Từ hôm qua (1/7), một trong những chính sách hỗ trợ tài chính quy mô lớn nhất đã được áp dụng trên toàn quốc. Theo Thông tư số 64 do Bộ Tài chính ban hành, 46 nhóm phí và lệ phí trong nhiều lĩnh vực trọng yếu đã được giảm 50%, áp dụng kéo dài đến hết ngày 31/12/2026. Với quy định mới này, người dân có thể tiết kiệm một nửa chi phí khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính quan trọng.
Đối với người dân, tác động rõ rệt nhất là việc giảm lệ phí khi làm thẻ Căn cước. Cụ thể:
Cấp đổi thẻ Căn cước: Giảm từ 50.000 đồng còn 25.000 đồng/thẻ.
Cấp lại thẻ Căn cước (do mất): Giảm từ 70.000 đồng còn 35.000 đồng/thẻ.
Chuyển từ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước: Giảm từ 30.000 đồng còn 15.000 đồng/thẻ.
1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
a) Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
e) Xác lập lại số định danh cá nhân;
g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
2. Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:
a) Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Đối với khối doanh nghiệp, chính sách này mang lại sự hỗ trợ thiết thực khi hàng loạt chi phí hành chính quan trọng được cắt giảm một nửa, bao gồm:
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
- Phí thẩm định, phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy.
- Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.
- Lệ phí cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng.
- Các loại phí liên quan đến xuất bản, mã vạch, sở hữu công nghiệp...
Ngoài ra, Thông tư 64 còn bổ sung giảm 50% hàng loạt khoản phí trong các lĩnh vực chuyên ngành. Cụ thể, xuất bản phẩm: Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh, lệ phí nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; đăng ký mã số, mã vạch: phí sử dụng mã vạch nước ngoài, mã sản phẩm; đường thủy nội địa: phí trình báo, kiểm tra phương tiện vận tải đường thủy; sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; phòng cháy chữa cháy: phí thẩm định phương tiện, thiết bị phòng cháy chuyên dụng; công chứng, xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng...
Bộ Tài chính cho biết, với mức giảm và thời hạn áp dụng như trên, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 3.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ 6 Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm phí, lệ phí trong giai đoạn 2020 - 2025