Virus SARS-CoV-2 có thể vẫn lẩn trốn trong não kể cả sau khi một người đã khỏi bệnh và sau đó khiến họ đổ bệnh một lần nữa, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Viruses.
Trong nghiên cứu, những con chuột bị nhiễm virus SARS-CoV-2 qua đường mũi đã phát bệnh nặng do nhiễm trùng não, ngay cả sau khi virus đã rời khỏi phổi của chúng.
Ở người, điều này có thể giải thích tại sao một số bệnh nhân có vẻ như đã khỏi COVID-19 đôi khi tái phát bệnh và tử vong.
Virus SARS-CoV-2 có thể vẫn lẩn trốn trong não kể cả sau khi một người đã khỏi bệnh
Mukesh Kumar, tác giả chính của nghiên cứu/nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Georgia (Mỹ), cho biết: "Bộ não là một trong những khu vực mà virus thích ẩn náu".
"Đó là lý do tại sao có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 diễn biến bệnh nặng, nhiều người có những triệu chứng như của bệnh tim hay đột quỵ, và nhiều người mắc COVID-19 kéo dài bị mất khứu giác, mất vị giác. Tất cả những điều này liên quan đến não nhiều hơn là phổi", Kumar giải thích.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra SARS-CoV-2 nằm trong não chuột ở mức độ cao gấp 1.000 lần so với bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Tải lượng virus trong phổi bắt đầu giảm sau ba ngày nhưng vẫn ở mức cao trong não vào ngày thứ năm và thứ sáu sau khi nhiễm bệnh, đó là lúc bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Kumar nói: "Một khi virus lây nhiễm vào não, nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ thứ gì vì não điều khiển phổi, tim và mọi thứ. Não là một cơ quan rất nhạy cảm, là trung tâm xử lý mọi thứ".
Những người khỏi COVID-19 mà bị nhiễm trùng ở não cũng có thể dễ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác hơn trong tương lai, chẳng hạn như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, suy giảm nhận thức và các bệnh tự miễn dịch, Kumar nói thêm.
"Điều này thật đáng sợ", Kumar nhận định. "Nhiều người nghĩ rằng họ đã khỏi COVID và bây giờ không còn vấn đề gì nữa. Tôi cảm thấy điều đó sẽ không bao giờ là sự thật. Bạn có thể sẽ không bao giờ hết gặp vấn đề".
(Nguồn: Web MD)