Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: 'Cái khó ló cái khôn', từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí?

Koi Koi, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 01/04/2020
Chia sẻ

Khi rất nhiều quốc gia đã phải tiến hành cách ly, yêu cầu người dân ở nhà, nhu cầu thông tin giải trí tại nhà lại càng cao hơn bao giờ hết, thì câu chuyện livestream của nghệ sĩ lại mang một tính chất hoàn toàn khác, không còn đơn giản như trước.

Những ngày qua, khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, làm cả nhân loại phải lùi lại một bước. Những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đang được triển khai ráo riết khắp mọi nơi trên thế giới. Dịch Covid-19 đã khiến cho toàn thể thế giới khiếp sợ, đã cầm chân chúng ta ở lại trong nhà. Toàn bộ ngành giải trí trị giá hàng tỉ USD bỗng chốc đóng băng và trì trệ, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng nhất thế giới giờ đây cũng phải ở nhà – vì Covid-19 không phân biệt bạn là ai, đó là một sự thật tàn nhẫn và khốc liệt.

Livestream đang là một chiếc phao "cứu cánh"

Ngay trong thời điểm cả thế giới đang căng thẳng vì dịch bệnh, thật may mắn rằng chúng ta vẫn chứng kiến được vô vàn những điều tích cực giữa người với người, để ta thêm vững tin vào sự thiện lương của nhân loại. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng chính là một trong những người đi tiên phong, họ sở hữu một sức ảnh hưởng lớn và mang đến những món quà tinh thần, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho công chúng trên toàn thế giới.

Không còn được hát trực tiếp trên sân khấu, các nghệ sĩ đã chuyển sang hình thức livestream, chỉ cần ngồi ở nhà nhưng cả thế giới vẫn có thể theo dõi họ. Dù bạn ở bất kì nơi đâu, bạn vẫn có thể theo dõi nghệ sĩ bạn yêu thích hát live theo hình thức “cây nhà lá vườn”.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 1.

Câu chuyện livestream ca hát và trình diễn nếu diễn ra giữa những ngày bình thường, thì chúng ta cũng chỉ xem như “dệt hoa trên gấm”, góp phần tô điểm thêm cho nghệ sĩ, gắn bó thêm một chút với khán giả mà thôi. Nhưng hiện tại, khi rất nhiều quốc gia đã phải tiến hành cách ly, yêu cầu người dân ở nhà, nhu cầu thông tin giải trí tại nhà lại càng cao hơn bao giờ hết, thì câu chuyện livestream lại mang một tính chất hoàn toàn khác, không còn đơn giản như trước.

Không ngoa khi nói, trong thời điểm này, rất nhiều nghệ sĩ đều “dọn nhà” lên hết mạng xã hội, duy trì sức nóng của mình thông qua màn hình điện thoại – cách tương tác khả dĩ duy nhất trong thời điểm ai ai cũng đều được yêu cầu ở nhà như thế này.

DJ D-Nice và câu chuyện "từ số 1 trở thành số 10" ngay giữa mùa dịch Covid-19

Câu chuyện về DJ D'Nice cách đây khoảng 1 tuần ắt hẳn là một câu chuyện truyền cảm hứng làm khán giả không khỏi thích thú khi chỉ từ một hành động nhỏ đã đem về cơ hội không tưởng. D-Nice là một DJ tầm trung, xuất thân ở khu Bronx, New York - và ắt hẳn, nam DJ này không thể tin được cuộc đời anh đã sang trang mới chỉ bằng đúng 1 buổi livestream trình diễn EDM tại nhà.

Cụ thể, trong lúc cả nước Mỹ tiến hành việc "cách ly xã hội", kêu gọi tất cả người dân ở nhà, anh đã mở một màn trình diễn âm nhạc riêng tại nhà, livestream trên Instagram để "khuyến khích mọi người tự tiệc tùng tại nhà, không đi ra ngoài". Là một DJ không quá nổi tiếng, anh chàng lúc đầu cũng chỉ livestream... cho vui, chỉ phát nhạc cho những khán giả của mình và bạn bè. Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên "điên rồ" khi loạt người nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ đã "ghé thăm" buổi livestream này, khiến cho buổi chơi nhạc của DJ trở thành sự kiện âm nhạc hot nhất của nước Mỹ trong những ngày vừa qua.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 2.

Câu chuyện về chiếc livestream thu hút cùng lúc hơn 100 nghìn người vẫn khiến khán giả bất ngờ.

Từ những nhân vật cấp cao của nước Mỹ như Michelle Obama, phu nhân của cựu Tổng thống Barack Obama - và sau đó là các ca sĩ đình đám như Rihanna, Justin Timberlake, Usher, Janet Jackson, Missy Elliott, Diplo, Alicia Keys, Jennifer Lopez, Stevie Wonder,... các diễn viên nổi tiếng Jamie Foxx, Ellen DeGeneres,... lần lượt đều ghé lại, thưởng thức set nhạc của DJ D-Nice.

Khoảnh khắc DJ D-Nice phấn khích tột độ khi phát hiện Michelle Obama tham dự buổi livestream của anh.

Tất nhiên, anh chàng D-Nice không thể nào giấu đi được sự sửng sốt trước cơ hội quá bất ngờ: gần như tất cả những tên tuổi "máu mặt" bậc nhất Hollywood đều đã dừng chân ở buổi livestream của anh, lượt người xem cứ thế tăng dần cho đến lúc "chạm nóc" là 100 nghìn lượt xem cùng lúc - một con số cực kì ấn tượng trên bất kì nền tảng mạng xã hội nào.

Đó có thể xem là buổi livestream đổi đời - khi D'Nice từ một cái tên tầm trung không phải ai cũng biết đến, giờ đây đã có một cơ hội để toả sáng và chiếm spotlight. Ắt hẳn, sau khi dịch bệnh đi qua, những hợp đồng và cơ hội mới sẽ đến liên tục với anh chàng DJ may mắn này.

Câu chuyện của D'Nice đã mở ra cho chúng ta một góc nhìn hoàn toàn mới: trong thời điểm mà hàng tỉ người trên thế giới phải ở nhà, một buổi livestream có thể khiến bạn nổi tiếng trong chốc lát, cho dù trước đó có thể bạn không là ai cả.

Một cuộc chơi mới mở ra cho nghệ sĩ quốc tế

Thực ra, câu chuyện livestream trình diễn âm nhạc không phải bắt đầu từ DJ D-Nice. Cách đó vài ngày, khi cả nước Mỹ chính thức ban bố lệnh cách ly cả nước, nhiều nghệ sĩ Hollywood đã tìm cách mang giọng hát của mình đến cho khán giả toàn thế giới - chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet.

Đầu tiên, có thể kể đến chuỗi livestream miễn phí, hưởng ứng phong trào #TogetherAtHome, quy tụ sự tham dự của đông đảo ngôi sao Hollywood. Chris Martin (trưởng nhóm Coldplay) vừa đàn piano vừa hát chuẩn "soái ca", John Legend rủ cả vợ yêu của anh tham gia livestream, P!nk cover nhạc Adele đầy sâu lắng, Shawn Mendes và Camila Cabello tiếp tục đóng vai "cặp đôi gà bông" trên sóng livestream trong lúc hát hò các bản hit của nhau, Miley Cyrus thậm chí có cả riêng một show livestream riêng tên "Bright Minded" mời mỗi số một cô nàng trong hội "chị em bạn dì" tham dự,… họ hát hò, tâm sự và làm đủ mọi cách để khiến cho khán giả cảm thấy giải trí. Những buổi livestream này thu hút lượng khán giả theo dõi rất lớn: từ vài nghìn đến vài chục nghìn là bình thường.

John Legend trình diễn siêu hit "All of Me" tại livestream #TogetherAtHome.

Tuy nhiên, đó là với những nghệ sĩ hàng đầu thế giới với khối tài sản khổng lồ, đủ để họ có thể sống sung túc trong nhiều năm. Tuy nhiên, đối với những nghệ sĩ ít tên tuổi hơn, chẳng hạn như những giọng ca Indie/ Underground hoặc các ca sĩ mà tên tuổi dần mất đi sức hút, tình hình lúc này quả thực bế tắc: ngày bình thường thu nhập từ âm nhạc của họ đã không bao nhiêu, dịch bệnh Covid-19 tràn đến giống như thêm một cánh cửa nữa đóng lại trước mắt họ.

Trong cái rủi có cái may, họ đã tìm được cách: tổ chức livestream ca hát, nhưng khán giả phải trả một khoản phí nhất định thì mới có thể tham dự.

Đầu tiên có thể đến nữ ca sĩ Erykah Badu, cô đã thông báo với khán giả về việc sẽ tổ chức một concert và livestream toàn bộ ngay từ phòng ngủ của mình. Cô cũng thông báo: chi phí tham dự concert đặc biệt này rơi ở mức $1 mỗi người, đồng thời người hâm mộ còn có thể yêu cầu ca khúc để cô trình diễn. Đây là cách mà nữ ca sĩ từng đoạt giải Grammy đương đầu với việc tour lưu diễn của cô bị dời lịch từ tháng 2 sang tận tháng 11.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 6.

Erykah Badu.

Tại Nga, một nền tảng trực tuyến có tên Stay được ra đời, chuyên trình chiếu những buổi trình diễn online của các nghệ sĩ. Khán giả muốn tham dự những concert đặc biệt này phải trả một khoản phí để có thể kết nối. Trước mắt, đã có nhóm nhạc Hadn Dadn, tiếp đó sẽ là nghệ sĩ Oligarkh, Masha Hima,… khán giả chỉ cần đóng tiền theo đúng thủ tục hướng dẫn, và canh đúng thời gian để vào xem concert của nghệ sĩ mình ưa thích.

Với nghệ sĩ YungBlud, tạp chí Forbes mới đây đã có một giả thiết khá hay ho dựa trên sự thành công đầy bất ngờ của YoungBlud với show livestream của anh. Theo đó, giá vé trung bình cho concert của nam ca sĩ ngoài đời thực rơi vào khoảng $90,36 - đặt một giả thiết rằng: nếu 360.000 khán giả xem trực tuyến đều trả mỗi người khoảng tiền $90,36, thì YoungBlud có thể đã thu về hơn 32 triệu USD. Giả sử giá vé xem một concert online giảm xuống chỉ bằng 1/2 so với giá vé xem concert ngoài đời thực, thì YoungBlud cũng đã mang về 16 triệu USD rồi.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 7.

Concert online của YungBlud có thể đem về khoản lợi nhuận khó tin.

Thực ra, với khán giả những nước phát triển trên thế giới, việc trả một khoản phí để sở hữu một bài hát, một album hoặc sản phẩm âm nhạc đã không còn là một điều quá xa lạ. Và trong thời điểm dịch Covid-19, khán giả toàn thế giới dần dà làm quen thêm được với việc trả tiền để được nghe và xem nghệ sĩ mình yêu thích trình diễn trực tiếp.

Nghệ sĩ Việt Nam nên nắm bắt thời cơ?

Nghệ sĩ Việt Nam hẳn nhiên không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay từ sau Tết, tất cả các hoạt động đều bị ngưng trệ: sản phẩm âm nhạc bị dời lịch phát hành đến nhiều tháng sau, rất nhiều các dự án nghệ thuật đều bị hoãn thậm chí bị huỷ, số lượng show diễn bị huỷ nhiều không kể hết được, các sự kiện hội tụ đông người càng không thể diễn ra. Trong quãng thời gian dịch bệnh vừa bùng phát, nhiều nghệ sĩ Việt vẫn không giấu được sự sửng sốt khi toàn bộ ngành giải trí nước nhà đồng loạt bị “tê liệt”.

Tuy nhiên, sau vài tuần loay hoay, các nghệ sĩ cũng đã dần dà nhận ra bước đi tiếp theo, giống hệt các nghệ sĩ thế giới: sử dụng tính năng livestream của các mạng xã hội như một kênh để giao lưu với người hâm mộ.

Với thông điệp "Tôi ở nhà bạn cũng thế", chuỗi Radio Live Concert do Kenh14.vn khởi xướng có thể xem là chương trình livestream ca hát tại nhà quy tụ nhiều nghệ sĩ Việt tham gia nhất tại thời điểm dịch bệnh này. Mở đầu với Nguyễn Trần Trung Quân, tiếp theo sau đó lần lượt có Bảo Anh, AMEE, Ngô Kiến Huy, Vũ Cát Tường,… tất cả đều tiến hành livestream trực tiếp tại nhà, hát các bản hit hoặc ca khúc theo yêu cầu từ khán giả, kết hợp với giải đáp, những thắc mắc và chia sẻ tâm tư tình cảm từ người xem livestream. Đặc biệt, trong các buổi phát livestream của mình, các nghệ sĩ đều chú trọng đến phần tuyên truyền tới khán giả thông điệp "Tôi Ở Nhà", cảnh báo tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn các cách phòng tránh, từ đó lan toả thông điệp tích cực đến số đông khán giả trẻ.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 8.

AMEE và nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền trong Radio Live Concert tuần vừa rồi.

Mô hình này không mới nếu xuất hiện trong những ngày bình thường, tuy nhiên giữa mùa dịch Covid-19, khi khán giả Việt được yêu cầu phải ở nhà, thì những buổi livestream này thực sự có ý nghĩa.

Nguyễn Trần Trung Quân hát ca khúc "Màu Nước Mắt" phiên bản "mở rộng" đặc biệt tại Radio Live Concert.

Bảo Anh và Khắc Hưng mang đến một bản phối mới lạ cho ca khúc "Người Hãy Quên Em Đi" của Mỹ Tâm tại Radio Live Concert.

Ngoài Radio Live Concert, một số nghệ sĩ khác vẫn tổ chức livestream vừa hát hò vừa trò chuyện thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả. Trong đó không thể không kể đến anh chàng K-ICM, với tần suất livestream khá dày đặc trong những ngày gần đây. Ngoài tâm sự, "tám chuyện" với người hâm mộ, đây cũng là dịp để anh chàng producer trẻ tuổi "thả thính" về loạt dự án mới khiến fan "đứng ngồi không yên".

Clip K-ICM thể hiện "Buồn Của Anh" bằng giai điệu nhạc cụ dân tộc trong một buổi livestream gần đây.

Tuy nhiên, những buổi livestream miễn phí chỉ mới là bước ban đầu. Trong những trường hợp xấu hơn, tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, những nghệ sĩ buộc phải tìm cho mình một con đường mới.

Tuấn Hưng chính là nghệ sĩ Việt Nam tiên phong trong việc thu phí khi livestream trình diễn. Không chỉ vậy, vừa qua, nam ca sĩ Tuấn Hưng đã quyết định tổ chức liveshow thông qua hình thức livestream có tính phí để dành toàn bộ doanh thu cho việc ủng hộ Quỹ chống dịch Covid-19 cũng như muốn khán giả được thưởng thức âm nhạc trọn vẹn trong những ngày ở nhà chống dịch.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 12.

Khán giả bỏ ra tối thiểu 250 nghìn đồng để tham dự show của Tuấn Hưng.

Được biết, liveshow của Tuấn Hưng được đầu tư như mini show tổ chức trong một phòng trà. Dù không có bất kỳ khán giả nào nhưng từ band nhạc cho đến các thiết bị âm thanh đều được nam ca sĩ chuẩn bị kỹ lưỡng để mang đến cho khán giả không gian âm nhạc như đang xem trực tiếp.

Cách mà Tuấn Hưng đang làm cũng phần nào giống với những trường hợp nghệ sĩ quốc tế kể trên: khán giả muốn xem livestream phải trả một khoản phí nhất định. Khoản chi phí này, theo đúng logic thông thường, sẽ thấp hơn giá tiền để xem trực tiếp các nghệ sĩ trình diễn ngoài đời – tuy nhiên, nếu thu hút lượng khán giả đủ lớn, nghệ sĩ vẫn có thể mang về một khoản thu nhập.

Clip Tuấn Hưng - Khắc Việt thể hiện "Tìm Lại Bầu Trời" phiên bản thời Covid-19

Những nghệ sĩ Việt đều có thể làm tương tự: bắt đầu bằng những buổi livestream miễn phí, “cây nhà lá vườn” – tuy nhiên dần dà sau đó có thể bắt đầu thu những khoản phí nhỏ tượng trưng. Như Tuấn Hưng, nam ca sĩ đã quyết định sử dụng lợi nhuận từ show diễn của mình để gây quỹ chống dịch. Cũng cần biết, số lượng theo dõi một livestream là không giới hạn, nên số tiền phí có thể ít lại, nhưng số lượng khán giả lại đông hơn cả những đêm diễn thông thường.

Tất nhiên, trên đây mới chỉ là gợi ý – vì tâm lý khán giả và thói quen của người nghe nhạc Việt Nam khác biệt so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với việc nghe nhạc có ý thức - trả tiền cho các dịch vụ âm nhạc có bản quyền, mang lợi nhuận về cho nghệ sĩ, vẫn còn chưa thực sự phổ biến. Thế nên, việc khán giả phải bỏ tiền để xem nghệ sĩ trình diễn livestream lại càng trở nên mới mẻ, không thể nào thay đổi được trong một sớm một chiều.

Tạm kết

Thừa nhận rằng, chúng ta không ai mong muốn tình hình dịch bệnh kéo dài thêm cả. Vì rõ ràng, cảm giác được tự do hoà mình trong đêm nhạc của thần tượng, trực tiếp cùng với hàng nghìn người hoà giọng theo nghệ sĩ mình yêu thích, vẫn là một cảm giác “đã” hơn rất nhiều. Nhưng, trong trường hợp xấu hơn, khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, các nghệ sĩ bắt buộc phải chuyển hướng hoạt động – hoạch định lại các kế hoạch, đồng thời tìm ra cách thức để "giảm đau kinh tế" cho thị trường giải trí đang đóng băng như hiện nay.

Nghệ sĩ tổ chức show livestream giữa mùa dịch: Cái khó ló cái khôn, từ miễn phí cho đến thu phí đã mở ra một cuộc chơi mới cho nền giải trí? - Ảnh 15.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày