kết quả hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như sau:

Ông Mã và vợ mình có một cửa hàng và làm ăn khá ổn định. Một buổi chiều, bạn của ông Mã hỏi mượn tiền và ông đã đồng ý. Ông định đến ngân hàng để rút tiền nhưng vì là cuối tuần ngân hàng rất đông khách, ông Mã đã đi thẳng đến máy ATM, nhưng ông không ngờ rằng máy ATM cũng phải xếp hàng.

Cuối cùng, khi đến lượt mình, ông vào máy và thực hiện chuyển khoản. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là máy ATM liên tục thông báo rằng số dư tài khoản không đủ, chỉ có 100 Nhân dân tệ (khoảng 350.000 VNĐ). Ông Mã nhớ rất rõ rằng ba ngày trước đã kiểm tra số dư và có hơn 40.000 Nhân dân tệ (khoảng 140 triệu VNĐ). Sao lại chỉ còn 100 Nhân dân tệ?

Người đàn ông phát hiện thẻ bị rút mất 140 triệu ở ATM một tỉnh khác, không một thông báo, ngân hàng từ chối bồi thường: Phán quyết của toà thay đổi sau 2 lần xét xử- Ảnh 1.

Ông Mã đổi sang máy ATM khác, nhưng kết quả vẫn như vậy. Ông nghĩ có thể vợ mình đã rút tiền, nên ra ngoài gọi điện cho vợ. Tuy nhiên, câu trả lời của vợ khiến ông vô cùng ngạc nhiên. Vợ ông nói rằng không rút tiền và cũng không nhận được tin nhắn thông báo rút tiền từ ngân hàng.

Ông Mã lo lắng, nếu vợ không rút tiền, ông cũng không rút, vậy số tiền 40.000 nhân dân tệ đã đi đâu? Ông không dám chần chừ, lập tức báo cảnh sát.

Sau đó, ông đến ngân hàng yêu cầu in sao kê giao dịch. Sao kê cho thấy thẻ của ông đã bị rút tiền từ một máy ATM ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vào lúc hơn 3 giờ sáng, và số tiền bị rút được chia thành 9 lần.

Thẻ ngân hàng vẫn nằm trong tay ông Mã, và nếu xảy ra việc này, chắc chắn có sự cố lừa đảo bằng thẻ giả. Vì vậy, ông yêu cầu ngân hàng phải giải thích. Lý giải của ngân hàng khiến ông vô cùng ngạc nhiên: “Là các vị tự rút tiền ở Sơn Đông, sao giờ lại đến đây yêu cầu chúng tôi bồi thường?"

Ông Mã tức giận nói: "Nếu tôi rút tiền, sao tôi còn đến ngân hàng yêu cầu bồi thường? Nếu là tôi rút tiền, thì tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự sao?". Sau đó, ông Mã nhiều lần yêu cầu ngân hàng giải thích nhưng không có kết quả, ông quyết định kiện ra tòa.

Ông Mã cho rằng ngân hàng phát hành thẻ cho họ phải đảm bảo thẻ không thể sao chép và có tính duy nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thẻ của ông đã bị rút tiền từ một máy ATM ở tỉnh khác. Ngân hàng, với tư cách là ngân hàng phát hành thẻ, đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho tiền của khách hàng. Do đó, ngân hàng phải bồi thường cho ông mọi thiệt hại.

Ngân hàng thì cho rằng tiền đã bị rút vào lúc hơn 3 giờ sáng ở Sơn Đông, trong khi vợ chồng ông Mã báo án vào khoảng 3 giờ chiều cùng ngày ở Thượng Hải. Khoảng thời gian giữa lúc tiền bị rút và khi họ báo án là 12 giờ, vợ chồng ông Mã hoàn toàn có thể đã rút tiền ở Sơn Đông và rồi quay lại Thượng Hải báo án.

Tòa án xét xử lần đầu nhận định rằng: Vợ chồng ông Mã không thể chứng minh rằng khi tiền bị rút ở Sơn Đông, thẻ của họ vẫn ở trong tay họ. Vì vậy, họ phải chịu hậu quả của việc không cung cấp được chứng cứ. Với kết luận này, tòa án sơ thẩm bác bỏ yêu cầu của vợ chồng ông Mã.

Vợ chồng ông Mã rất tức giận, rõ ràng tiền của họ bị mất, nhưng ngân hàng lại nói những lời phỉ báng họ, họ nhất định phải đòi lại công lý. Không chỉ vì tiền, mà còn vì danh dự và phẩm giá.

Vì vậy, họ đã kháng cáo. Ông Mã và vợ nói: Thứ nhất, nếu ngân hàng nói rằng vợ chồng họ đã rút tiền ở Sơn Đông và sau đó quay lại Thượng Hải báo án, thì ngân hàng phải cung cấp video từ máy ATM, việc đúng sai sẽ rõ ràng ngay khi xem video. Thứ hai, nếu họ ở Thượng Hải nhưng tiền lại bị rút ở Sơn Đông thông qua thẻ ngân hàng, điều này chứng tỏ có sự lừa đảo bằng thẻ giả. Lừa đảo thẻ giả là trách nhiệm của ngân hàng.

Theo Điều 6 của Luật Ngân hàng Thương mại, ngân hàng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, không để bị xâm phạm bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Khi họ gửi tiền vào ngân hàng, họ đã thiết lập mối quan hệ hợp đồng với ngân hàng. Ngân hàng phải bảo vệ tài sản của họ không bị xâm phạm.Tuy nhiên, ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, do đó ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Song ngân hàng vẫn từ chối yêu cầu của họ. Ngân hàng nói: "Chúng tôi không biết máy ATM ở đâu, không thể kiểm tra, nên không thể cung cấp video cho các vị”. Ông Mã và vợ phải cung cấp bằng chứng về việc họ không có mặt tại hiện trường khi tiền bị rút. Nếu không, họ không thể tránh khỏi nghi ngờ rằng họ đã rút tiền ở Sơn Đông và rồi quay lại Thượng Hải báo án.

Ông Mã phản bác: "Ngân hàng bảo chúng tôi tự rút tiền ở Sơn Đông rồi quay lại báo án, vậy ngân hàng hãy cung cấp video từ máy ATM, sự thật sẽ rõ ràng ngay khi xem video."

Sau khi xét xử, tòa án nhận định: Thứ nhất, ngân hàng kiểm soát máy ATM và tự lắp đặt camera, hệ thống ngân hàng sẽ hiển thị rõ địa điểm nơi thẻ được quẹt. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm cung cấp chứng cứ này, nếu có lý do khách quan thì tính sau. Thứ hai, việc ngân hàng nói vợ chồng ông Mã rút tiền ở Sơn Đông rồi quay lại Thượng Hải báo án chỉ là phỏng đoán của họ, không có chứng cứ thực tế. Dù họ từ Sơn Đông về Thượng Hải bằng phương tiện gì, mọi nơi họ đi đều có dấu vết. Pháp luật yêu cầu chứng cứ, không phải suy đoán cá nhân. 

Điều 90 của Luật Tố tụng Dân sự quy định rõ: Các bên liên quan trong vụ án phải cung cấp chứng cứ để chứng minh các sự kiện mà mình đưa ra yêu cầu hoặc phản bác yêu cầu của đối phương.

Trong vụ án này, ông Mã và vợ đã cung cấp chứng cứ chứng minh rằng thẻ của họ bị rút tiền bằng thẻ giả. Họ đã hoàn thành nghĩa vụ chứng minh. Ngân hàng không cung cấp được chứng cứ hợp lý để bác bỏ chứng cứ của vợ chồng ông Mã.

Theo quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao về các vấn đề liên quan đến tranh chấp thẻ ngân hàng, khi xảy ra giao dịch lừa đảo bằng thẻ giả hoặc lừa đảo qua mạng, chủ thẻ có quyền yêu cầu ngân hàng phát hành thẻ trả lại tiền bị mất và bồi thường thiệt hại.

Cuối cùng, Toà án đã hủy bỏ phán quyết sơ thẩm. Đồng thời, ngân hàng phải trả cho nguyên đơn số tiền 45.057 nhân dân tệ trong vòng 10 ngày kể từ khi phán quyết có hiệu lực.

Theo Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày