Tọa lạc tại số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, chùa Hội Khánh là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn ở tỉnh Bình Dương.
Chùa Hội Khánh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993 (Ảnh: nguyendoptgp)
Được xây dựng từ thế kỷ XVIII (năm 1741), công trình ban đầu nằm trên một ngọn đồi cao, nhưng sau khi bị khói lửa chiến tranh tàn phá gần như toàn bộ, chùa Hội Khánh đã được khôi phục lại ở vị trí dưới chân đồi.
Qua nhiều lần trùng tu và nâng cấp cùng với biến cố của lịch sử, thời gian, ngôi chùa cổ đến nay vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng của một công trình Phật giáo quy mô từ nhiều thế kỷ trước.
Cổng tam quan với họa tiết điêu khắc tỉ mỉ ở chùa (Ảnh: huysilom)
Trải dài trên diện tích 700m2 với loạt các công trình từ chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang, bảo tháp…, chùa Hội Khánh gây ấn tượng bởi kiến trúc cổ kính, mang giá trị nghệ thuật, lịch sử và văn hóa cao.
Hầu hết các công trình chánh điện, các khu giảng đường, Đông lang và Tây lang, phòng tiếp khách... được xây dựng chủ yếu bằng gỗ (Ảnh: vietnamese_architecture)
Từ cổng tam quan độc đáo với những chú rồng được điêu khắc tỉ mỉ ở trên mặt cổng, đi sâu vào trong chánh điện với hàng trăm bức tượng Phật trang nghiêm, các kèo cột, rường, vách hoàn toàn được xây dựng bằng vật liệu gỗ, đến nội thất, tranh, tượng, đồ thờ tự cũng mang đậm dấu ấn của kiểu nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam Bộ... mọi góc trong ngôi chùa đều toát lên vẻ truyền thống, mang hơi hướng hoài cổ, mộc mạc.
Chùa Hội Khánh với nét cổ kính mang đậm phong cách nhà cổ miền Đông Nam Bộ (Ảnh: Tann Tu)
Nếu như bên trong nội thất của chùa đem đến một không gian xưa cũ, hoài niệm thì đến với khu vực sân chùa, du khách được dịp chiêm ngưỡng các công trình kỳ vĩ mang hơi thở hiện đại hơn như tòa tháp cao 9 tầng ứng với 9 vị trụ trì đã mất. Ngọn tháp nổi bật cao vút giữa khuôn viên rộng lớn, kết hợp với các công trình biểu tượng khác của chùa càng tăng thêm vẻ bề thế đặc sắc nơi đây.
Một góc tòa tháp ở chùa (Ảnh: phucpool)
Đặc biệt phải kể đến Phật đài cao tới 22m, nơi có bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn trong tư thế nằm đầy uy nghiêm. Với chiều cao 12m, dài 52m, đây là công trình đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung, đã được ghi nhận là "Tượng Phật nhập Niết bàn nằm trên mái chùa dài nhất tại Châu Á".
Tượng Phật nằm đồ sộ nằm trong khuôn viên ngôi chùa (Ảnh: phamdinh.long)
Không chỉ là địa điểm đem lại sự thanh bình, tĩnh tại cho tín đồ Phật tử mỗi khi đến viếng bái, cầu an, chùa Hội Khánh với kiến trúc ấn tượng còn là nơi được nhiều người lựa chọn để lưu lại những bức ảnh đẹp. Chắc chắn, ngôi chùa cổ 300 tuổi này sẽ là một điểm dừng chân đầy hứa hẹn với những ai có dịp ghé thăm Bình Dương vào một ngày không xa.
Chùa Khánh Hội còn là địa điểm chụp ảnh yêu thích của du khách (Ảnh: Nguyễn Hoàng Anh)
Những góp chụp ấn tượng tại ngôi chùa (Ảnh: itscthinh)