Ngôn ngữ ở Hàn Quốc và Triều Tiên ngày nay khác biệt nhau thế nào?

Phương Anh, Theo VTC News 18:29 10/10/2018

Dù hai nước trên Bán đảo Triều Tiên cùng nói một ngôn ngữ nhưng hơn 70 năm phân chia đã khiến từ vựng của hai bên phát triển theo những hướng khác biệt.

Theo The Guardian, trong khi Triều Tiên và Hàn Quốc về cơ bản nói cùng một ngôn ngữ, hơn 70 năm tách biệt đã khiến sự khác biệt trong từ vựng phát triển, đặc biệt với những từ du nhập vào ngôn ngữ này sau năm 1945.

Ở Triều Tiên, một người có thể ngỏ lời mời người mình thích “đi dạo”. Còn trong tiếng Hàn Quốc, cặp đôi này sẽ đi “hẹn hò” (date). Nếu người Triều Tiên nói kem là “eskimos”, thì người Hàn Quốc sẽ nói “ice cream”.

Ngôn ngữ ở Hàn Quốc và Triều Tiên ngày nay khác biệt nhau thế nào? - Ảnh 1.

Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tham dự lễ khánh thành văn phòng liên lạc được lập tại thành phố Kaesong thuộc Triều Tiên hôm 14/9. (Ảnh: Bộ Thống nhất Hàn Quốc).

Trong bối cảnh cải thiện mối quan hệ liên Triều sau 3 hội nghị thượng đỉnh năm 2018, các quan chức Hàn Quốc đang làm việc để khởi động lại quá trình tạo ra một từ điển thống nhất và cầu nối giữa ngôn ngữ hai bên.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đưa ra đề nghị lần gần nhất nhân ngày kỷ niệm 572 năm sáng tạo bảng chữ cái tiếng Hàn – hay Hangeul – được sử dụng ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc, dù họ chưa thống nhất cách gọi và nó được gọi là Chosongul ở Triều Tiên.

“Chúng tôi là một quốc gia khi Vua Sejong sáng tạo ra Hangeul. Nhưng Chiến tranh đã chia đôi dân tộc và lãnh thổ” – ông Lee nói, nhắc đến một vị vua đã tạo ra bảng chữ cái này năm 1446. “70 năm chia rẽ đang thay đổi ý nghĩa và cách sử dụng của các từ ở Hàn Quốc và Triều Tiên” - ông cho biết.

Sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, nhiều từ mới ở miền Nam được du nhập từ tiếng Anh trong khi các quan chức Triều Tiên cố gắng sử dụng các từ thuần nguyên bản. Nếu một cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm ở Triều Tiên, họ sẽ được “sút 11 mét” trong khi ở Hàn Quốc chỉ đơn giản là được “đá penalty”.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người từng thúc đẩy một chính sách kết nối với Triều Tiên, lần đầu đề xuất ý tưởng “đại từ điển ngôn ngữ quốc gia” năm 2005, cuốn từ điển được kỳ vọng chứa khoảng 330.000 từ. Cuộc họp cuối cùng về dự án này được tổ chức năm 2015, trước khi dự án chính thức bị hoãn năm 2016 trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trên bán đảo xấu đi.

Theo The Guardian, Bộ Thống nhất Hàn Quốc từng đôi lần xuất bản các danh sách nhằm phổ biến cho công dân về sự khác biệt trong ngôn ngữ hai bên, trong khi gần đây những người từ Triều Tiên đến Hàn Quốc gặp khó khăn ban đầu trong việc hiểu người Hàn vì số lượng lớn từ mượn tiếng Anh được dùng ở đây.

Dù vậy, người dân từ hai bên biên giới thường có thể hiểu nhau mà không cần hướng dẫn trước.

Ngoài từ vựng, ngôn ngữ hai bên còn phát triển khác biệt về phát âm và đánh vần. Ví dụ như từ "la bàn" trong tiếng Triều Tiên bắt đầu với âm “L” và tiếng Hàn Quốc bắt đầu với âm “N”. Tiếng Triều Tiên viết với ít khoảng cách hơn tiếng Hàn quốc và giọng địa phương cũng đa dạng đáng kể.

(Nguồn: Guardian)