Sáng 02/10, người dân trên phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai chứng kiến vụ việc người đàn ông điều khiển xe máy chở hoa quả, bất ngờ ngã xuống đường rồi tử vong sau đó.
Lãnh đạo Công an phường Tân Mai cho biết, vụ việc đã được Đội điều tra tổng hợp Công an quận Hoàng Mai tiếp nhận và đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, tuy nhiên bước đầu cho biết, nạn nhân đột quỵ và tự ngã.
Điều này đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng vì đột quỵ ngày càng xảy ra phổ biến với bất kỳ đối tượng ở độ tuổi nào và ở bất cứ đâu. Vậy, đâu là cách xử trí đúng khi có người bị đột quỵ?
Đột quỵ là gì?
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đi đáng kể. Hậu quả là các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn bị chết dần, dẫn đến mất chức năng thần kinh, biểu hiện bằng dấu hiệu như nói ngọng, méo miệng, liệt tay chân cùng bên….
Khi tắc nghẽn mạch máu lớn, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn, có thể dẫn đến hiện tượng phù não, gây ảnh hường đến ý thức như chậm chạp, hôn mê. Nặng hơn, gây thoát vị não, chèn ép vùng thân não, gây rối loạn hô hấp, tim mạch và có thể gây tử vong.
Có hai loại đột quỵ chính:
- Đột quỵ thiếu máu não
Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có sự xuất hiện của một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu đến não.
- Đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu chảy vào mô não và gây tổn thương các tế bào não. Nguyên nhân đột quỵ xuất huyết não chủ yếu là do tăng huyết áp và phình động mạch. Có hai loại đột quỵ xuất huyết não chính là: Xuất huyết trong não và xuất huyết dưới màng nhện.
Đột quỵ thường bắt đầu bằng triệu chứng FAST: Yếu nửa người, méo miệng, nói ngọng và thường không gây tử vong ngay trong những giờ đầu tiên. Tuy nhiên, thời gian vàng của não là trong khoảng 4,5 đến 6 giờ đầu tiên tính từ khi bắt đầu có triệu chứng, cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để được làm can thiệp như tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối trong đột quỵ thiếu máu não…
Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Đột quỵ là hậu quả của các nguyên nhân khiến dòng máu lưu thông đến não bị giảm hoặc tắc nghẽn. Kết quả là tình trạng thiếu máu cục bộ và tổn thương tế bào thần kinh không có khả năng phục hồi.
Yếu tố nguy cơ
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: tuổi tác, giới tính, chủng tộc, di truyền, loạn sản xơ cơ, tiền sử đau nửa đầu migraine.
- Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, tăng homocysteine máu, lối sống, béo phì, dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh, hồng cầu hình liềm.
Những điều nên và không với người đột quỵ
Nên
- Cho người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê đầu cao 30 độ, nghiêng về một bên
- Nếu người bệnh tỉnh táo, nhanh chóng ghi lại thời gian khởi phát và thuốc men đang dùng nếu có; gọi xe cấp cứu hoặc phối hợp người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viên có trung tâm đột quỵ gần nhất
- Chú ý vận chuyển người bệnh bằng xe có giường nằm hoặc tối thiểu là xe taxi để cho bệnh nhân nằm
- Nếu người bệnh bất tỉnh, không có nhịp tim, không có nhịp thở cần tiến hành ép tim và gọi hỗ trợ ngay lập tức.
Không nên
- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc ăn uống bất cứ loại gì.
- Không xoa dầu nóng, cạo gió hoặc chích máu đầu ngón tay.
- Không di chuyển người bệnh bằng xe máy do việc dựng người bệnh ngồi dậy, rung lắc trong lúc đi xe có thể làm huyết áp tăng vọt và chân bị liệt cọ xuống đường gây chấn thương.
Biện pháp phòng ngừa đột quỵ
Phòng ngừa đột quỵ là một quá trình liên tục và toàn diện của biện pháp được đưa ra dựa trên các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như:
Kiểm soát huyết áp
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm ít muối.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.
- Tiêu thụ không quá 1.500 - 2.300 mg muối/ ngày.
- Dành tối thiểu 30 phút/ngày để thực hiện các bài tập vận động vừa sức như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, bơi lội,...
- Kiểm tra huyết áp định kỳ để theo dõi sự biến động bất thường. Trong trường hợp cần thiết hãy điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá là một quá trình tương đối khó khăn, đòi hỏi quyết tâm và sự kiên trì. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể áp dụng lộ trình sau:
- Xác định ngày cụ thể để bắt đầu ngừng hút thuốc và chuẩn bị tinh thần.
- Có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như kẹo cao su nicotine, miếng dán nicotine hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tham gia vào các chương trình hỗ trợ cai thuốc lá để có thêm động lực và được hướng dẫn cách cai thuốc hiệu quả.
Ngoài ra, nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày để duy trì cân nặng ổn định, giúp giảm áp lực lên tim và mạch máu, nhờ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Thực hiện các phương pháp như yoga, thiền hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích để thư giãn, giảm stress, giảm nguy cơ đột quỵ.