Nghệ thuật Regong: “Bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng”

Thiên Ngọc, Theo Phụ Nữ Việt Nam 15:33 18/03/2023

Regong là một loại hình nghệ thuật quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng, có lịch sử hơn 700 năm.

Nghệ thuật Regong: “Bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng” - Ảnh 1.

Nghệ thuật Regong được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009

Bắt nguồn từ thung lũng sông Long Vụ ở huyện tự trị Tây Tạng Hoàng Nam của tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), nghệ thuật Regong là sự kết hợp thành công giữa nghệ thuật tôn giáo của các dân tộc thiểu số Tây Tạng, người Thổ và nghệ thuật dân gian địa phương.

Nghệ thuật Regong bao gồm các bức tranh (tranh tường và tranh cuộn được gọi là "Thangka" trong tiếng Tây Tạng), tác phẩm điêu khắc bằng đất sét và gỗ, Barbola - một loại hình nghệ thuật sử dụng kỹ thuật thêu trên vải, tranh màu trên các tòa nhà, hoa văn, tác phẩm điêu khắc,.. Trong đó, tranh, tác phẩm điêu khắc và thiết kế là nổi tiếng nhất.

Nội dung của nghệ thuật Regong bao gồm từ câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát, những vị thần hộ mệnh và các vị tiên cho đến những câu chuyện Phật giáo. Đây là một loại hình nghệ thuật quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng, có lịch sử hơn 700 năm. Regong được gọi là "bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng" và là "viên ngọc trai tráng lệ của nghệ thuật Trung Hoa".

Quê hương của nghệ thuật Regong

Dọc theo sông Hoàng Hà về phía đông nam của tỉnh Thanh Hải, huyện Đồng Nhân nổi tiếng là "Quê hương của văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng". Huyện Đồng Nhân, cũng được gọi là "Regong" trong tiếng Tây Tạng, là nơi loại hình nghệ thuật này phát triển song song với Lạt ma giáo và việc xây dựng các lạt ma viện, chủ yếu phản ánh văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Vào giữa thế kỷ 17, Đồng Nhân trở thành một ngôi làng mà hầu hết mọi người đều có thể vẽ tranh và mọi gia đình đều tham gia nghệ thuật. Người dân Đồng Nhân đã truyền các loại hình nghệ thuật cho thế hệ sau, và ngày nay hầu như mọi người ở đây đều là nghệ nhân.

Nghệ thuật Regong: “Bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng” - Ảnh 2.

Một tu viện Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng ở làng Ngô Đồn thuộc huyện tự trị Tây Tạng Hoàng Nam, tỉnh Thanh Hải được cho là cái nôi của nghệ thuật Regong

Làng Ngô Đồn ở Đồng Nhân là nơi nổi tiếng nhất với nghệ thuật Regong. Chỉ riêng ở Ngô Đồn đã có hơn 100 gia đình nghệ nhân Tây Tạng. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật Đôn Hoàng, hội họa Tây Tạng, chạm khắc gỗ (ở Tứ Xuyên) và nghệ thuật dân gian Tây Tạng, các gia đình đã hình thành phong cách đặc biệt của riêng mình.

Tác phẩm của họ bao gồm nhiều loại từ tranh màu, điêu khắc, thiết kế, hoa làm từ bơ, thêu thùa, chạm khắc gạch và đá cũng như các họa tiết trang trí. Ngoài tranh tường, các nghệ nhân Ngô Đồn còn được biết đến với nghệ thuật làm tranh Thangka và chạm khắc gỗ. Sự khéo léo trong việc sử dụng bột vàng, chu sa và đá azurit tạo nên hiệu ứng trang trí đặc sắc và nổi bật cho bức tranh.

Các nghệ sĩ Ngô Đồn nổi tiếng không chỉ trong giới tăng lữ Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ mà còn ở Ấn Độ và Nepal.

Độc đáo di sản văn hóa Regong

Trong giai đoạn đầu, nghệ thuật Regong còn khá thô sơ với màu sắc đơn điệu và phong cách mang nét đặc trưng của Ấn Độ và Nepal. Vào giữa thế kỷ 17, các nghệ nhân đã nắm những kỹ thuật tốt hơn, đồng thời phong cách vẽ cũng trở nên tinh tế và tao nhã hơn. Họ cũng chú trọng đến hiệu ứng trang trí trong các tác phẩm. Nhờ đó, nghệ thuật Regong đã bước vào một giai đoạn phát triển thịnh vượng.

Sau thế kỷ 19, các tác phẩm nghệ thuật Regong mang phong cách màu sắc đẹp và tinh tế. Nghệ nhân ở giai đoạn này đặc biệt chú trọng đến tính trang trí trong tác phẩm và sử dụng một lượng lớn vàng để giúp tác phẩm trở nên rực rỡ và tráng lệ. Các tác phẩm không chỉ có sự hài hòa trong cách sắp xếp các chủ thể mà còn sống động, thể hiện hiệu ứng nghệ thuật xuất sắc.

Trong nhiều thế kỷ qua, những nghệ nhân Regong đã đến nhiều vùng để tạo ra các tác phẩm, như tỉnh Thanh Hải, khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Cam Túc, tỉnh Tứ Xuyên, khu tự trị Nội Mông và những nơi khác ở Trung Quốc, cũng như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Mông Cổ và các quốc gia khác trên thế giới, để lại vô số tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Họ tiếp thu tinh hoa nghệ thuật từ tranh Tây Tạng, tranh tường Đôn Hoàng và các tác phẩm tương tự của nước ngoài, sau đó kết hợp chúng với nghệ thuật dân gian địa phương của tỉnh Thanh Hải để dần dần hoàn thiện các kỹ thuật của nghệ thuật Regong.

Phong cách vẽ giản dị, cách sắp xếp màu sắc đồng đều và hài hòa và tính hiện thực của các tác phẩm nghệ thuật Regong phản ánh trọn vẹn văn hóa Tây Tạng, khiến nghệ thuật này trở thành một điểm độc đáo trong di sản văn hóa của Trung Quốc.

- Thangka

Thangka là tranh cuộn Phật giáo Tây Tạng được vẽ trên vải bông hoặc lụa với các chất màu khoáng và hữu cơ được chiết xuất từ san hô, mã não, ngọc bích, ngọc trai, vàng và các nguồn khác để màu sắc có thể giữ được trong hàng thế kỷ.

Là một thể loại của nghệ thuật Thangka, đồng thời cũng là một trong những dạng của nghệ thuật Regong, tranh Thangka tự hào có một loạt các điểm độc đáo, như sự hoàn chỉnh về cả bố cục và màu sắc, họa tiết phức tạp và tinh xảo, cùng với đó việc sử dụng rộng rãi vàng để tạo đường viền.

Trộn màu là một kỹ thuật được sử dụng một cách riêng biệt bởi các nghệ nhân Thangka. Ví dụ như màu vàng, ngoài lá vàng, keo xương và nước, các họa sĩ địa phương thêm chiết xuất nước từ một loại cây mọc hoang ở khu vực Hoàng Nam vào hỗn hợp, khiến cho màu vàng sáng và lấp lánh hơn.

Nghệ thuật Regong: “Bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng” - Ảnh 3.

Một bức tranh Thangka được trưng bày ở Bắc Kinh

- Barbola

Nói chính xác, Barbola là một hình thức nghệ thuật sử dụng kỹ thuật thêu trên vải. Theo Lịch sử Nghệ thuật Trung Quốc, Barbola được phát triển từ kỹ thuật thêu. Nó có nguồn gốc từ thời nhà Đường, với phiên bản đầu tiên làm bằng gấm lụa từ thời Nam Bắc Triều ở thung lũng Dương Tử.

Trong một thời gian dài, không có bằng chứng xác thực thời điểm chính xác lần đầu tiên Barbola xuất hiện. Nó đã được sử dụng trên quần áo của một số nhóm dân tộc, chẳng hạn như dân tộc Miêu. Trong số các di tích văn hóa được khai quật ở Đôn Hoàng, tranh cuộn Thangka tôn giáo được làm bằng kỹ thuật Barbola cũng được phát hiện. Trong kinh sách tôn giáo cổ xưa của Tây Tạng, người ta cũng tìm thấy các kỹ năng điêu khắc, hội họa, barbola và kiến trúc,… cho thấy lịch sử lâu đời của Barbola Tây Tạng.

Chủ đề về Barbola thường đến từ các câu chuyện Phật giáo, và hầu hết chúng là về con người. Barbola rất chú ý đến tư thế và các chi tiết của hình người, đồng thời tập trung vào việc sắp xếp các loại vải lụa và sa tanh có màu sắc khác nhau. Đặc điểm của Barbola là chạm khắc tinh xảo giữa sự thô sơ, tôn vinh các chủ đề chính, có màu sắc sinh động và tạo nên sự tương phản mạnh mẽ. Barbola là một sự đổi mới trong nghệ thuật thêu, kết hợp giữa thêu và chạm nổi.

- Điêu khắc

Điêu khắc giữ một vị trí quan trọng trong nghệ thuật Regong, chủ yếu bao gồm điêu khắc đất sét, chạm khắc gỗ, khắc gạch,... trong đó điêu khắc đất sét là phổ biến nhất. Nghệ thuật điêu khắc đất sét đã phát triển từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19 khi các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc tinh xảo và sống động như thật, với đường nét trang phục mượt mà, tạo cảm giác chân thực và sự tương phản mạnh mẽ về màu sắc được sắp xếp hài hòa.

Các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét được kết hợp với kiến trúc đền đài để thể hiện nhiều nội dung liên quan đến kiến trúc. Phạm vi của các đối tượng cũng rất rộng. Bên cạnh mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, núi non, hoa và cây cối, chim chóc, thú dữ, cá và sâu bọ và các hoa văn khác được sử dụng làm đồ trang trí và giấy bạc, các màu sắc khác nhau và các hình ảnh đa dạng khác cũng xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc.

Ngoài ra, chạm khắc gỗ và gạch cũng có ở nhiều nơi. Khắc gỗ chủ yếu được sử dụng để tạo hoa văn trang trí trên các thanh ngang cửa và xà ngang nhà, cũng như các lư hương bằng gỗ. Chạm khắc gạch chủ yếu được thấy trong các hình thức kiến trúc như hoa văn trang trí, rồng phượng và đôi sư tử trên nóc nhà, thú trên mái nhà và phù điêu trên tường.

Nghệ thuật Regong: “Bông hoa trên cao nguyên Tây Tạng” - Ảnh 4.

Một người đàn ông học vẽ Thangka tại Học viện Nghệ thuật Regong ở Khu tự trị Tây Tạng Hoàng Nam, tỉnh Thanh Hải

Để bảo tồn và phát huy tốt hơn văn hóa Regong, huyện tự trị Tây Tạng Hoàng Nam đã được phê duyệt là một trong những khu bảo tồn sinh thái văn hóa cấp quốc gia đầu tiên vào năm 2019.

Với triển vọng quảng bá văn hóa dân tộc địa phương và các loại hình nghệ thuật độc đáo, chính quyền đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau để thu hút khách du lịch và giới thiệu nghệ thuật Regong bằng cách tổ chức triển lãm ở các thành phố và quốc gia khác. Họ cũng đã đưa ra các chương trình trao đổi miễn phí để giúp những người say mê văn hóa Regong học các nghề thủ công liên quan trong khu vực.

Nghệ thuật Regong cũng được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.

Nguồn: CGTN, China Daily