Nghỉ 2/9, thay vì đi chơi Gen Z chọn "ngủ nướng và bấm điện thoại"

Hiểu Lam/VTC News, Theo VTC News 19:20 29/08/2024
Chia sẻ

Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dài ngày, nhiều bạn trẻ quyết định "ngủ nướng nguyên ngày và nằm bấm điện thoại" thay vì đi chơi hay gặp gỡ bạn bè.

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Nguyễn Phương Thảo (SN 1999, Hải Phòng) được công ty cho nghỉ trọn vẹn 4 ngày, không phải làm bù. Thay vì lên kế hoạch đi du lịch hay gặp gỡ bạn bè như nhiều người khác, Thảo chọn thư giãn ngay trong chính căn phòng của mình.

"Thật sai lầm khi ra đường vào những ngày này, hàng quán phố xa chỗ nào cũng đông đúc chật kín người, em chọn ở nhà ngủ và bấm điện thoại", Thảo nói và cho biết trước khi kỳ nghỉ diễn ra đã từ chối nhiều lời rủ đi chơi của bạn bè, đồng nghiệp.

Thậm chí cấp trên còn chê Thảo tẻ nhạt khi biết lịch trình 4 ngày nghỉ của cô chỉ xoay quanh việc ngủ nghỉ.

"Mới hai mấy tuổi đầu mà đã lười giao lưu gặp gỡ, chỉ thích nằm ì trong phòng, giới trẻ ngày nay lạ quá", đó là lời một chị đồng nghiệp U40 nói khi Thảo ngỏ ý không muốn tụ tập ăn mừng với công ty trong dịp nghỉ lễ.

Nghỉ 2/9, thay vì đi chơi Gen Z chọn

Nhiều gen Z chỉ thích nằm bấm điện thoại trong kỳ nghỉ. (Ảnh minh hoạ)

Dù vậy, cô gái trẻ cho biết bản thân không quan tâm lời nói của người khác, mỗi người có cách tận hưởng cuộc sống khác nhau. Thảo là người hướng nội, không thích những nơi ồn ào náo nhiệt. Cô cũng thừa nhận từ nhỏ đến lớn khi có thời gian rảnh thường sẽ ngủ và tự chơi một mình, đó không phải điều gì lạ lẫm.

Nhiều người cho rằng, nghỉ lễ phải đi chơi ăn uống tưng bừng nhưng theo quan điểm của Thảo là dành thời gian nghỉ ngơi, làm điều mình thích mới đích thị là nghỉ. "Em muốn nghỉ ngơi đúng nghĩa, không muốn dành ra 3-4 ngày vui chơi nhậu nhẹt mệt hơn cả lúc đi làm", Thảo nói.

Khác với Thảo, Lê Thị Hương (SN 2001, Hà Nội) "ngủ nướng" không phải vì ngại vui chơi mà bởi đây là khoảng thời gian cần để tái tạo năng lượng sau những ngày đi làm mệt mỏi.

Nghỉ 2/9, thay vì đi chơi Gen Z chọn

Nghỉ lễ dài ngày, gen Z chọn ngủ thay vì đi chơi. (Ảnh minh hoạ)

Từ khi tốt nghiệp và đảm nhiệm vị trí trực page tại một công ty truyền thông, quỹ thời gian để nghỉ ngơi của Hương ngày càng ngắn lại. Ngoại trừ dịp Tết Nguyên đán, cô gái này gần như chưa nghỉ ngày nào. Do đặc thù công việc, đợt lễ 30/4 - 1/5 phải trực ở công ty nên với Hương dịp 2/9 này là quãng thời gian quý báu để làm điều bấy lâu ao ước đó là tắt điện thoại và ngủ thỏa thích.

"Từ ngày đi làm, tôi bị ám ảnh với tiếng thông báo tin nhắn từ các nhóm chat công việc. Thậm chí tôi cũng không dám ngủ thoải mái vì sợ sếp gọi khi có tin tức nóng", Hương chia sẻ, nếu để sót tin tức sẽ bị từ KPI rất nặng nên cô luôn ngủ trong sự thấp thỏm.

Mong cầu sự thăng tiến, Hương chấp nhận làm thêm một số công việc như quản lý dự án truyền thông của công ty hay làm báo cáo, kế hoạch theo tuần. Khối lượng công việc lớn khiến cô gái trẻ luôn trong tình trạng thiếu ngủ vì thức khuya dậy sớm.

"Có những ngày tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng. Nhiều ngày như vậy cộng dồn khiến tôi mệt mỏi. Sức khỏe không đảm bảo đôi khi cũng ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của tôi", Hương chia sẻ.

Nhiều người cho rằng việc ngủ bù khi có thời gian rảnh là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí đã được áp dụng từ lâu. Tuy nhiên ngủ quá ít hay ngủ quá nhiều hoặc thay đổi thời gian ngủ đột ngột có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, từ đau đầu, năng suất thấp đến nguy cơ mắc bệnh tim mãn tính, tiểu đường và béo phì.

Nhiều chuyên gia tâm lý từng đưa ra lời khuyên nên sắp xếp công việc và có kế hoạch ngủ nghỉ phù hợp, thời gian ngủ mỗi ngày nên nhất quán để giữ cho lịch sinh hoạt điều độ. Chuyên gia cũng khuyên không nên lấy kỳ nghỉ làm thời gian để ngủ bù quá nhiều, hãy đan xen nhiều hoạt động khác như chơi thể thao nhẹ nhàng để cải thiện chất lượng giấc ngủ giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày