Lần đầu tiên gặp Thư Vũ - Admin của group "Mê đồ si đa", ấn tượng của tôi là cô nàng này đẹp quá! Thư không đẹp kiểu hot girl với vẻ ngoài nhìn cái là mê ngay. Vẻ đẹp của Thư là sự cuốn hút, hấp dẫn đến từ một người phụ nữ tự tin, thông minh và luôn biết cách yêu thương, chăm sóc bản thân.
Thư Vũ từng học song song ngành Quản lý và kinh doanh thời trang tại ĐH RMIT và ngành Luật quốc tế tại trường ĐH Luật TP.HCM. Cô cũng từng là dịch giả của 2 cuốn sách là "Thanh lịch kiểu Pháp" và "Đời thay đổi khi ta thay đồ". Dù khá hiểu và đam mê về thời trang cũng như những "cái bẫy" ngọt ngào của việc mua sắm thì như bao cô gái khác, Thư cũng từng là một shopaholic, từng đứng trước cả núi quần áo mà vẫn phải than ngắn thở dài là mình không có gì để mặc.
Thư Vũ
Ở cô nàng này luôn toát lên vẻ tự tin và rất quyến rũ
Tuy nhiên, đam mê với đồ si đã thay đổi rất nhiều cách nhìn nhận của Thư về thời trang và tiêu dùng. Từ đây, cô nàng cũng đã mạnh dạn start up một mô hình kinh doanh kí gửi đồ cũ được nhiều ngôi sao tin tưởng như Hồ Ngọc Hà, Đoan Trang, hoa hậu Trái Đất Phương Khánh, người mẫu Cao Thiên Trang, MC Misoa...
Những quan điểm thú vị của Thư Vũ về đồ si và cách làm thế nào để quản lý tủ đồ của mình một cách thông minh chắc chắn sẽ mang đến cho bạn gợi ý thú vị.
Thư thích cảm giác tìm được một món đồ độc đáo mà giá rẻ hơn nếu mua cũng món đồ đó nhưng mua mới. Đồ si mỗi thứ lại chỉ có một cái, mặc đi ra ngoài đường chắc chắn không "đụng hàng" và khi nói ra thì mọi người vô cùng bất ngờ khi biết được món đồ đó là đồ second-hand. Thư thích cảm giác món đồ mình mặc được trầm trồ như vậy. Sau này, khi biết được việc mua đồ đã qua sử dụng là cách hiệu quả nhất để hạn chế phát thải trong tiêu dùng thời trang thì Thư lại càng thích đồ si hơn.
Mình nhận ra, nguồn cung cấp dồi dào đồ si, đồ 2hand nhất không phải ở đâu xa xôi mà chính trong tủ quần áo của 90% phụ nữ, bởi vì họ thường chỉ mặc tầm 30% thôi, còn 70% còn lại chỉ mặc một vài lần, có khi còn nguyên tag chưa mặc lần nào nằm im trong tủ. Vì vậy, mình tạo ra một kênh thanh lý hiệu quả góp phần giúp mọi người dọn dẹp tủ đồ, sống tinh giản hơn và có chỗ để mang về những món đồ mới phù hợp với mình hơn. Mình từng thanh lý đồ một lần thôi mà thu về 20 triệu - một con số không hề nhỏ. Vậy nên, bất kì ai cũng có thể "start up" bằng việc bán bớt đồ mình chẳng bao giờ mặc đi cho người cần.
Hình thức kinh doanh vừa mua vừa bán của mình may mắn sao vừa mới bắt đầu đã được nhiều người biết đến. Mình được nhiều nhân vật "xịn xịn" tìm đến để ký gửi đồ, có cả chị Hồ Ngọc Hà, chị Đoan Trang, hoa hậu Trái Đất Phương Khánh, người mẫu Cao Thiên Trang, MC Misoa và các chị doanh nhân có phong cách khác.
Thư Vũ start up với đồ si
Đồ si mang đến cho mình các bài học về giá cả và giá trị áp dụng vào tất cả mọi điều trong cuộc sống. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của phụ nữ là nỗi sợ về tuổi tác, sợ mình mất giá trị theo thời gian. Nhưng chúng ta có “old”, có “vintage” và có “antique” và chúng vẫn rất thời thượng.
Nói như vậy là để hiểu rằng nếu như chúng ta biết đầu tư đúng cách cho bản thân, biết cách trở nên khác biệt và tạo ra giá trị khác biệt thì tuổi tác hay năm tháng chỉ làm tăng lên giá trị của mình, càng làm mình “quý” hơn, “hiếm” hơn, phủ lên người mình là một lớp “patina” giá trị không thể tìm thấy ở những món đồ mới. Mình phải sống sao để mình là đồ cổ, đồ sưu tầm, chứ không phải là đồ cũ.
Tủ đồ của Thư bây giờ chắc 70% là đồ si, 20% là đồ làm từ vật liệu bền vững, 10% là đồ may đo. Giá các món đồ si mà Thư sở hữu thì nhiều lắm, có món chỉ hai ba chục nghìn, có món lên tới vài triệu dù là đồ second-hand.
Dưới đây là những tips mua đồ si của mình:
- Đừng mua đồ si chỉ vì giá rẻ. Càng nhiều đồ thì mình càng khó khăn trong việc chọn đồ mặc mỗi ngày. Dù cho đồ si là giải pháp cho việc "bền vững" hơn trong thời trang nhưng nếu mua đồ si cũng vô độ như đồ mới thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.
- Dù là đồ cũ thì bạn cũng phải chú ý tới tình trạng, chất lượng của món đồ trước tiên. Đừng vì giá mà chép miệng thôi kệ, có bẩn tí, rách tí nhưng rẻ quá mà.
- Đối với những món có giá trị cao như các món đồ second-hand dòng luxury, đồ vintage (đúng nghĩa), đồ antique thì hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền mua. Tốt nhất là nên có một chuyên gia đi cùng bạn khi "săn" mặt hàng đặc biệt này để đỡ lầm.
Để mặc đồ si mà không bị già thì mình nên tránh những món đồ có tông nâu trầm, những món có quá nhiều chi tiết thuộc về các thế kỷ trước, như diềm bèo, nhún, cổ lá sen, nút một hàng dài nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm phối đồ. Chỉ có đối với những món đồ khá đặc biệt như thế thì mới ngại thôi, còn với đồ second-hand mới một hai năm tuổi thì bạn chẳng có gì phải lo cả, chỉ cần áp dụng các nguyên tắc ăn mặc bình thường như với đồ mới. Vì có một vài năm tuổi thì thời trang có khác gì mấy đâu, xu hướng lúc nào mà chẳng quay lại.
Đúng là không mấy phụ nữ có thể cưỡng lại sức hút của việc mua sắm quần áo. Ngay cả bản thân Thư cũng thế. Dù mình học và làm trong ngành thời trang, tưởng là đã quá hiểu các mánh lới và nghệ thuật Marketing của các nhãn hàng nhưng cuối cùng cũng lọt vào cái "bẫy" ngọt ngào êm ái đó mà tha về đủ thứ quần áo.
Từ khi phải vật lộn bán, đem tặng bớt, tha lôi chỗ đồ nặng trịch mỗi lần dời nhà, cộng với việc phải đầu tư cho nhiều thứ khác trong cuộc sống thì Thư phải tự học cách hạn chế mua sắm lại, xây dựng cho mình một tủ quần áo thông minh để không phải mắc căn bệnh không có gì để mặc nữa.
Đây là cách Thư quản lý việc ăn mặc của mình:
- Hiểu rằng ăn mặc đẹp là ăn mặc phù hợp, mặc những thứ vừa vặn. Vừa vặn với ba thứ sau: Vừa vặn với cơ thể; vừa vặn với hoàn cảnh của sự kiện, nơi chốn mình sắp tới; vừa vặn với người mình sắp gặp. Bạn không thể mặc quần cộc áo thun hoặc quần áo quá hở hang, quá rườm rà khi đi tới một buổi họp với những nhân vật quan trọng được.
- Xu hướng mới cũng hay đấy nhưng chạy theo xu hướng không phải là cách để ăn mặc đẹp hơn nếu như xu hướng đó không vừa vặn với ba thứ kể bên trên.
- Xây dựng một tủ đồ đầy đủ các món căn bản không thể thiếu trước. Những món này đóng vai trò là lớp nền vững chắc cho bộ trang phục, để bạn có thể yên tâm phối với các món độc đáo hơn một chút. Ngoài ra, việc có sẵn những món nền tảng này sẽ giúp bạn mạnh dạn hơn khi mua sắm. Thư gặp nhiều bạn/chị gặp một món đồ rất đẹp nhưng ngại mua vì sợ khó phối thì Thư biết là bạn/chị chưa xây được cho mình sẵn một tủ đồ nền tảng ở nhà.
- Thư hiện giờ còn có thêm một số quy tắc trong việc mua sắm chính là: ưu tiên mua sản phẩm được thiết kế và gia công trong nước, ưu tiên mua đồ si (đồ second-hand), ưu tiên sản phẩm làng nghề. Trừ đồ si, thì một số món Thư mua đắt một tí nhưng mua ít lại. Thay vì mua mười cái áo đầm mới giá rẻ thì Thư mua một cái phom dáng căn bản, làm từ vật liệu tự nhiên, có nhiều chi tiết được làm thủ công. Sự thật là việc đặt ra các giới hạn khi mua sắm lại khiến chúng ta mua sắm hiệu quả hơn. Còn cứ mua theo cảm tính thì ta sẽ luôn mua lầm, mua thật nhiều nhưng cuối cùng không mặc.