Năm 1958, trường Đại học Mills – một đại học tư thục dành cho nữ sinh tại California, Hoa Kỳ – đã khởi xướng một nghiên cứu quy mô lớn, mời 142 nữ sinh viên 21 tuổi tham gia nhằm tìm hiểu về tiềm năng sáng tạo và phát triển sự nghiệp của phụ nữ.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhóm đối tượng này ở các cột mốc quan trọng: 27, 42, 52, 61 và 72 tuổi. Mục tiêu là phân tích ảnh hưởng của các yếu tố gia đình, xã hội và cá nhân đối với sự thành công của phụ nữ trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Nghiên cứu cho thấy, dù có đến 31 người được đánh giá là rất có tiềm năng từ thời sinh viên, chỉ có 13 người thực sự đạt được thành tựu vượt trội trong lĩnh vực chuyên môn. Phân tích sâu hơn chỉ ra ba yếu tố gia đình nguyên sinh có vai trò đặc biệt quan trọng:
Những người phụ nữ thành công thường là con cả trong gia đình, được cha mẹ quan tâm sâu sắc và đầu tư giáo dục chu đáo. Quan trọng hơn, họ không phải đối mặt với sự phân biệt đối xử giới tính – cha mẹ không vì họ là con gái mà ít kỳ vọng hơn so với con trai.
Chính sự tin tưởng và nuôi dạy công bằng này đã giúp họ xây dựng lòng tự tin, nhận thức rõ giá trị bản thân và dám theo đuổi con đường riêng, bất chấp định kiến xã hội.
Ảnh minh họa
Một đặc điểm nổi bật trong số các đối tượng thành công là họ được mẹ nuôi dạy theo hướng mở. Thay vì kiểm soát và áp đặt, người mẹ thường tôn trọng sở thích cá nhân, khuyến khích sự tự lập và cho phép con gái chủ động quyết định tương lai.
Ví dụ tiêu biểu là Esther Wojcicki – nhà giáo dục nổi tiếng, mẹ của Susan Wojcicki (CEO YouTube). Bà Esther luôn tạo cơ hội cho các con khám phá, kinh doanh nhỏ từ sớm, hỗ trợ học tập theo sở thích và tôn trọng các quyết định quan trọng, kể cả việc du học hay chọn ngành nghề.
Kết quả là không chỉ Susan thành công, mà hai em gái của cô cũng có sự nghiệp rực rỡ – một là giáo sư nhi khoa đang nghiên cứu về HIV tại châu Phi, một là nhà sáng lập công ty công nghệ được xếp hạng trong top lãnh đạo công nghệ toàn cầu.
Một yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công là hình ảnh người cha – người có thể không nổi bật về tài chính hay địa vị, nhưng lại có tư duy độc lập, lòng kiên trì và tầm nhìn truyền cảm hứng.
Trong nghiên cứu, nhiều phụ nữ bày tỏ lòng ngưỡng mộ với cha mình – người không chỉ khơi dậy ý chí vươn lên mà còn mở ra thế giới rộng lớn hơn bên ngoài môi trường gia đình truyền thống. Họ cảm thấy được tiếp thêm động lực để bước ra khỏi giới hạn an toàn, hướng đến sự nghiệp và tự do cá nhân.
Một ví dụ nổi bật là vận động viên bóng bàn Đặng Á Bình ở Trung Quốc. Từ nhỏ, cô đã được cha – một huấn luyện viên tỉnh – phát hiện tài năng và kiên trì huấn luyện, dù hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi. Chính sự nghiêm khắc và định hướng rõ ràng từ cha đã giúp cô từng bước trở thành nhà vô địch thế giới.
Nghiên cứu Mills chỉ ra rằng thành công của phụ nữ không chỉ dựa vào tài năng cá nhân, mà chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường gia đình – đặc biệt là cách cha mẹ đối xử, định hướng và truyền cảm hứng.
Gia đình trao quyền, bình đẳng và đầy yêu thương không chỉ nuôi dưỡng sự tự tin mà còn mở ra cánh cửa dẫn tới một tương lai đa dạng, độc lập và thành công cho con gái.