Tại Nhật Bản, cứ vào ngày mùng 3/3 hàng năm, các gia đình và địa phương lại nô nức tổ chức Hina Matsuri - Lễ hội búp bê (còn được biết đến với cái tên Lễ hội bé gái). Đây là dịp được nhiều gia đình chờ đón, với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe và tương lai hạnh phúc cho các bé gái.
Trong dịp này, mỗi gia đình sẽ trưng lên những con búp bê xinh đẹp nhất trong các bộ trang phục kimono truyền thống. Cả gia đình sẽ quây quần với nhau, ăn những món ngon truyền thống hay đi dạo ngắm hoa đào nở. Người lớn cũng vui mừng mà trẻ con cũng háo hức không kém. Các bé gái có thể diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình và đi chơi cùng gia đình.
Không chỉ tại các gia đình, nhiều thành phố, địa phương cũng có những cách khác nhau để tổ chức ngày lễ quan trọng này.
Một kệ trưng bày búp bê trong Hina Matsuri tại Nhật Bản.
Nguồn gốc của lễ hội
Theo truyền thuyết, lễ hội búp bê bắt nguồn từ phong tục cổ xưa mang tên nagashi-bina. Người ta sẽ viết những thứ đen đủi lên lưng của búp bê giấy, xong để chúng trôi theo dòng nước.
Vì đây là thời điểm giao mùa từ đông sang xuân, người dân tin rằng nếu làm như vậy, bệnh tật và vận đen sẽ bị xua tan còn vận may sẽ đến trong năm mới. Năm này qua năm khác, phong tục truyền thống này đã được thay đổi một chút, chuyển thành thú chơi búp bê, vốn được các gia đình giàu có ưa chuộng. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), lễ hội búp bê chính thức được ra đời và duy trì đến ngày nay.
Lễ hội búp bê chính thức có từ thời kỳ Edo.
Các hoạt động trong lễ hội
Trong quá khứ, lễ hội là dịp để cảm ơn những người phụ nữ bận rộn, vất vả cho gia đình. Đây là ngày các bà, các mẹ có thể nghỉ ngơi, không phải làm gì và thưởng thức các món ăn ngon. Ngày nay, gia đình thường tổ chức ngày này với các món truyền thống như hina-arare (bánh gạo bọc đường đầy màu sắc), hishi mochi và chirashi-zushi...
Các em bé trong lễ hội búp bê.
Những con búp bê truyền thống
Biểu tượng của lễ hội búp bê là những con búp bê truyền thống. Các gia đình sẽ chuẩn bị gian trưng bày búp bê ngay từ trước lễ hội. Khung đựng búp bê được phủ vải đỏ, bên trên cùng đặt Dairi-bina (búp bê hoàng gia) trong bộ kimono đẹp nhất, lộng lẫy nhất. Dairi-Bina tượng trưng cho vua và nữ hoàng.
Bên dưới sẽ là 3 búp bê nữ trong trang phục Hakama đỏ. Dưới nữa sẽ có 5 con búp bê tượng trưng cho trẻ em, mỗi con mang một nhạc cụ khác nhau.
Mỗi vùng khác nhau sẽ có những phong tục khác nhau. Tại thị trấn nổi tiếng với suối nước nóng Izu, tỉnh Shizuoka, các gia đình thường trang trí nhà mình bằng cách treo những con búp bê nhỏ, làm bằng tay tên tsurushi-bina. Phong tục này đã có được khoảng 150 năm.
Búp bê Dairi-bina.
Búp bê được chế biến tinh xảo với kỹ thuật làm búp bê truyền thống Nhật Bản. Ngày xưa, các con búp bê thường có khuôn mặt trái xoan và mắt nhỏ. Tuy nhiên giờ đây, nhiều người cho rằng búp bê đã dần thay đổi và mang vẻ hiện đại hơn. Nhiều bà mẹ và các bé gái chuyển qua thích búp bê mặt tròn với đôi mắt to lấp lánh do ảnh hưởng từ phim hoạt hình.
Sau mùng 3/3, những con búp bê truyền thống sẽ bị dọn đi càng nhanh càng tốt. Người ta tin rằng nếu trưng bày búp bê quá lâu, những cô gái trong nhà sẽ lấy chồng muộn. Những con búp bê sẽ ở trong nhà kho. Đến khi cô gái sở hữu chúng lấy chồng, nhiệm vụ của chúng sẽ hoàn thành. Nhiều người sẽ tặng búp bê cho con cháu, còn những con búp bê cũ quá sẽ được mang đến ngôi đền tại Kuyo để đốt.
3 tầng chính trong gian bày búp bê.
Lũ trẻ trong trang phục truyền thống ngồi dạo thuyền trên sông.
Các bé gái xúng xính trong trang phục Kimono truyền thống.