"Ngược đời, trường cấm dạy thêm nhưng lại thu tiền bắt học 2 buổi/ngày"

Khánh Huyền - Minh Khôi/VTC News, Theo VTC News 22:50 08/04/2025
Chia sẻ

"Thông tư 29/2024 đã cấm các trường dạy thêm học thêm có thu tiền nhưng giờ Bộ GD&ĐT lại khuyến khích tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, như vậy cấm cũng như không".

Băn khoăn này được chị Đăng Thị Thu Huyền (38 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ khi Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường THCS - THPT tổ chức cho học sinh lớp 6 đến 12 học 2 buổi/ngày.

Tháng 2 năm nay, Bộ GD&ĐT cấm các trường học dạy thêm có thu tiền, phụ huynh ai cũng mừng rỡ vì giảm được phần nào áp lực về chi phí học tập mỗi tháng. Hơn hết, việc không học sinh nào đi học thêm, tất cả đều tự học ở nhà tạo nên độ cạnh tranh, công bằng như nhau.

Tuy nhiên mới đây, trường của con lại lấy ý kiến phụ huynh về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm giãn thời gian học buổi sáng và áp lực học tập cho học sinh, chị Huyền lại lo lắng trở lại. Để con học ở trường cả ngày, bố mẹ sẽ phải đóng thêm khoản phí 200.000 - 250.000 đồng/tháng, ngang bằng với giá học thêm trước đây.

"Ngược đời, trường cấm dạy thêm nhưng lại thu tiền bắt học 2 buổi/ngày"- Ảnh 1.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. (Ảnh minh hoạ)

Theo thông báo của nhà trường, dự kiến các buổi chiều con chị Huyền học 30% nội dung các môn văn hoá và 70% môn kĩ năng, bồi dưỡng kiến thức, thể dục thể thao và hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ.

"Trước đây khi còn dạy thêm trong trường, học sinh học đủ chương trình vào buổi sáng và nhà trường tổ chức dạy thêm thu tiền buổi chiều. Giờ không còn dạy thêm thì lại tổ chức học 2 buổi, đây giống như cách trường lách luật để thu tiền của phụ huynh, thật ngược đời. Điều đáng nói, khi trường dạy thêm thì học sinh đăng ký tự nguyện, còn như hiện nay nói là khảo sát nhưng trên tinh thần 100% học sinh buộc phải học", vị phụ huynh cho hay.

Hiệu trưởng một trường THCS ở Hoàng Mai cho hay, trước nay, trường vẫn cho học sinh học buổi sáng với tối đa 5 tiết/buổi, tới đây, nếu Bộ yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ chia ra buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết.

“Việc này có thể giảm căng thẳng cho học sinh với việc học 5 tiết cùng trong 1 buổi và giãn thời gian làm việc của giáo viên. Tuy nhiên, thực tế nhiều giáo viên sẽ phải làm việc nhiều hơn. Bởi các cô gần như sẽ ở trường cả ngày, trong khi lương, tổng thu nhập không tăng", vị này nói và nhẩm tính chi phí tổ chức lớp, điện, nước, cơ sở vật chất sẽ tăng theo.

Vị hiệu trưởng cũng băn khoăn, việc dạy 2 buổi/ngày sẽ buộc các trường phải liên kết với trung tâm bên ngoài tổ chức các lớp về kĩ năng, bồi dưỡng... để lấp đầy thời khoá biểu. Hơn hết, để duy trì được việc dạy học 2 buổi/ngày chắc chắn các trường phải thu thêm tiền, khoản này nằm ngoài học phí.

Theo vị hiệu trưởng, điểm khó khăn lớn nhất mà các trường ở Hà Nội khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày là thiếu cơ sở vật chất lớp học và thiếu giáo viên. "Hầu hết các trường khu vực trung tâm Hà Nội đều thiếu diện tích tiêu chuẩn theo quy định, quá tải sĩ số lớp học. Điển hình như trường như Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) phải tổ chức học xen kẽ lịch trong tuần mới đảm bảo đủ lớp cho học sinh, nếu giờ dạy 2 buổi/ngày, chắc chắn các trường không thể đáp ứng đủ điều kiện".

Tiếp đến, nếu muốn học 2 buổi/ngày, các trường cần đảm bảo đủ số giáo viên, trong khi hầu hết các trường đều thiếu, đa số là thầy cô kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Nếu tổ chức dạy 2 buổi/ngày mà không có đủ giáo viên, các thầy cô khác sẽ phải tăng cường dạy. Khi đó vấn đề vượt số tiết dạy chuẩn sẽ xảy ra, nhà trường vừa không đủ tiền để trả cho giáo viên, vừa có nguy cơ vi phạm quy định về số giờ làm việc/tuần của thầy cô.

Tại Hà Nội, nhiều trường THCS bắt đầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sau khi Thông tư 29 có hiệu lực nhưng cách tổ chức khác nhau. Có trường giãn nội dung chính khóa, đẩy một số môn không nằm trong số môn thi chuyển cấp xuống buổi hai.

Có trường sử dụng buổi hai để giúp học sinh ôn tập, mở rộng kiến thức. Một số trường đã áp dụng việc dạy thêm không thu tiền với học sinh lớp 9 theo hình thức dạy tăng cường không quá 2 tiết/tuần với các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Thủ đô là địa phương có số lượng trường học lớn, học sinh đông với hơn 2.900 trường các cấp, gần 2,3 triệu học sinh. Đến thời điểm này 100% trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày; 67% trường THCS – THPT đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, hạn chế tình trạng học thêm tràn lan của Sở GD&ĐT Hà Nội đó là tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, tiến tới giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

"Ngược đời, trường cấm dạy thêm nhưng lại thu tiền bắt học 2 buổi/ngày"- Ảnh 2.

Các trường mong sớm có hướng dẫn về tổ chức dạy học 2buổi/ngày để phụ huynh, giáo viên yên tâm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, để dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, các trường cần đạt đủ ba điều kiện:

- Cơ sở vật chất cần đảm bảo đủ điều kiện để trẻ ở bán trú buổi trưa tại trường. Đồng thời cần đủ sân chơi, bãi tập nhằm tổ chức hoạt động giáo dục thể chất và nâng cao những kỹ năng khác.

- Đảm bảo đủ số lượng giáo viên.

- Có chương trình dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo đủ 2 buổi/ngày, phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh.

Thứ trưởng Thưởng cũng cho hay, nhu cầu của học sinh cấp này đa dạng, phân hóa cao, các nhà trường chưa thể đáp ứng. Nhà nước trước tiên phải bảo đảm học tốt chính khóa, còn buổi học 2 theo nhu cầu và năng lực quản lý.

Hiện mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với cấp Tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định rõ điều này. Qua thực tiễn cho thấy thuận lợi hơn rất nhiều, vì các cháu nhỏ nên việc tổ chức bán trú rất phù hợp, dù điều kiện chưa được như mong muốn.

Với cấp THCS, THPT, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn dạy hai buổi mỗi ngày từ năm 2010, khuyến khích với các trường đủ điều kiện, trên tinh thần tự nguyên của phụ huynh và học sinh. Đến nay, số trường THCS, THPT tổ chức dạy 2 buổi/ngày tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước.

"Qua khảo sát, nơi nào tổ chức tốt việc dạy học hai buổi mỗi ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập", ông Thưởng nói. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy này. Sau khi có kết quả đánh giá, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để áp dụng cho từng cấp học.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày