Nghe khá lạ nhưng lại là sự thật: Chúng ta hoàn toàn có thể bị ngộ độc nước

Minh Hồng, Theo Helino 10:09 13/03/2018
Chia sẻ

Chúng ta thường được khuyên uống nhiều nước vì sẽ giúp thanh lọc cơ thể, làm đẹp da, thêm khỏe mạnh. Nhưng trên thực tế, nhu cầu dung nạp nước của mỗi người là khác nhau và nếu uống quá nhiều, bạn hoàn toàn có nguy cơ bị ngộ độc nước.

70% cơ thể con người là nước. Không có gì phải nghi ngờ khi nói chất lỏng này là điều tối cần thiết cho sự sống của chúng ta.

Nghe khá lạ nhưng lại là sự thật: Chúng ta hoàn toàn có thể bị ngộ độc nước - Ảnh 1.

Thiếu nước sẽ gây ra nguy hiểm cho cơ thể, song thừa nước cũng như vậy.

Tuy nhiên, trong cuộc sống này có câu "Cái gì quá cũng không tốt" và đối với việc uống nước cũng vậy. 

Không thể phủ nhận những hiệu quả của việc uống đủ nước với cơ thể, song khi được dung nạp quá nhiều, nước cũng có thể gây nguy hiểm cho bạn - bởi chúng có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nước.

Dưới đây là tất cả những điều bạn cần biết về ngộ độc nước và hậu quả của nó đối với cơ thể bạn.

Ngộ độc nước là gì?

Bạn có thể thử làm một thí nghiệm như sau: Ngâm một quả nho khô trong nước qua đêm, đến hôm sau quả nho sẽ trở nên căng phồng, hút đẫm nước. Tương tự, sau khi ngâm dưa chuột trong nước muối đặc, dưa sẽ quắt lại và có vị mặn.

Nghe khá lạ nhưng lại là sự thật: Chúng ta hoàn toàn có thể bị ngộ độc nước - Ảnh 2.

Tế bào của bạn khi hấp thụ quá nhiều nước cũng sẽ phình to ra giống những quả nho khô này.

Quá trình này được gọi là thẩm thấu - chất lỏng có đặc tính khuếch tán qua một lớp màng từ vùng có nồng độ cao sang vùng có nồng độ thấp cho đến khi cả hai đạt đến trạng thái cân bằng.

Tế bào của bạn cũng có đặc tính hoạt động như vậy. 

Khi bạn uống quá nhiều nước, nồng độ natri trong máu sẽ loãng hơn, nước sẽ thẩm thấu vào các tế bào. Khi tế bào đã bão hòa nước, chúng có thể vỡ ra gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt nguy hiểm với não bộ.

Dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc nước

Ngộ độc nước khiến các tế bào não sưng lên, làm tăng áp lực hộp sọ, xáo trộn chức năng não, dẫn đến đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng khác bao gồm huyết áp tăng cao, nhìn một thành hai, run và yếu cơ, khó thở.

Nghe khá lạ nhưng lại là sự thật: Chúng ta hoàn toàn có thể bị ngộ độc nước - Ảnh 3.

Run rẩy là triệu chứng đầu tiên

Tình trạng ngộ độc nước quá nặng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong vì ngộ độc nước là những người lính và vận động viên. 

Họ thường không phân biệt được các triệu chứng ngộ độc nước, do đó tử vong vì những nỗ lực bù nước quá mức sau khi vận động.

Vậy uống bao nhiêu nước sẽ có nguy cơ ngộ độc?

Điều đó phụ thuộc vào hai yếu tố: khả năng lọc của thận và khoảng thời gian mà bạn uống lượng nước đó.

Một quả thận khỏe mạnh của con người có khả năng lọc tối đa 1 lít nước mỗi giờ. Như vậy, nếu trong một giờ bạn uống 1 lít nước hoặc nhiều hơn, bạn đã có nguy cơ bị ngộ độc. Nguy cơ này đặc biệt cao hơn đối với những người có bệnh thận mãn tính hoặc chỉ còn một chức năng thận.

Ngoài ra, thời gian cũng là vấn đề rất quan trọng. Ví dụ, uống khoảng 10 lít nước trong vòng một vài giờ làm tăng rất cao nguy cơ ngộ độc nước. 

Như vậy thì nên uống bao nhiêu nước một ngày?

Bác sĩ Imran Rafi, trưởng viện sáng chế và nghiên cứu tại ĐH Royal cho biết, giữ mức đủ nước trong người là điều rất quan trọng nhưng không có một mức xác định nào về việc con người nên uống bao nhiêu mới là "đủ".

Nghe khá lạ nhưng lại là sự thật: Chúng ta hoàn toàn có thể bị ngộ độc nước - Ảnh 4.

Lượng nước mà bạn nên uống mỗi ngày phụ thuộc vào hình thể, tình trạng bệnh lý và mức độ dung nạp nước của bạn.

Imran Rafi chia sẻ: "Uống đủ nước giúp con người khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, bệnh nhân nên giữ cho cơ thể không thiếu nước khi có vấn đề về sức khỏe. 

Bạn nên uống thêm nước khi có dấu hiệu mất nước như: cảm thấy khát (có thể do thời tiết hay do tập luyện thể thao), hay khi nước tiểu có màu sậm hơn bình thường".

Nếu bạn muốn có một con số cụ thể, thì trung tâm Y tế cộng đồng Anh đề xuất rằng nên uống từ 6 - 8 cốc nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Đối với người Việt Nam, lượng nước mỗi người nên nạp vào cơ thể mỗi ngày được khuyến cáo là từ 1,2 đến 2 lít. 

Nguồn: Boldsky, Independent

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày