Nhiều người mua đồ không phải vì nhu cầu cần thiết, mà bởi nỗi lo rằng trong tương lai bản thân sẽ có nhu cầu dùng chúng. Chẳng hạn, nhiều người cho hay khi đi mua thực phẩm, họ thường mang về nhiều đồ ăn vì lo sợ nếu có ai trong gia đình đói thì không có đồ ăn. Hoặc có những người thích tích trữ đồ mỹ phẩm vì sợ nếu có sự kiện cần dùng đến thì không kịp mua về.
Lúc này, nguyên tắc "sử dụng trong vòng 48 giờ" sẽ giúp ích cho bạn khi mua sắm. Tức là những thứ chúng ta mua nên được sử dụng ngay lập tức và tốt nhất trong vòng 48 giờ. Bởi theo thời gian, sự mong đợi của chúng ta đối với các vật phẩm sẽ giảm đi và động lực sử dụng chúng không còn mạnh mẽ như lúc mới mua. Dần dần, chúng ta sẽ không còn ưu tiên sử dụng những vật phẩm này, hoặc thậm chí phải vứt bỏ mà không dùng chúng lần nào.
Lựa chọn thông minh là đừng mua những món đồ bạn không cần trong thời gian ngắn và đừng tích trữ những đồ dư thừa. Chỉ mua đồ khi có nhu cầu sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được không gian sống, giảm bớt khối lượng việc nhà và tiết kiệm tiền.
Khi đi mua hàng, mọi người đều hiểu về nguyên tắc tiêu dùng hợp lý, tức chỉ mua đồ theo nhu cầu cá nhân. Nhưng có bao giờ bạn rời khỏi siêu thị và chợ mà trên tay cầm rất nhiều món đồ không nằm trong kế hoạch mua ban đầu?
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến mọi người mua nhiều hơn mức cần thiết là vì họ bị thu hút bởi mức giá giảm của sản phẩm. Nhiều người cho hay, khi đi mua sắm, họ không có ý định mua bất kỳ món đồ nào nhưng sau khi thấy mã giảm giá 30% trên sản phẩm, họ lại tha một đống vào giỏ hàng. Cứ như thế, họ chi rất nhiều tiền cho những thứ không phục vụ mục đích và nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình.
Mua mặt hàng giảm giá tưởng như có thể giúp bạn tiết kiệm nhưng lại tiêu tốn nhiều hơn. Bởi lẽ, bạn đang mua những món đồ không phù hợp với nhu cầu sống. Cũng vì thế, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng, kể cả khi chúng đã được gắn mác là hàng giảm giá.
Nhiều người nói rằng cuộc sống của mình thật nhàm chán, họ bận rộn làm việc từ sáng đến đêm. Khi nghỉ ngơi, họ không có nhiều thời gian và sức lực cho những điều mình quan tâm, từ đó đánh mất đi niềm yêu thích với cuộc sống. Trong trường hợp này, tiêu dùng là cách đơn giản và dễ dàng nhất để họ lấy lại được niềm hạnh phúc của cuộc sống. Cũng vì thế, họ chi tiền cho những món đồ xa xỉ, để đổi lấy niềm vui ngắn hạn như quần áo và túi xách,...
Ngày ngày khi chúng ta lướt mạng xã hội, kể cả khi bạn không muốn mua món đồ nào đó, các phiên livestream, bài báo, thông báo từ phần mềm mua sắm sẽ kích thích ham muón tiêu dùng của bạn. Dần dần, bạn cho rằng việc mua những món đồ hào nhoáng là cách để mang về lại niềm hạnh phúc cho bản thân, nhưng đó chỉ là niềm vui vẻ giả tạo.
Ngoài ra, vào những dịp lễ hội, nhiều người thích mua những món đồ tạo không khí. Tuy nhiên, bạn chỉ nên mua ít món đồ, và hãy nhớ rằng nhu cầu mua sắm nên xuất phát từ bản thân, gia đình và bạn bè chứ không phải từ lời kêu gọi của người bán hàng.
Dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, chúng ta dễ rơi vào chi tiêu bốc đồng vì bị thu hút bởi các quảng cáo. Bạn có thể nghĩ rằng nếu có món đồ này thì cuộc sống của mình sẽ tuyệt vời. Tuy nhiên, đến tận khi mang chúng về nhà, bạn mới nhận ra chúng không phù hợp với lối sinh hoạt của mình và gia đình.
Ví dụ như nhiều người mua các đồ dùng gia đình như thiết bị nhà bếp, máy làm sữa chua,... Nhưng họ không mấy khi vào bếp dẫn đến các thiết bị này bị cho vào nằm im và bám bụi.
Điều tương tự cũng xảy ra với các loại sản phẩm khác. Nếu món đồ đó không phù hợp với phong cách sống của bạn, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua, bởi dù chúng đẹp đến đâu cũng chỉ để ngắm.