“Nghỉ lễ mà, tiêu thoải mái đi!”: Và rồi bạn sẽ hối hận ngay sau đó

Nguyệt, Theo Phụ nữ số 20:54 03/05/2025
Chia sẻ

Không phải vì giá cả tăng mà vì chính cảm xúc dẫn dắt hành vi tiêu tiền.

Kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài đến 5 ngày, là lúc nhiều người lên kế hoạch đi chơi, về quê, gặp gỡ bạn bè hoặc đơn giản là "xả hơi" sau nhiều tháng làm việc căng thẳng. Thế nhưng, với không ít người trẻ, kỳ nghỉ không chỉ mang đến cảm giác thư giãn mà còn là thời điểm dễ rơi vào hiệu ứng chi tiêu dịp lễ, một hiện tượng tâm lý khiến chúng ta tiêu tiền nhanh hơn, nhiều hơn, và… hối hận nhiều hơn khi kỳ nghỉ kết thúc.

Khi nghỉ lễ trở thành cái cớ để "xả ví"

Chỉ cần lướt mạng xã hội những ngày gần đây, bạn sẽ thấy đầy rẫy hình ảnh về chuyến du lịch bất chợt, bữa ăn nhà hàng sang trọng, set đồ mới tậu để đi chơi lễ, hay đơn giản là những buổi cafe "xả stress" với bạn bè. Không ít người tự nhủ: "Cả năm có mấy ngày lễ, không tiêu thì còn khi nào?". Và thế là hiệu ứng chi tiêu dịp lễ âm thầm khởi động.

Đó cũng là điều đã xảy ra với Lan, một cô gái làm văn phòng tại Hà Nội. Dù không đi du lịch xa, Lan vẫn "mất kiểm soát" chi tiêu trong những ngày nghỉ. "Mình đặt một bộ skincare mới, đi làm tóc, rồi hẹn bạn đi ăn vài bữa. Mỗi thứ chỉ vài trăm, nhưng cộng lại hết sạch tiền tiêu vặt tháng này", cô kể. Lan không hối hận, nhưng cũng thừa nhận: "Hiệu ứng chi tiêu dịp lễ đúng là đáng sợ".

Không phải vì giá cả tăng mà vì chính cảm xúc dẫn dắt hành vi tiêu tiền. Những tưởng vài ngày thảnh thơi sẽ giúp tiết kiệm hơn vì không phải đi làm, ăn ngoài, nhưng hóa ra, nghỉ càng dài thì ví càng mỏng.

“Nghỉ lễ mà, tiêu thoải mái đi!”: Và rồi bạn sẽ hối hận ngay sau đó- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hiệu ứng chi tiêu dịp lễ, cái bẫy tâm lý dễ sa vào

Hiệu ứng chi tiêu dịp lễ (Holiday Spending Effect) là một hiện tượng khá phổ biến: trong các kỳ nghỉ, người ta thường chi tiền nhiều hơn bình thường vì cảm giác "phải thưởng cho bản thân". Khi không còn áp lực công việc đè nặng, ta dễ cho phép bản thân buông lỏng kế hoạch tài chính. "Mình xứng đáng", "Nghỉ lễ mà", "Một lần thôi mà"… là những cái cớ phổ biến nhất dẫn tới việc mở ví không suy nghĩ.

Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) cũng khiến nhiều người lao vào chi tiêu như một cách để "bắt kịp thiên hạ". Khi thấy bạn bè đăng ảnh đi chơi, ăn uống, mua sắm, không ít người cảm thấy kỳ nghỉ của mình "kém hấp dẫn" nếu không tiêu tiền để làm điều tương tự. Và thế là, hiệu ứng chi tiêu dịp lễ lại được đẩy lên một nấc mới: Không tiêu vì cần, mà tiêu vì không muốn bị tụt lại phía sau.

Huy, một chàng trai làm truyền thông chia sẻ: "Mình không định tiêu gì nhiều, nhưng thấy người yêu đặt vé đi Đà Lạt, mình cũng muốn book theo. Đi chơi mà mặc đồ cũ thì ngại, lại sắm thêm vài thứ. Về lại thành phố, tôi chợt nhận ra ví mình lép kẹp. Nhưng lúc đó, đang lễ mà, ai lại tiếc tiền?".

Nghỉ lễ nhưng tài khoản "đau ví"

Có một nghịch lý: Những kỳ nghỉ lễ được mong chờ nhất lại là lúc ví tiền rơi vào tình trạng "tụt mood" nhanh nhất. Không phải vì bị ép buộc, mà vì chính chúng ta tự tạo cho mình những "kịch bản chi tiêu hoàn hảo". Nghỉ lễ là lúc ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, sống thoải mái hơn – tức là mọi thứ đều "nâng cấp" so với ngày thường, và điều đó kéo theo chi phí tăng vọt.

Hiệu ứng chi tiêu dịp lễ không chừa một ai, từ sinh viên, người mới đi làm cho đến những người đã có thu nhập ổn định. Cứ đến kỳ nghỉ, thói quen tiết kiệm bị gác lại, lý trí bị ru ngủ bởi tâm lý "nghỉ lễ mà, cho phép mình thoáng một chút". Nhưng sau đó là chuỗi ngày phải gồng mình cân đối lại ngân sách.

Nhiều người thừa nhận: dù biết rõ kỳ nghỉ lễ là "bẫy chi tiêu", họ vẫn không thể cưỡng lại cảm giác muốn tiêu tiền. Đến khi trở lại guồng quay công việc, họ mới bắt đầu kiểm đếm lại chi tiêu và… thấy mình đã đi hơi xa.

“Nghỉ lễ mà, tiêu thoải mái đi!”: Và rồi bạn sẽ hối hận ngay sau đó- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Làm sao để thoát khỏi hiệu ứng chi tiêu dịp lễ?

Hiệu ứng chi tiêu dịp lễ không hẳn là điều xấu. Nó cho thấy chúng ta đang sống và tận hưởng. Nhưng nếu không kiểm soát, nó có thể đẩy bạn vào tình trạng tiêu xài quá tay và hối hận sau kỳ nghỉ. Vậy nên, để không rơi vào cảnh "cháy ví sau lễ", bạn có thể thử áp dụng một vài cách đơn giản dưới đây:

1. Đặt giới hạn ngân sách kỳ nghỉ ngay từ đầu: Hãy xác định rõ bạn có bao nhiêu tiền dành cho kỳ nghỉ, rồi chia nhỏ ra các khoản: ăn uống, đi lại, mua sắm. Một khi tiêu hết ngân sách này, dừng lại. Việc đặt khung giới hạn sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn khi quẹt thẻ hay rút ví.

2. Tránh ra quyết định mua sắm khi cảm xúc dâng cao:  Đừng để những câu như "chỉ có dịp này mới mua" hay "sợ hết hàng khuyến mãi" làm mờ lý trí. Hãy cho mình một khoảng chờ, chẳng hạn 24 tiếng trước khi mua một món đồ nào đó. Nếu sau thời gian ấy bạn vẫn thấy cần, hãy mua.

3. Tạo quỹ riêng cho kỳ nghỉ từ đầu năm: Bạn có thể tiết kiệm dần mỗi tháng vào một tài khoản riêng để dành cho những dịp nghỉ dài. Cách này giúp bạn không phải dùng tới quỹ sinh hoạt hay tiết kiệm dài hạn, đồng thời giúp chi tiêu lễ tết trở nên nhẹ nhàng, ít áp lực.

4. Thay đổi thói quen "so sánh niềm vui": Hãy nhớ rằng bạn không cần phải đi đâu xa, mua gì đắt tiền hay ăn món sang trọng thì mới có kỳ nghỉ đáng giá. Niềm vui không nằm ở số tiền đã chi, mà ở cách bạn tận hưởng thời gian rảnh rỗi, dù là ở nhà, đọc sách, hay đi bộ ngắm phố phường.

“Nghỉ lễ mà, tiêu thoải mái đi!”: Và rồi bạn sẽ hối hận ngay sau đó- Ảnh 3.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày