Sarah và Laine Robinson là cặp vợ chồng đến từ Gold Coast, Úc. Cả hai đã dành nhiều năm tiết kiệm để có đủ tiền đặt cọc mua căn hộ mơ ước tại Mount Nathan. Sau nhiều lần bỏ lỡ các bất động sản ưng ý, anh chị đã thuê một môi giới bất động sản uy tín và thậm chí còn hợp tác với một đại lý mua nhà để hỗ trợ thương lượng.
Trải qua một thời gian tham khảo, cuối cùng, họ tìm được ngôi nhà hoàn hảo và tiến hành hai giao dịch chuyển khoản tiền đặt cọc. Tổng số tiền cần phải trả trước là hơn 300.000 đô la Úc. Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi có thể nhận nhà, họ phát hiện số tiền 252.000 đô la Úc (khoảng 4,1 tỷ đồng) đã biến mất, vô tình chuyển vào một tài khoản lừa đảo. "Tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi không ngờ mình lại rơi vào tình huống này”, anh Robinson chia sẻ.
Theo đó, 1 ngày trước khi nhận nhà, anh nhận được cuộc gọi từ vợ. Ở đầu dây bên kia, chị báo rằng môi giới bất động sản cho biết đã nhận được khoản thanh toán đợt 1 là 60.000 đô la Úc. Còn khoản tiền đợt 2 là 252.000 đô la Úc vẫn chưa nhận được. Lúc này anh Robinson mới tường thuật lại sự việc. “Tôi đã trao đổi với chuyên viên chuyển nhượng qua email. Tôi làm theo hướng dẫn và họ xác nhận đã nhận tiền. Tôi có đầy đủ bằng chứng”, anh nói.
Tuy nhiên, khi môi giới bất động sản kiểm tra các email, sự thật đau lòng được phơi bày. Các email mà anh Robinson nhận được là giả mạo, dù chứa đầy đủ chi tiết chính xác như số tiền thuế, phí và thông tin tài khoản. Đây là một vụ lừa đảo “giả mạo”, trong đó kẻ gian truy cập email hoặc tin nhắn để đánh lừa nạn nhân, khiến họ tin rằng đang giao dịch với người quen thuộc.
Philip Goldie, Giám đốc điều hành của Okta, một công ty phần mềm bảo mật, giải thích rằng các vụ lừa đảo đang chuyển từ hình thức tấn công hàng loạt sang các mục tiêu có giá trị cao. “18 tháng trước, hầu hết là các vụ lừa đảo nhắm vào hàng triệu người. Giờ đây, chúng được thay thế bằng các vụ lừa đảo rất có mục tiêu, gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng”, ông nói. Theo đó, những kẻ lừa đảo thường nắm rõ thông tin về giao dịch, như mua nhà hoặc thanh toán thế chấp, để tạo ra các kịch bản đánh lừa vô cùng tinh vi.
Ông Goldie nhấn mạnh: “Khi lừa đảo ngày càng tinh vi, cả ngân hàng và cá nhân đều phải nâng cao cảnh giác”.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc cảnh sát Queensland đã mở rộng điều tra. Vụ việc tiếp tục được chuyển sang cảnh sát Victoria khi phát hiện một sinh viên đại học ở Melbourne sở hữu tài khoản nhận tiền lừa đảo.
Ngân hàng cho biết đã hỗ trợ thu hồi được 82.000 đô la Úc (1,3 tỷ đồng) trong số 252.000 đô la Úc đã bị đánh mất. Tuy nhiên, số tiền còn lại khó có thể lấy được lại. “Tôi cảm thấy sử dụng tiền mặt an toàn hơn. Thanh toán bằng hình thức chuyển khoản khó có thể kiểm soát”, Robinson nói.
Theo ABC, gia đình Robinson quyết định công khai câu chuyện để cảnh báo cộng đồng. “Nếu ai đó cảnh báo tôi rằng lừa đảo chuyển nhượng đang phổ biến, có lẽ tôi đã cẩn thận hơn. Có quá nhiều điểm mà người khác có thể giúp tôi tránh được”, anh Robinson nói.
Thông qua vụ việc này, ông Goldie đề xuất các biện pháp đơn giản để bảo vệ bản thân trước những bẫy lừa đảo tinh vi:
Bảo mật email cá nhân: Sử dụng mật khẩu phức tạp, duy nhất và bật xác thực đa yếu tố (như mã gửi qua điện thoại).
Cẩn trọng tối đa: Kiểm tra kỹ, thậm chí ba lần, khi giao dịch tài chính hoặc liên hệ với tổ chức có quyền truy cập thông tin nhạy cảm. Đảm bảo xác thực danh tính của đối tác.
Vụ việc của gia đình Robinson là lời nhắc nhở về sự tinh vi của tội phạm mạng và tầm quan trọng của việc luôn cảnh giác trong các giao dịch tài chính.
Theo ABC